Bài 2: Nhiều bến bãi không phép ngang nhiên hoạt động trong mùa mưa lũ tại Hà Nam
Nhiều bến bãi vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông không nằm trong quy hoạch, không đủ giấy phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động dọc tuyến đê hữu sông Hồng, đê tả sông Đáy trên địa bàn các huyện, thị xã của tỉnh Hà Nam.
Tỉnh Hà Nam có thế mạnh là “cửa ngõ” phía Nam Thủ đô, “vừa cận thị, vừa cận sông”. Với tiềm năng khoáng sản dồi dào, tỉnh này đã và đang tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản; góp phần tăng giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Ngày 29/8/2022, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, kèm theo Quyết định số 31/2022/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định này. Nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản tại địa bàn cũng được UBND tỉnh ban hành qua các năm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về khai thác, sử dụng khoáng sản được đẩy mạnh thực hiện với nội dung và hình thức phong phú; nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích đã đạt được, công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh này vẫn tồn tại một số hạn chế. Đặc biệt là việc giải quyết dứt điểm tình trạng bến bãi vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông ven sông chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Tình trạng này xảy ra chủ yếu tại địa phận các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân và thị xã Duy Tiên.
Ngày 11/7, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Văn An, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều thị xã Duy Tiên. Ông Trần Văn An cho biết, trên địa bàn thị xã có 10 dự án, bãi vật liệu xây dựng đang hoạt động. Trong đó, dự án của Công ty Cổ phần khoáng sản Hamico Hà Nam (thôn Yên Bình, xã Mộc Bắc) với diện tích mỏ được giao là 18,64 ha đã di chuyển hết vật liệu. Có 2 bến bãi quy mô lớn đang hoạt động tại địa bàn xã Chuyên Ngoại là: Bãi sản xuất cấu kiện bê tông diện tích 5.000 m2 của Công ty Bê tông Hoàng Hà (thôn Từ Đài) do ông Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ; Bãi sản xuất 3.000 m2 của Công ty TNHH Sơn Hà (thôn Yên Lệnh) do ông Nguyễn Sơn Hà làm giám đốc, hiện nay con trai ông Hà là Nguyễn Hùng Cường đang quản lý.
Ngày 24/6/2024, UBND thị xã Duy Tiên đã tổ chức hội nghị về việc giải tỏa 2 bến bãi kể trên. Đến ngày 3/7/2024, UBND xã Chuyên Ngoại cũng tổ chức hội nghị giải tỏa, triệu tập các hộ vi phạm luật đê điều và yêu cầu phải thực hiện tự thanh thải vật liệu trên bãi trong thời hạn đến hết ngày 10/7/2024. Quá thời gian trên, xã sẽ thành lập đoàn tổ chức cưỡng chế giải tỏa. Tuy nhiên, ghi nhận vào ngày 17/7/2024, bến bãi vẫn hoạt động bình thường. Sáng 17/7, phóng viên có buổi làm việc với ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại. Ông Hùng cho biết, đối với những vi phạm trên, xã chỉ nhắc nhở bằng miệng chứ không có biên bản.
Địa bàn huyện Lý Nhân có 27,343 km đường đê hữu sông Hồng với nhiều bến bãi kinh doanh cát, than, vật liệu xây dựng ven sông. Chiều ngày 11/7, phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường có buổi làm việc với ông Lương Thái Học, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều huyện Lý Nhân. Ông Lương Thái Học cho biết, trên địa bàn huyện có 15 bến bãi đang hoạt động, trong đó có 3 bến bãi có phép gồm: Công ty TNHH Gia Phú Hà Nam; 2 gia đình thuê đất của UBND xã là gia đình bà Trần Thị Ngàn (thôn Trần Xá, xã Nguyên Lý) thuê 4.320 m2, gia đình ông Trần Văn Xa (thôn 2, Vũ Điện xã Chân Lý) thuê 360 m2.
Còn lại 11 điểm tập kết, kinh doanh vật liệu trên địa bàn huyện này chưa được cấp phép hoạt động. Trong đó có bãi than diện tích 300 m2 của ông Đặng Xuân Thành (thôn Trần xá, xã Nguyên Lý) làm chủ, nằm cách đỉnh kè, bờ sông chỉ 5-10 m; bãi cát diện tích 4.981 m2 của ông Lê Văn Phường (thôn 7, xã Chân Lý) làm chủ, nằm cách đỉnh kè Hồng Lý chỉ 10 m.
Tại địa bàn huyện Kim Bảng, phóng viên ghi nhận khu vực tuyến đê tả Đáy có 2 bến bãi đang hoạt động. Ghi nhận tại địa bàn TP.Phủ Lý và huyện Thanh Liêm đều có 5 bến bãi đang hoạt động. Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Nam. Theo chia sẻ của ông Minh, từ đầu năm đến nay nhất là trong cao điểm mùa mưa lũ năm 2024, bên cạnh công tác quản lý chung thì Chi cục cũng đã tham mưu cho các cấp chính quyền tăng cường công tác xử lý những vi phạm tồn tại trước đó; đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm mới phát sinh. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế do đặc thù địa bàn cộng với việc nắm bắt, báo cáo từ các hạt quản lý vẫn còn chậm khiến việc xử lý giải quyết còn nhiều bất cập.
Ông Vũ Đức Minh nhấn mạnh: Sắp tới Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, xử lý dứt điểm những tồn tại hạn chế. Cương quyết buộc dừng hoạt động đối những tổ chức, đơn vị, hộ kinh doanh, cá nhân vi phạm về hành lang an toàn bờ sông, bờ đê.
Phạm vi bảo vệ đê điều đã được quy định tại Điều 23, Luật Đê điều số 79/2006/QH11 của Quốc hội. Cụ thể như sau: 1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê. 2. Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau: a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển; |
Có thể thấy việc quản lý đối với các bến bãi vật liệu xây dựng trên các tuyến đê sông Hồng, sông Đáy thuộc địa phận tỉnh Hà Nam vẫn tồn tại rất nhiều vi phạm liên quan đến khoảng cách an toàn đê, chất tải trong mùa mưa lũ. Tại các bến bãi này, nhiều xe chở vật liệu có dấu hiệu quá tải chạy trên đê gắn biển cấm 12 tấn, gây bụi bẩn ảnh hưởng đến môi trường và an toàn cho người tham gia giao thông.
Những bất cập kể trên xin được gửi tới UBND tỉnh Hà Nam, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) cho biết: "Hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ… Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn… Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý". |
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Sông Hồng