Thứ ba, 23/04/2024 15:03 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/07/2021 06:12 (GMT+7)

Hệ quả của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn

Theo dõi KTMT trên

Trước những hiện tượng thời tiết cực đoan tăng đột biến gần đây, các tổ chức quốc tế cảnh báo, khí hậu toàn cầu trở nên khắc nghiệt hơn sẽ khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.

Những con số đáng báo động

Thông tin từ Liên Hợp Quốc cho biết, biến đổi khí hậu là nguyên nhân của hơn 7.000 thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua. Cụ thể, từ năm 2000 tới năm 2019, thế giới đã ghi nhận 7.348 thảm họa lớn khiến hơn 1,2 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 4,2 tỉ người. Báo cáo cũng cho biết các thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua đã gây thiệt hại kinh tế lên tới gần 3.000 tỉ USD. Bão và lũ lụt chiếm tới 72% các thảm họa thiên nhiên lớn và số lượng các trận lũ lớn tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua.

Trước những con số biết nói về thiệt hại do thiên tai gây ra, các tổ chức quốc tế cảnh báo, nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5 độ C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 2 độ C đến 3 độ C vào cuối thế kỷ 21. Khí hậu toàn cầu trở nên cực đoan hơn sẽ khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.

Hàng tấn mảnh vụn nhựa bị loại bỏ mỗi năm, ngập tràn khắp mọi nơi khiến đất ô nhiễm, sông ô nhiễm, bờ biển, bãi biển và đại dương chìm trong ô nhiễm. Mỗi năm, thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần 1/3 số túi nylon con người thải ra không được thu gom và xử lý. Hơn 9,1 tỉ tấn rác thải nhựa đang tích tụ trên Trái Đất. Tính trung bình, mỗi phút thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đưa ra đại dương mỗi năm. Tới năm 2040, ước tính trên toàn cầu có khoảng 1,3 tỉ tấn nhựa đổ trên đất và thải ra biển. Lượng rác thải nhựa như vậy đủ để bao phủ diện tích tương đương nước Anh và tạo ra một thảm họa môi trường nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu.

Hệ quả của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu khiến cho số lượng các trận lũ lớn tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua. (Ảnh: Hãng thông tấn BELGA)

Dự báo đến năm 2025, số lượng rác thải nhựa này sẽ tăng lên 20 lần, tức là khoảng 160 tấn nhựa. Rác thải nhựa và túi nylon thải ra môi trường đang tăng lên theo cấp số nhân. Chúng đang từng ngày, từng giờ tàn phá, hủy diệt môi trường sống của con người và cả thế giới động vật, đặc biệt là sinh vật biển.

Nắng nóng, mưa lũ thời gian qua là hệ quả của biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học cho rằng, các đợt nắng nóng gần đây ở Mỹ và Canada và lũ lụt nghiêm trọng ở Tây Âu, trận mưa lũ ở Trung Quốc gần như chắc chắn có liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu.

Mưa lớn kéo dài và lũ lụt bất thường ở Tây Âu vào giữa tháng 7, gây ra trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 200 năm qua. Theo đó, một số quốc gia ở Tây Âu đã ghi nhận các trận mưa với tổng mực nước trong hai ngày cao bằng hai tháng thông thường, đặc biệt Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg chịu tác động nặng nề. Trong đó, đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua làm nhiều con sông bị vỡ bờ, gây ngập lụt diện rộng ở Tây Âu, làm khoảng 1.300 người mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi.

Theo Benjamin Horton, Giám đốc Đài Quan sát Trái Đất của Singapore, với sự ấm lên toàn cầu, bầu khí quyển của Trái Đất giữ nhiều độ ẩm hơn, dẫn đến những trận mưa như trút nước. Trong đó, Trung Quốc bị ngập lụt nghiêm trọng hàng năm, gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, trong những năm qua, hệ quả mà nó để lại ngày càng nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa nhanh. Khi càng nhiều bê tông bao phủ mặt đất, nguy cơ ngập úng sẽ ngày càng tăng cao.

Vì vậy, các nhà khoa học nhận định, lũ lụt đang “gióng lên hồi chuông cảnh báo” cho Trung Quốc rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang thực sự xảy ra nặng nề ở đây.

Còn tại Moscow, Nga đã trải qua đợt nóng lịch sử, với nhiệt độ tăng lên mức cao nhất trong 120 năm qua do tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, ngày 23/6, Moskva ghi nhận nhiệt độ 34,7 độ C, cao nhất trong tháng Sáu kể từ năm 1901.

Tại Mỹ và Canada, đợt nắng nóng kỷ lục bắt đầu từ cuối tháng 6 được cho là đã khiến hàng trăm người chết. Sóng nhiệt kèm khô hạn kéo dài cũng gây ra cháy rừng lớn ở cả hai nước. Thập chí, kỷ lục nhiệt hàng ngày của quốc gia Canada đã vượt hơn 5 độ C. Cuối tuần trước, trạm quan trắc tại Thung lũng Chết ở California ghi nhận mức nhiệt 54,4 độ C.

Một số nhà lãnh đạo quốc gia cũng ngày càng tin rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính thúc đẩy nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là các đợt nóng và bão. “Biến đổi khí hậu đang dẫn đến sự kết hợp nguy hiểm của nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán kéo dài. Chúng tôi đang phải chứng kiến những đám cháy có cường độ lớn, di chuyển với tốc độ nhanh và kéo dài hơn cả trong những mùa cháy”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.

Trên thực tế, thời tiết cực đoan được đánh giá là nhân tố thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới khi các số liệu cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng 10% - 20% nguy cơ xung đột, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, trong khi hàng triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực. Cùng với đó, hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ khi biến đổi khí hậu khiến các dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn.

“Loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới 'điểm không thể cứu vãn' trong cuộc khủng hoảng này”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Là nước nông nghiệp, phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam được Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. 

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2020 đã xảy ra 576 trận thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông; 264 trận dông lốc, mưa đá bất thường, kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế là 39.945 tỉ đồng.

Tại miền Trung, đợt mưa lũ từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020 đã cướp đi sinh mạng của 249 người, 57 người mất tích, hơn 1.500 ngôi nhà bị sập đổ, gần 240.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, tốc mái. Nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 4.000 ha lúa, 7.600 ha hoa màu bị hư hỏng; 12.670 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; 38.500 gia súc, 3,2 triệu gia cầm bị chết, cuốn trôi; 165 km đê biển, cửa sông, 50 km kè bị hư hỏng; 88 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài là 141 km. Tổng thiệt hại ước tính hơn 30.000 tỉ đồng.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hệ quả của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.