LHQ: Đói nghèo khiến biến đổi khí hậu và xung đột càng nguy hiểm
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo biến đổi khí hậu và xung đột vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, bất bình đẳng về thu nhập và về giá lương thực.
Ông Guterres cũng nói trong một cuộc họp ở Rome rằng hệ thống lương thực của thế giới tạo ra một phần ba tổng lượng khí thải nhà kính. Chính hệ thống đó là nguyên nhân gây ra tới 80% sự mất mát đa dạng sinh học.
Cuộc họp nhằm giúp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên Hợp Quốc sẽ được tổ chức vào tháng 9 tại New York.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra rằng năm ngoái có tới 161 triệu người phải đối mặt với nạn đói so với năm 2019, với phần lớn có thể liên quan đến đại dịch Covid-19.
“Nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập và chi phí thực phẩm cao tiếp tục khiến chế độ ăn uống lành mạnh nằm ngoài tầm với của khoảng 3 tỉ người. Biến đổi khí hậu và xung đột vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân dẫn đến thảm họa này” - ông Guterres nói.
Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) kêu gọi những người ra quyết định “giải quyết những thất bại trong hệ thống lương thực” khiến hàng trăm triệu người nghèo đói.
IFAD cho biết các hệ thống thực phẩm phải “thay đổi hoàn toàn” để đảm bảo tiếp cận với thực phẩm lành mạnh và giá cả phải chăng, nơi sản xuất thực phẩm “phải bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, và những người sản xuất thực phẩm được trả công xứng đáng cho lao động của họ. Người dân nông thôn phải là trung tâm”.
Năm 2015, trong một báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc đã lấy cuộc nội chiến ở Syria làm ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng đáng sợ của biến đổi khí hậu lên tình hình chính trị. Theo đó, vào thời điểm mùa Xuân năm 2010 tại Ả Rập, chế độ độc tài của Bashar al-Assad đã đẩy hơn 1 triệu người Iraq tị nạn vào cảnh "màn trời chiếu đất". Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 500 năm xảy ra cùng lúc làm tình hình thêm tồi tệ. Do thiếu nước, hàng ngàn người Syria từ nông thôn phải sơ tán tới thành phố. Tuy nhiên, vấn đề không được giải quyết. Những cuộc nội chiến thảm khốc nổ ra khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ mạng. Làn sóng tị nạn tiếp tục di chuyển sang Trung Đông, vào châu Âu và làm lung lay trật tự chính trị đến tận Đức.
Nhận thức được những nguy cơ này, các cơ quan quân sự và tình báo Hoa Kỳ đã từ lâu coi biến đổi khí hậu là mối đe doạ lớn. Ngay cả khi được giới hạn trong một quốc gia, mối quan hệ giữa khí hậu và xung đột vũ trang cũng rất phức tạp và khó để tách rời. Bởi lẽ, "cơn thịnh nộ" của thiên nhiên đang có chiều hướng nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.
Biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần
Biến đổi khí hậu luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái Đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, thời tiết cực đoan được đánh giá là nhân tố thách thức đối với hòa bình và an ninh thế giới khi các số liệu cho thấy biến đổi khí hậu làm gia tăng 10% - 20% nguy cơ xung đột, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa, trong khi hàng triệu người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực. Cùng với đó, hiểm họa y tế ngày càng gia tăng cả về quy mô và cấp độ khi biến đổi khí hậu khiến các dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn.
Minh Phương (T/h)