Đồng Nai: Khẩn trương kiểm tra hiện trạng sử dụng đất công
UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát pháp lý về đất đai, xây dựng, quy hoạch, sử dụng đất công.
Nhiều dự án lấy đất công chậm tiến độ
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai, qua rà soát, tổng hợp trên địa bàn tỉnh hiện có 272 khu đất công do các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thuộc 3 tổng công ty là Tổng Công ty Tín Nghĩa, Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai và Tổng Công ty Sonadezi. Trong đó có hơn 60 khu đất chưa hoàn thành thủ tục pháp lý và đang được Sở TN&MT hướng dẫn hoàn thiện thủ tục.
Đến nay, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đang tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trạng sử dụng đất của hơn 150 khu đất. Trong đó có 96 khu đất không thực hiện khảo sát hiện trạng vì sử dụng đất phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, cho thuê và phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa; 30 khu đang tiến hành kiểm tra, khảo sát; 24 khu đất chưa thực hiện kiểm tra hiện trạng sử dụng đất.
Trước tình trạng trên, ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, UBND TP. Biên Hòa và các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát pháp lý về đất đai, xây dựng, quy hoạch, sử dụng đất công.
Các khu đất công ở TP. Biên Hòa được UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra gồm các khu đất: Mặt tiền dọc đường Nguyễn Ái Quốc từ vòng xoay Tân Phong đến Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai, phường Trảng Dài; Siêu thị Vinatex Biên Hòa, phường Quang Vinh; Công ty rượu bia Đồng Nai cũ, phường Long Bình; Nhà xưởng và kho bãi cho thuê của Công ty cổ phần Địa ốc Đồng Nai, phường Long Bình;
Hẻm trái đoạn đường từ cầu Sập đến khu vực Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, phường Tân Biên; Nhà hàng Golden Palace, phường Tân Tiến; Chợ Hóc Bà Thức ở phường Tân Phong; Công ty Biti's tại phường Tam Hiệp; Bãi tập kết vật liệu xây dựng cầu Đồng Nai và khu đất Công ty gỗ Long Bình, phường An Bình.
Hủy bỏ dự án KDC Vĩnh Thanh
Dự án KDC Vĩnh Thanh (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) có diện tích gần 120 ha do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sông Đà (TP.HCM) làm chủ đầu tư. Dự án này được quy hoạch từ năm 2008 và đến cuối năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai có thông báo thu hồi đất để triển khai thực hiện đầu tư khu dân cư theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, dự án kéo dài, không tiến hành theo đúng tiến độ đã quy định, do đó UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định không tiếp tục gia hạn thêm thời gian cho chủ đầu tư để triển khai dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ cho UBND huyện Nhơn Trạch, UBND xã Vĩnh Thanh niêm yết, thông báo rộng rãi cho người dân trên địa bàn xã biết về thông báo hủy bỏ thu hồi đất KDC Vĩnh Thanh.
Trước đó, HĐND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định hủy bỏ 12 dự án khu dân cư trên địa bàn huyện Long Thành, do quá thời hạn 3 năm chưa triển khai. Một số dự án khu dân cư có diện tích đất lớn bị hủy bỏ là: KĐT dịch vụ cao cấp 50 ha ở xã Tam An, KDC An Thuận mở rộng giai đoạn 2, 3 thuộc xã Long An có diện tích gần 100 ha, KDC Cầu Xéo ở thị trấn Long Thành gần 30 ha.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, kết quả tổng hợp gần đây từ Bộ TTN&MT cho thấy cả nước có 3.205 dự án, diện tích khoảng trên 85.163 ha (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Tình trạng này không chỉ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM hay mới đây là Đồng Nai, mà còn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Qua rà soát, tập hợp báo cáo của Sở TN&MT các tỉnh, Bộ TN&MT đã công bố công khai danh sách tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của hàng loạt DN tại nhiều địa phương. Đây là một trong những cách thức cảnh báo và để ngăn chặn những doanh nghiệp không có năng lực triển khai dự án một cách hiệu quả nhưng vẫn đi "xin" thêm dự án.
"Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý đối với các trường hợp dự án chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện. Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý Nhà nước về đất phải tăng cường kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật", luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Huỳnh Huỳnh