Gió Mặt Trời tấn công Trái Đất, gây ra vết nứt trên từ trường
Gió Mặt Trời có vận tốc khoảng 400 km/giây, gây ra một vết nứt trong từ trường khi chúng va đập vào Trái Đất.
Theo báo cáo mới đây của trang web SpaceWeather.com, Trái Đất đã bị một luồng gió Mặt Trời tấn công gây ra một vết nứt trong từ trường. Các nhà dự báo thời tiết vũ trụ gần đây ước tính rằng, tốc độ của gió Mặt Trời đạt 400 km/giây khi chúng va đập vào Trái Đất.
Từ trường của Trái Đất rất quan trọng đối với sự sống trên hành tinh, vì nó bảo vệ tầng ozone khỏi các tia vũ trụ và bức xạ có hại. Do đó, sự tấn công mạnh mẽ này đã dẫn đến tình trạng bất ổn địa từ. Tuy phạm vi của gió Mặt Trời không đủ lớn để phân loại là bão Mặt Trời, nhưng chúng đã gây ra sự xáo trộn nhỏ trong từ quyển của Trái Đất.
Những cơn gió này có thể ảnh hưởng đến bề mặt hành tinh trong vài ngày và làm gián đoạn lưới điện cũng như các hoạt động của vệ tinh. Bên cạnh những hậu quả tiêu cực này, gió Mặt Trời cũng có thể gây ra cực quang gần các cực. Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ, sự tương tác hiện tại của từ trường Trái Đất và gió Mặt Trời không chỉ có thể ảnh hưởng đến các hệ thống công nghệ, mà còn cả các hoạt động của con người.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), gió Mặt Trời được tạo ra do sự giãn nở của plasma từ bầu khí quyển ngoài cùng của mặt trời. Luồng plasma này liên tục bị đốt nóng đến mức lực hấp dẫn của mặt trời không thể kìm hãm nó. Khi mặt trời quay, nó cuốn các đường sức từ phía trên các vùng cực của nó tạo thành một đường xoắn ốc lớn, tạo ra một luồng "gió" liên tục.
Minh Dương (T/h)