Biến đổi khí hậu khiến các hình thái thời tiết cực đoan nghiêm trọng hơn
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, các đợt sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt do mưa lớn đã quét qua toàn bộ Bắc Bán cầu trong mùa Hè này, khiến hàng trăm người thiệt mạng và phá hủy nhiều nhà cửa.
Tình trạng biến đổi khí hậu, do con người gây ra, đã khiến những hình thái thời tiết cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn, tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo đó, một số quốc gia ở Tây Âu đã ghi nhận các trận mưa với tổng mực nước trong hai ngày cao bằng hai tháng thông thường, đặc biệt Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg chịu tác động nặng nề. Trong đó, đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua làm nhiều con sông bị vỡ bờ, gây ngập lụt diện rộng ở Tây Âu, làm khoảng 1.300 người mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi.
Gần đây nhất, vào đêm 15/7, các nhà chức trách Đức cho biết, có ít nhất 59 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở miền tây nước Đức những ngày qua. Nặng nề nhất là bang North Rhine - Westphalia (31 người) và Rhineland - Palatinate (28 người).
Thống đốc bang Rhineland - Palatinate, Malu Dreyer, báo cáo với Quốc hội khu vực: “Có người chết, có người mất tích, còn rất nhiều người vẫn đang gặp nguy hiểm. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một thảm họa như vậy, nó thực sự rất tàn khốc”.
Còn tại Hà Lan, lũ lụt làm hư hại nhiều ngôi nhà ở tỉnh Limburg, miền nam nước này, buộc Chính phủ phải kêu gọi sơ tán khẩn cấp khi các con sông trong khu vực có nguy cơ bị vỡ bờ.
Lũ lụt đã nhấn chìm trung tâm thị trấn Valkenburg, phía Nam tỉnh Limburg, gần biên giới Bỉ và Đức, buộc một số viện dưỡng lão phải tiến hành sơ tán, song không có thiệt hại về người.
Tại Pháp, mưa lớn cũng gây ngập lụt tại một số khu vực ở vùng đông bắc, làm nhiều cây cối bị gãy đổ, nhiều con đường bị tắc. Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia Armin Laschet cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thảm họa lần này là do thời tiết khắc nghiệt dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
"Chúng ta sẽ phải đối mặt với những sự kiện như vậy lặp đi lặp lại. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần tăng tốc các biện pháp bảo vệ khí hậu ở cấp độ châu Âu, liên bang và toàn cầu, bởi vì biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở một bang", ông Armin Laschet nói.
Tuy nhiên, WMO nhận định, các quốc gia châu Âu không chỉ chịu tác động của các đợt mưa lớn và lũ lụt. Theo đó, vùng Scandinavia, và đặc biệt là ở Phần Lan, đã ghi nhận sự xuất hiện của các đợt sóng nhiệt kéo dài, trong đó có những đợt chưa từng thấy.
Thậm chí, Phần Lan đã trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay trong lịch sử. Tại vùng Kouvola Anjala ở miền Nam nước này đã có đến 27 ngày liên tiếp có mức nhiệt trên 25 độ C, tình trạng chưa từng xuất hiện kể từ năm 1961.
Bên cạnh đó, các đợt sóng nhiệt tương tự cũng gây ra những vụ cháy rừng đặc biệt nghiêm trọng ở vùng phía Tây của nước Mỹ và Canada, trong đó những bang như California, Utah và Tây Canada ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục. Theo nhiều nhà khoa học, các đợt nắng nóng bao trùm miền Tây nước Mỹ và Canada hồi cuối tháng 6 vừa qua là hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây nên. Chính hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao, làm gia tăng các cơn bão, đợt nắng nóng cực đoan, gây hạn hán và cháy rừng.
Bà Clare Nullis, người phát ngôn của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhận định, các chuyên gia đều tin rằng do biến đổi khí hậu nên tần suất xảy ra các hình thái thời tiết cực đoan và nhiều hình thái khác cũng đã được chứng minh là diễn biến tồi tệ hơn do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu. Khi bầu khí quyển trở nên nóng hơn, sẽ tích nhiều hơi nước nên mưa bão sẽ nặng hạt hơn, tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt.
Cũng theo thông tin của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, các đợt nắng nóng đã khiến nhiều ca nhập viện vì sốc nhiệt gia tăng.
Nghiên cứu của CDC nêu rõ, các đợt sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp tới sức khỏe của con người, trong đó có cả những ca bệnh và tử vong vì nắng nóng.
CDC dự báo trong những năm tới, tình trạng nhiệt độ tăng cao tại vùng Tây Bắc nước Mỹ sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng với sức khỏe của người dân.
Biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần
Biến đổi khí hậu luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái Đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, thời tiết cực đoan được đánh giá là nhân tố thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới khi các số liệu cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng 10% - 20% nguy cơ xung đột, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, trong khi hàng triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực. Cùng với đó, hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ khi biến đổi khí hậu khiến các dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn.
“Loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn” trong cuộc khủng hoảng này”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo.
Lan Anh (T/h)