Chủ nhật, 24/11/2024 19:24 (GMT+7)
Thứ ba, 20/06/2023 16:10 (GMT+7)

Giải bài toán nguồn lực cho bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Xã hội hóa nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp được đưa ra để khắc phục những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nước ta.

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên vùng cao, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên & Phát triển tổ chức Hội thảo "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu".

PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch VUSTA; TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường, VUSTA; ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đồng chủ trì Hội thảo.

Vấn đề cấp bách

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao cho biết ý nghĩa việc tổ chức Hội thảo, qua đó đề nghị các nhà khoa học cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành cùng nhau trao đổi, thảo luận để chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các kiến nghị, giải pháp, thúc đẩy các cơ chế, chính sách, nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về phục hồi thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, bởi nước ta đang chứng kiến những thảm họa thiên nhiên thường xuyên và nghiêm trọng hơn như: bão, lũ lụt và hạn hán. Những thiên tai này đã và đang gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và nền kinh tế của đất nước, thậm chí là tính mạng con người.

Giải bài toán nguồn lực cho bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường - Ảnh 1
PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu tại Hội thảo.

Cùng với đó, mất mát đa dạng sinh học cũng là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Gia tăng dân số, nhu cầu đời sống ngày càng tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã chia cắt, phân mảnh và làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, đẩy nhiều loài động thực vật hoang dã đến bờ tuyệt chủng.

Mặt khác, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí và rác thải nhựa ở các khu vực đô thị cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Ô nhiễm và suy giảm chất lượng môi trường sống cũng đang diễn ra ở khu vực nông thôn khi nguồn nước và đất đai bị tác động mạnh mẽ do các phương thức canh tác lạm dụng hóa chất nông nghiệp, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững...

Để giải quyết các thách thức thời đại này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy hành động. Chính vì vậy, chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước ta.

Giải bài toán nguồn lực cho bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường - Ảnh 2
TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường, VUSTA chia sẻ tại Hội thảo.

Về phần mình, TS. Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường, VUSTA cho biết, nhiều năm qua VUSTA và các hội thành viên, các đơn vị Khoa học và Công nghệ đã tổ chức truyền thông về vai trò của đa dạng sinh học và ý nghĩa của Ngày Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới (8/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn cho cộng đồng, tập trung vào giới trẻ để nâng cao nhận thức.

Bên cạnh đó, VUSTA cũng tiến hành các hoạt động tuyên truyền về Ngày Đa dạng sinh học thông qua các hình thức khác như viết bài đăng báo giấy, báo điện tử, treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi, phát áo, mũ có hình ảnh, logo tuyên truyền.

Các hội thành viên, các đơn vị Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh việc phổ biến các kết quả thực hiện trong các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua hệ thống báo chí, xuất bản trong và ngoài hệ thống, các tổ chức thuộc VUSTA đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư

Bài toán nguồn lực

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển), Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hạn chế suy thoái và bảo tồn các hệ sinh thái, loài và vùng cảnh quan có giá trị thông qua ban hành chính sách, chiến lược và quy định về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng, biến và giá trị đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, suy thoái đa dạng sinh học vẫn đang là một thách thức rất lớn, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cả xã hội bao gồm nhà nước, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng, các doanh nghiệp và hỗ trợ quốc tế. Do đó, để có được nguồn lực cần thiết cho quản lý, bảo tồn hiệu quả các giá trị đa dạng sinh học sẽ cần có một chiến lược cụ thể về cách huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện và duy trì các hoạt động bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái, loài đã bị suy thoái một cách kịp thời và hiệu quả nhất.

Giải bài toán nguồn lực cho bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường - Ảnh 3
Toàn cảnh Hội thảo.

Nói về những bất cập của nguồn lực, tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, TS. Nguyễn Mạnh Hà cho rằng đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, phục hồi các loài nguy cấp cần nguồn lực lớn và thời gian.

Mặc dù cần đầu tư lớn và lâu dài, song các kết quả thường khó có thể đo tính được một các cụ thể, rõ ràng trong ngắn hạn. Chính vì vậy, đối với các nước nghèo, nước đang phát triển thì các chi phí đó khó có thể được ưu tiên do nguồn lực đang được dành cho các hoạt động khác như hạ tầng, y tế, giáo dục, phát triển nông thôn...

TS. Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị cần tận dụng tối đa các nguồn tài trợ, hỗ trợ quốc tế; tạo cơ chế khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân Việt Nam và khối doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học thông qua các mô hình hợp tác công-tư trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Để giải quyết các thách thức thời đại này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực khác nhau bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực bên ngoài có thể đóng góp vào các giải pháp môi trường. Bên cạnh đó, sự tham gia đóng góp của xã hội cũng giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và thúc đẩy họ hành động. Chính vì vậy, chủ trương xã hội hóa đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách khác nhau về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên của Đảng và Nhà nước ta.

Sức mạnh toàn dân

TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) nhận định, để giải quyết các thách thức về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học cần huy động sự tham gia của người dân. Tất cả người dân đều có thể tham gia hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và xây dựng hành vi sống thân thiện với môi trường

“Mỗi người dân Việt Nam đều có thể làm việc nhỏ, ý nghĩa lớn như: Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; Tiết kiệm điện năng, tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (thu gom, phân loại, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, nộp phí theo quy định, dùng túi đựng rác sinh học; tái chế và tái sử dụng rác, coi rác là tài nguyên và là nguyên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất; không xả rác ra đường, sông suối, hồ ao, biển, nơi công cộng; Thực hiện lối sống chia sẻ: Quần áo, đồ dùng, thức ăn,…”, TS. Trần Văn Miều đề xuất.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới VUSTA sẽ có các quy định cụ thể nhằm khuyến khích và huy động sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường, chú trọng tăng cường năng lực cho cộng đồng đủ sức chủ động bảo vệ môi trường.

Giải bài toán nguồn lực cho bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường - Ảnh 4
TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày về các chính sách xã hội hóa cho bảo tồn thiên nhiên, thực hiện NBSAP và khung đa dạng sinh học toàn cầu ở Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về huy động nguồn lực, hỗ trợ, tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên; Sự cần thiết của xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; Xã hội hóa việc huy động nguồn lực cho phục hồi thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu; Kinh nghiệm huy động nguồn lực xã hội để thực hiện các hoạt động trồng và phục hồi rừng: Bài học kinh nghiệm dự án phục hồi rừng sông Gianh và sông Thạch Hãn; Hiệu quả từ xã hội hóa cho bảo vệ rừng và phát triển rừng: Bài học từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Các đại biểu đã trao đổi và đưa ra nhiều giải pháp như cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, phổ biến chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, hiểu biết và chủ động, tự giác tham gia. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch; cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa; làm rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia; ban hành kịp thời các quy định về sử dụng nguồn lực xã hội hóa; thống nhất cách hiểu, cách làm, cách huy động, vận động xã hội hóa.

Giải bài toán nguồn lực cho bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường - Ảnh 5
Các đại biểu dự hội thảo.

Nhà nước cần tiếp tục có chính sách khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, giảm chất thải, phát thải khí nhà kính; phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường sản xuất các sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, tiến tới hạn chế nhập khẩu trang thiết bị, dụng cụ của nước ngoài, sử dụng sản phẩm trong nước giá thành hạ, chất lượng tốt, dễ vận hành sử dụng, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa; ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn, kiển tra, giám sát, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thẩm định công nghệ, hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội hóa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiên-Ủy Viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có những ý kiến đóng góp vào chương trình.

Theo đó, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nêu ra: 

Thứ nhất: Vấn đề xã hội hoá nguồn lực bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó BĐKH rất quan trọng. Tuy nhiên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cần tăng cường hơn nữa để huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cho các vấn đề thời sự cấp thiết này đối với Việt Nam và toàn cầu.

Trên thực tế Đảng và Nhà nước ta luôn coi giải pháp số 1 là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội trong mọi lĩnh vực.

Thứ 2: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký nhiều Nghị quyết liên tịch với các tổ chức chính trị xã hội trong đó có Liên Hiệp hội Việt Nam. Cần tổng kết đánh giá để thực hiện hiệu quả hơn nữa.

Thứ 3: Trong xã hội hoá, việc tổ chức vinh danh Cây Di sản được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã làm rất tốt.

Còn Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam triển khai trồng cây (đặc biệt là trồng cây Bồ đề tại các ngôi chùa và những địa điểm linh thiêng trên cả nước).

Mới đây nhất, trong dịp đi Trường Sa đầu tháng 5/2023, Hội cũng mang 2 cây Bồ đề trồng tại 2 chùa trên quần đảo Trường Sa (chùa đảo Sinh tồn đông và Trường Sa). 

Thứ 4: Liên hiệp hội Việt Nam cần tổ chức các Diễn đàn khoa học về các chủ đề khác nhau của cả hệ thống cũng như trong các Cụm/ Khối chuyên môn.

Thứ 5. Quan tâm để hệ thống báo chí của Liên Hiệp hội Việt Nam đủ mạnh để làm tốt hơn nữa công tác truyền thông.

PV

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán nguồn lực cho bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới