Gỡ khó trong thủ tục pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn
Sáng 8/12/2022, đoàn cán bộ, chuyên gia Viện Chính sách Kinh tế Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đến tham quan mô hình xử lý nước thải tại Công ty Cổ phần công nghiệp Delco (KCN Đình Trám, tỉnh Bắc Giang).
Từ thực tiễn của doanh nghiệp...
Sáng 8/12, đoàn cán bộ, chuyên gia Viện Chính sách Kinh tế Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đến tham quan Công ty Cổ phần công nghiệp Delco tại KCN Đình Trám, tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu tình hình thực tế về vấn đề xử lý nước thải và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp.
Buổi tham quan nằm trong khuôn khổ chương trình đào tạo sau khoá học về Kinh tế tuần hoàn do Viện Chính Sách Kinh tế Môi trường tổ chức, dưới sự tài trợ và hỗ trợ của UNDP, Đại sứ quán Hà Lan, Đại học Saxion (Hà Lan), nhằm tìm hiểu thực tế và đề xuất các giải pháp và mô hình kinh tế tuần hoàn trong xử lý nước thải nói riêng và chất thải nói chung.
Trong khuôn viên 02ha do Công ty Cổ phần Công nghiệp Delco đầu tư hạ tầng và cho thuê, có 03 nhà máy đang hoạt động là Công ty Gwang Shin Vina, Công ty TNHH Etech Việt Nam và công ty TNHH CV Vina, với lĩnh vực sản xuất chủ yếu là lắp ráp và gia công linh kiện điện tử. Với số lượng công nhân hơn 6.000 người vào thời gian cao điểm, cùng với các hoạt động sản xuất tại đây, mỗi ngày các nhà máy trong khu xả ra khu xử lý tập trung của cụm hơn 3000m3 nước thải sinh hoạt. Lượng nước thải này được xử lý đạt tiêu chuẩn cột B theo quy định, trước khi xả thải vào khu xử lý nước tập trung chung của toàn khu công nghiệp Đình Trám.
Được biết, chi phí xử lý nước thải mà Chủ đầu tư phải trả cho nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp là 13.000đ/ 01m3, và chi phí mua nước đầu vào là 7.000đ/ 01 m3, nên tổng chi phí xử lý nước và chi mua nước đầu vào phải trả cho bên thứ ba là khoảng 60 triệu đồng/ mỗi ngày.
Trao đổi tại buổi làm việc, Luật sư Hà Huy Phong – Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường, Trưởng Ban pháp chế Hội Kinh tế Môi trường cho rằng, cụm công nghiệp mà Công ty Cổ phần Công nghiệp Delco làm chủ đầu tư là mô hình rất điển hình và phổ biến tại Việt Nam hiện nay, với số lượng nhà máy sản xuất không nhiều nhưng có tính tập trung và khép kín trong một khuôn viên từ 1-2ha, do đó, các vấn đề về bảo vệ môi trường và xử lý chất thải có những đặc điểm riêng.
“Với những đặc thù riêng của các cụm công nghiệp như thế này, nếu không có bài toán giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường và chất thải một cách hợp lý, rất dễ dẫn tới việc các doanh nghiệp cố tình xả thải trái phép ra môi trường để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nếu giải quyết tốt bài toán xử lý chất thải, thì sẽ tăng độ cạnh tranh và lợi thế của các mô hình cụm công nghiệp như thế này.
Trong các phương án về bảo vệ môi trường, thì nên ưu tiên phương án tuần hoàn chất thải nói riêng và nước thải nói chung, bởi mô hình tuần hoàn không chỉ tiết kiệm chi phí mua nước sạch đầu vào, hỗ trợ khách hàng trong việc tiết giảm chi phí xử lý nước thải, mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí đầu tư hạ tầng cấp thoát nước ra khu xử lý tập trung, cũng như chủ động nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Biến chất thải thành một nguồn thu nhập cho doanh nghiệp là giải pháp tối ưu về chi phí và hiệu quả sản xuất kinh doanh, và để có thể làm được điều này, cần phải ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và thực tiễn”, Luật sư Hà Huy Phong nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Công nghiệp Delco cho biết:
“Công ty chủ động đầu tư toàn bộ hệ thống cấp thoát nước và không yêu cầu bên thuê chịu chi phí này, Công ty chỉ thu tiền nước đối với các bên thuê bằng giá mua vào từ Công ty cung cấp nước sạch. Sau nhiều năm vận hành, hệ thống cấp thoát nước của cụm hoạt động tốt, không để xảy ra bất kỳ sự cố môi trường nào, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vấn đề bất cập là còn tồn tại nhiều bất cập từ quy định của pháp luật nên Công ty chưa mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý nước để có thể tuần hoàn và tái sử dụng toàn bộ hệ thống nước, dẫn tới lãng phí một lượng rất lớn nước thải như hiện nay. Nếu có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách và pháp luật, Công ty sẽ đầu tư hệ thống và dây chuyền xử lý nước thải, đảm bảo đạt mục tiêu tuần hoàn và tái sử dụng 100% nước thải”.
Ông Lê Huy Huấn, Giảng viên bộ môn Kinh tế - Quản lý Tài nguyên & Môi trường, thành viên của Đoàn tham quan cho biết: “Xét ở khía cạnh bảo vệ môi trường hay khía cạnh về lợi ích chi phí, thì áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho chủ đầu tư và doanh nghiệp thuê nhà xưởng. Với một khoản chi phí đầu tư nhất định cho hạ tầng ban đầu, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua nguồn nước đầu vào, cũng như tiết kiệm chi phí xử lý nước thải phải trả cho bên thứ ba, tiết kiệm được các khoản tiền thuế thu trên lượng chất thải phát thải ra môi trường”.
Những vướng mắc trong các quy định pháp lý
Trao đổi tại buổi tham quan và làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Công nghiệp Delco cũng cho biết:
“Chúng tôi muốn tự xử lý nước thải, muốn mua nước sạch từ nhà máy nước và bán lại cho các đơn vị thuê nhà xưởng, kết hợp bán cả phần nước sạch mà chúng tôi đã xử lý ... nhưng còn quan ngại các quy định pháp luật. Nếu chúng tôi phải thực hiện các thủ tục xin cấp phép như một nhà máy xử lý nước bình thường thì sẽ rất khó khăn vì quy mô trong nội khu này rất nhỏ”.
Chia sẻ với ý kiến của đại diện Công ty, Luật sư Hà Huy Phong nói thêm rằng:
“Đúng là khuôn khổ pháp lý của chúng ta về Kinh tế tuần hoàn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, chưa tạo điều kiện và khuyến khích, thậm chí còn ngăn cản doanh nghiệp chủ động áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất thực tế.
Bằng những chương trình khảo sát thực tế như thế này, các nhà khoa học và chuyên gia của Viện Chính sách Kinh tế Môi trường sẽ có thêm luận cứ thực tiễn phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và đề xuất chính sách và đề xuất lập pháp để hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cho các nội dung cụ thể của kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp”.
Linh Chi