Bảo tồn đa dạng sinh học: Đảm bảo tương lai bền vững cho tất cả mọi người
Liên Hợp Quốc kêu gọi toàn thế giới tăng cường cam kết và tiến hành các bước đi mang tính quyết định nhằm ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và khủng hoảng khí hậu, hướng tới xây dựng một tương lai bền vững.
Bảo tồn ĐDSH đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng cường cam kết và tiến hành các bước đi mang tính quyết định hướng tới xây dựng một tương lai bền vững.
Phát biểu nhân Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học (22/5), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhận định việc Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal hồi tháng 12/2022 là một bước đi quan trọng, song ông nhấn mạnh "đã đến lúc chuyển từ thỏa thuận sang hành động".
Theo đó, các nước cần đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển hướng trợ cấp sang các giải pháp xanh vì môi trường, công nhận quyền của người dân bản địa và các cộng đồng địa phương - những người bảo vệ lớn nhất cho đa dạng sinh học của thế giới.
Bên cạnh đó, các chính phủ và doanh nghiệp cần hành động nhanh và mạnh hơn nhằm ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và khủng hoảng khí hậu.
Người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ các hành động của con người đang tàn phá khắp nơi trên hành tinh, đẩy 1 triệu loài động, thực vật rơi vào nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đây là hệ quả của suy thoái môi trường sống, ô nhiễm tăng vọt và khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng. Do đó, con người "cần chấm dứt cuộc chiến với tự nhiên”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi các chính phủ và khu vực tư nhân hợp tác nhằm "đảm bảo tương lai bền vững cho tất cả mọi người”.
Trước đó, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “From Agreement to Action: Build Back Biodiversity” – “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học”.
Theo đó, chủ đề năm nay nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050; thúc đẩy các hành động triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu.
Các cam kết này được đưa ra tại Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal (GBF), do Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD COP15) thông qua hồi tháng 12/2022. GBF đề ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm khẩn trương đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong các thập kỷ vừa qua.
Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế
Để bảo vệ các hệ sinh thái, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên nước; Luật Thủy sản. Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã mở ra một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn ĐDSH, tạo cơ sở pháp lý để các cộng đồng địa phương tham gia bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích.
Tại Việt Nam, năm 2022, năm đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc nhiều chính sách mới về bảo tồn ĐDSH đã được áp dụng. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đây được xem như kim chỉ nam cho các hành động bảo tồn trong thời gian tới.
Bộ TN&MT đang xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch sẽ giúp định hướng việc sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật tại các khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng; tăng cường hợp tác hiệu quả giữa các ngành trong việc sử dụng tài nguyên sinh vật phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; đảm bảo sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước về ĐDSH theo hướng tiếp cận hệ thống dựa trên hệ sinh thái.
Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn tham gia tích cực trong quá trình xây dựng khung toàn cầu về ĐDSH: Là một trong các quốc gia thành viên của Công ước Đa dạng sinh học và có đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng Khung đa dạng sinh học toàn cầu. Trở thành một trong các quốc gia đi đầu trong khu vực khi ban hành Nghị định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Là nước thứ 7 ở ASEAN tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp, là nước đầu tiên ở ASEAN xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã…
Nhằm giới thiệu ĐDSH của Việt Nam và các nỗ lực bảo tồn ĐDSH, đồng thời, kêu gọi các đối tác cùng hợp tác hành động để ngăn chặn tình trạng mất ĐDSH đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam, mới đây, tại Montreal, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Sự kiện “Bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam"
Với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam được quốc tế và các nước trong khu vực Đông Nam Á đánh giá cao về việc thực thi các hành động bảo vệ ĐDSH.
Lan Anh