Hà Nội: Học sinh mầm non chuẩn bị được đến trường?
Nếu dịch bệnh chuyển biến tích cực, có thể ngày 21/2, học sinh lớp 1 trở lên sẽ đi học ở các quận nội thành. Sau khi Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất phương án cụ thể cho học sinh mầm non đến trường.
Theo Bảng đánh giá cấp độ dịch mới nhất, trong tuần qua, TP Hà Nội có không có xã, phường, thị trấn nào được đánh giá cấp độ dịch ở mức cấp độ 3 (vùng cam) hoặc mức cấp độ 4 (vùng đỏ). Hiện TP Hà Nội có 536 xã, phường ở cấp độ 1, 43 xã phường ở cấp độ 2.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội chiều 11/2, bà Trần Lưu Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, đến nay tỷ lệ học sinh và giáo viên nhiễm COVID-19 chỉ chiếm 0,4% trên tổng số học sinh Hà Nội. Các trường hợp này chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng, không phải trong các cơ sở giáo dục.
Từ đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề xuất các quận, huyện thị xã quan tâm trang cấp máy đo thân nhiệt tự động và đặc biệt là kit test nhanh cho phòng y tế các trường…
Về lộ trình tiếp tục đưa học sinh quay lại trường, bà Trần Lưu Hoa thông tin, Sở đã có văn bản báo cáo thành phố. “Nếu dịch diễn biến giảm, công tác phòng dịch đảm bảo thì từ ngày 21/2, học sinh lớp 1 trở lên sẽ đi học ở các quận nội thành. Tiếp đó, sau khi Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Sở sẽ đề xuất phương án cụ thể cho học sinh mầm non đi học”.
Đáng chú ý, tại phiên họp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội cho biết, số học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tiêm chủng chỉ chiếm hơn 2%. Sở đã khảo sát, trình phương án và UBND TP đã có thông báo đồng ý với đề xuất cho phép học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học từ 14/2. Trong đó, học sinh, sinh viên từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 2 mũi vaccine sẽ được đến trường học trực tiếp. Lứa tuổi thấp hơn sẽ theo kế hoạch của Sở GD&ĐT…
Cũng tại phiên họp, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin: Tính từ 26/1 - 10/2, trung bình Thành phố ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước (ghi nhận trung bình 2.902 ca/ngày). Tuy nhiên, đây có thể là mức giảm chưa chính xác. Trong thời gian tiếp theo, khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: Vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập và trở thành chủng lưu hành phổ biến là hoàn toàn có thể. Vì vậy, cần phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để đảm bảo việc phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời, đảm bảo an ninh y tế.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt yêu cầu các địa phương phải tiếp tục chuẩn bị kỹ càng cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 các quận nội thành đến trường; tiếp tục tính toán lộ trình mở cửa lại các trường mầm non, đề xuất việc học bán trú để phục vụ người dân, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng; chuẩn bị chu đáo, đảm bảo an toàn cho gần 1 triệu học sinh sinh viên cao đẳng, đại học, trường nghề quay lại trường học từ 14/2; rà soát, chuẩn bị sẵn để tiêm vaccine cho học sinh sinh viên các tỉnh thành khác quay lại Hà Nội học tập.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, việc thành phố đã chuyển đổi nhận thức, thích ứng với tình hình mới; cho mở cửa lại nhiều hoạt động dịch vụ, văn hóa, thể thao, tiến tới mở cửa tất cả trường học… là một khối lượng công việc rất lớn được đặt ra để đảm bảo an toàn cho Thủ đô và sức khỏe người dân. Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, trạng thái thích ứng hiện nay không có nghĩa dịch bệnh đã hết. Việc mở cửa sẽ có tâm lý xã hội chủ quan, lơ là trong người dân và cả hệ thống có chiều hướng gia tăng.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Càng mở cửa càng phải tập trung, không được lơ là. Mở cửa mà để dịch bệnh quay lại sẽ gặp nhiều khó khăn. Yêu cầu các quận, huyện phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phù hợp với thực tiễn. Cần làm rõ để người dân biết việc tiêm vaccine giúp hạn chế chuyển nặng, thành phố đã và đang nỗ lực kiềm chế tỷ lệ tử vong, nhưng cứ tiếp tục tăng thì sẽ rất khó khăn, có thể làm quá tải hệ thống y tế, sẽ phải đóng cửa, để lại nhiều di chứng xã hội".
Nguyễn Linh (T/h)