Thứ sáu, 22/11/2024 08:09 (GMT+7)
Thứ năm, 11/11/2021 10:00 (GMT+7)

Hà Lan: Sáng kiến ​​xe tải và xe buýt 'sạch' đạt thành công tại COP26

Theo dõi KTMT trên

Tại COP26, 10 quốc gia đã đồng ý với sáng kiến của Hà Lan về việc tất cả xe tải và xe buýt mới không được phép phát thải từ năm 2040. Động thái này góp phần đạt được mục tiêu không phát thải toàn cầu đối với xe tải và xe buýt vào năm 2050.

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow, các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà đàm phán, đại diện Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã thảo luận về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhiều chính sách khác nhau đã được vận động với mục tiêu cuối cùng là giảm lượng khí thải và hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C vào năm 2030.

Cũng tại hội nghị, 10 quốc gia đã đồng ý với sáng kiến của Hà Lan về việc tất cả xe tải và xe buýt mới không được phép phát thải từ năm 2040. Chính phủ Hà Lan kỳ vọng động thái này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu không phát thải toàn cầu đối với xe tải và xe buýt vào năm 2050.

Theo đó, sáng kiến của Hà Lan đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia như: Thổ Nhĩ Kỳ, Uruguay, Áo, Canada, Chile, Đan Mạch, Phần Lan, New Zealand, Na Uy và Vương quốc Anh. Nhiều công ty quốc tế khác nhau, chẳng hạn như IKEA và Amazon cũng tham gia vào cam kết này. Stephen van Weienberg, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước của Hà Lan, cho rằng đây là một khởi đầu tốt và gọi sáng kiến ​​này là một bước đi đầy tham vọng nhưng quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hà Lan: Sáng kiến ​​xe tải và xe buýt 'sạch' đạt thành công tại COP26 - Ảnh 1
Sáng kiến của Hà Lan về việc tất cả xe tải và xe buýt mới không được phép phát thải từ năm 2040 đã được các quốc gia EU ủng hộ.

Tại Hà Lan, Chính phủ có kế hoạch giải quyết ô nhiễm giao thông, nguyên nhân gây ra 1/3 lượng khí thải CO2 và khoảng 70% ô nhiễm do khí nitơ trên toàn thế giới, bằng cách trợ cấp cho các phương tiện chạy bằng điện hoặc hydro.

Theo kế hoạch, 30% tổng số xe tải và xe buýt mới được bán không được phép phát thải CO2 vào năm 2030 và tất cả các xe tải và xe buýt thải ra khí CO2 không được lưu thông vào năm 2050. Các nước hiện đang soạn thảo các chính sách để đạt được các mục tiêu đã thống nhất. Theo Bộ hạ tầng cơ sở, hiện nay giá xe tải điện vẫn đắt nên các công ty chưa thể đầu tư, tuy nhiên, Chính phủ đang lên kế hoạch hỗ trợ giá cho xe tải điện.

Sự xuất hiện của rất nhiều xe tải điện sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ tầng sạc điện ở Hà Lan. Xe tải điện có pin lớn hơn nhiều và cần nhiều điện để sạc hơn xe ô tô. Tuy nhiên, đây lại là lợi thế của Hà Lan khi quốc gia này dẫn đầu về phát triển trạm sạc điện tại châu Âu.

Ngoài văn hóa sử dụng xe đạp phổ biến thì chính sách khuyến khích xe điện tại Hà Lan cũng là yếu tố góp phần khiến quốc gia này trở thành hình mẫu được nhiều nước khác học tập. Trong đó, với chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện xanh đã giúp quốc gia này trở thành một trong những nước dẫn đầu về ô tô điện trên thế giới.

Tại Hà Lan, hiện 100% xe lửa và tàu điện ngầm đã chạy bằng năng lượng gió. Số lượng xe buýt không phát thải ngày càng tăng và phần lớn xe buýt điện đều sử dụng năng lượng gió. Bên cạnh đó, đất nước này cũng phát triển mô hình dịch vụ taxi bằng xe điện. Dự kiến cuối năm 2021, 100% taxi địa phương đều sử dụng năng lượng sạch.

Xe đạp cũng là một trong những nét đặc trưng của Hà Lan khi số xe còn nhiều hơn dân số cả nước. Đây cũng là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện này. Đặc biệt, tại các đô thị, người dân luôn được khuyến khích sử dụng xe đạp.

Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho người dân sở hữu ô tô điện. Hiện khoảng 1/5 trong số 400.000 chiếc ô tô mới được bán hàng năm ở Hà Lan là xe điện, nhờ chính sách giảm thuế và nhiều ưu đãi khác trong một thập kỉ qua. Nhưng Chính phủ Hà Lan cũng đã đảm bảo rằng người đi ô tô có hạ tầng để hỗ trợ cho quyết tâm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Đầu năm 2021, Hà Lan đã công bố chính sách trợ cấp cho người dân sở hữu ô tô điện và sẽ chính thức áp dụng từ 1/7/2021. Theo đó, người dân được trợ cấp 4.000 Euro (khoảng 102 triệu đồng) khi mua xe điện mới và 2.000 Euro (khoảng 51 triệu đồng) khi mua xe điện cũ với điều kiện chiếc xe có giá dưới 45.000 Euro, tương đương các mẫu xe ô tô điện thuộc phân khúc phổ thông.

Những chính sách khuyến khích xe điện tại Hà Lan góp phần quan trọng trong việc giúp quốc gia này nhanh chóng hoàn thành mục tiêu tất cả phương tiện đăng ký mới đều là xe không phát thải vào năm 2030, đồng thời cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của các chính sách đến tương lai của ngành ô tô điện.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Lan: Sáng kiến ​​xe tải và xe buýt 'sạch' đạt thành công tại COP26. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.