Thứ bảy, 20/04/2024 02:10 (GMT+7)
Thứ năm, 29/07/2021 13:27 (GMT+7)

Đông Nam Á: Nắng nóng cực hạn sẽ gia tăng hơn trong tương lai

Theo dõi KTMT trên

Theo GS Wang Lin, Viện Vật lý Khí quyển (IAP), sự kiện nắng nóng cực hạn "50 năm có một" sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai và có thể xảy ra mỗi năm một lần ở Đông Nam Á.

Mới đây, các nhà khoa học cảnh báo, tần suất và cường độ của nắng nóng sẽ gia tăng trong tương lai cùng với nhiệt độ trung bình toàn cầu.

Theo Báo cáo đánh giá thứ 5 (AR5) của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu, sự gia tăng nhiệt độ trung bình hàng năm và theo mùa sẽ rõ rệt hơn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới so với khu vực nằm ở vĩ tuyến giữa. Điều đó có nghĩa Đông Nam Á có thể chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ quá trình ấm lên toàn cầu so với các khu vực khác ở châu Á. Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ, nắng nóng ở Đông Nam Á sẽ thay đổi như thế nào dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Đông Nam Á: Nắng nóng cực hạn sẽ gia tăng hơn trong tương lai - Ảnh 1
Nguy cơ nắng nóng cực hạn ở Đông Nam Á sẽ gia tăng trong thời gian tới. (Ảnh: suckhoephapluat.vn)

Trong một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Earth's Future, nghiên cứu sinh tiến sĩ Dong Zizhen và GS Wang Lin (Viện Vật lý Khí quyển IAP, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) đã đi tìm lời giải đáp cho vấn đề trên. Dựa theo dữ liệu từ dự án Community Earth System Model Large Ensemble, họ ước tính những thay đổi của nắng nóng ở Đông Nam Á theo các mức độ ấm lên toàn cầu khác nhau.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy thời tiết ấm hơn sẽ đi kèm với nắng nóng thường xuyên hơn, thời gian nắng nóng lâu hơn và nhiệt độ cực hạn cao hơn ở Đông Nam Á. Các thay đổi trong đặc điểm của nắng nóng có sự khác biệt vùng miền giữa lục địa Đại dương (tên gọi dành cho khu vực bao gồm Indonesia, Philippines và Papua New Guinea) và bán đảo Đông Dương (Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Tây Malaysia) do chênh lệch nhiệt độ của ranh giới khí quyển.

Wang Lin, đồng tác giả nghiên cứu nhấn mạnh, sự kiện nắng nóng cực hạn "50 năm có một" vốn hiếm gặp trong điều kiện khí hậu hiện nay sẽ trở nên thường xuyên hơn trong tương lai và có thể xảy ra mỗi năm một lần ở Đông Nam Á.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định rằng, Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, do dân cư tập trung đông đúc ở bờ biển, các khu nông nghiệp lớn và một số lượng không nhỏ người dân phải sống với mức chi dưới 2 USD/ngày.

Năm 2013, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra cảnh báo, khí hậu ấm hơn có thể đe dọa sinh kế tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, sự suy thoái của các rạn san hô phần nào đó sẽ làm giảm lượng khách du lịch, giảm trữ lượng cá đồng thời khiến người dân sống tại vùng ven biển dễ bị tổn thương hơn trước những cơn bão. Ngay sau đó vào năm 2014, Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu cũng đưa ra cảnh báo rằng, những người sống ở các vùng ven biển của châu Á có thể phải đối mặt với một số các tác động xấu nhất của sự nóng lên toàn cầu. Dự  kiến hàng triệu người có thể sẽ bị mất nhà cửa do lũ lụt và nạn đói.

Trong năm 2020, nhiều nước Đông Nam Á phải vật lộn với những hình thái thời tiết cực đoan chưa từng có. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế về các vấn đề châu Á, trong năm 2020, hơn 500.000 người đã phải di dời do thiên tai liên quan đến thời tiết khắp khu vực. Bão Phanfone và Vongfong tấn công Philippines, trong khi thủ đô của Indonesia hai lần bị ngập do lũ lụt toàn khu vực.

Theo dữ liệu mới từ Trung tâm Giám sát dịch chuyển nội bộ, 54,5 triệu người đã phải di dời do các thiên tai liên quan đến thời tiết trên khắp Đông Nam Á từ năm 2008 - 2018.

2021 mở ra kỷ nguyên chống biến đổi khí hậu

Theo bản tin dự báo khí hậu toàn cầu hàng năm đến thập kỷ của WMO, có ít nhất 1/5 khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời vượt quá 1,5 độ C vào năm 2024. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, được ký kết vào tháng 12/2015 bởi 195 quốc gia, là ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực cùng ứng phó với đại dịch Covid-19 và khủng hoảng biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước chuẩn bị các kế hoạch chống biến đổi khí hậu mới trước khi diễn ra Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc năm 2021 nhằm xây dựng một tương lai an toàn và bền vững hơn.

Trong đó, mục tiêu trọng tâm trong năm 2021 là xây dựng liên minh toàn cầu về trung hòa khí thải carbon thông qua các biện pháp chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, định giá carbon, không xây thêm các nhà máy điện chạy bằng than, mạnh tay đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đông Nam Á: Nắng nóng cực hạn sẽ gia tăng hơn trong tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới