Nếu thuế đối ứng 46% không thay đổi sẽ tác động tới bất động sản ra sao?
Nếu thuế đối ứng mà Mỹ áp với hàng hóa Việt Nam lên tới 46% không thay đổi, tác động đến thị trường bất động sản là điều không thể tránh khỏi.
Chính sách thuế đối ứng của Mỹ đang được xem xét và áp dụng với mức độ cao hơn nhằm tăng cường nguồn thu ngân sách và kiểm soát lạm phát, việc các loại thuế mới có thể ảnh hưởng đến thị trường bất động sản là điều không thể tránh khỏi.
Trong đó, ba loại bất động sản chủ yếu sẽ bị tác động bởi 'dư chấn' của thuế đối ứng là bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê và nhà ở. Mỗi loại bất động sản này sẽ chịu những ảnh hưởng khác nhau, và có thể làm thay đổi xu hướng đầu tư cũng như chiến lược phát triển của thị trường.

Với bất động sản công nghiệp, đây sẽ là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nhất do FDI giảm, bất động sản dân sinh quanh khu công nghiệp do lao động mất việc, nhu cầu sụt giảm và bất động sản trung cấp, bình dân do thu nhập người lao động giảm.
Bên cạnh đó, nếu thuế được áp dụng vào các khoản đầu tư vào bất động sản công nghiệp, các chủ đầu tư có thể phải cân nhắc lại chiến lược của mình, đặc biệt là đối với các dự án mới. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc xây dựng các khu công nghiệp hoặc các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài, nguồn cung bất động sản công nghiệp sẽ bị hạn chế, gây ra tình trạng thiếu hụt và làm tăng giá thuê, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang tìm kiếm các không gian sản xuất hợp lý về giá cả.
VNDirect đánh giá ngành điện tử đang chịu rủi ro cao nhất liên quan đến thuế đối ứng do tỉ trọng cao trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, "chúng tôi tin rằng các nhà phát triển khu công nghiệp ở miền Bắc sẽ chịu tác động tiêu cực mạnh hơn so với các công ty ở thị trường miền Nam và các thị trường cấp hai".
Phía Chứng khoán Phú Hưng cho rằng các nhà phát triển khu công nghiệp (doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán) đang phải đối mặt nhiều thách thức. Điển hình là cạnh tranh từ những nhà phát triển khu công nghiệp FDI giàu kinh nghiệm, đặc biệt trong việc đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững để thu hút khách hàng thuê mới.
Phân khúc văn phòng cho thuê (đặc biệt là văn phòng hạng A) cũng có thể chịu ảnh hưởng nếu làn sóng FDI thay đổi hướng đầu tư. Các doanh nghiệp nước ngoài hiện là khách thuê chính của thị trường văn phòng cao cấp với tỷ lệ lấp đầy ổn định. Tuy nhiên, nếu họ thu hẹp quy mô, giảm diện tích thuê hoặc chuyển sang thị trường khác, thị trường sẽ đối mặt với hiệu ứng “domino” giá thuê giảm, tỷ lệ trống tăng.
Thị trường nhà ở thương mại và nhà ở dành cho chuyên gia. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm số lượng chuyên gia nước ngoài hoặc thu hẹp sản xuất sẽ kéo theo nhu cầu căn hộ trung, cao cấp chững lại. Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, thu nhập bị ảnh hưởng, việc tiêu thụ sản phẩm bất động sản sẽ trở nên khó khăn hơn, tạo áp lực lớn lên các dự án đang triển khai.
Ngoài ra, với phân khúc bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng, chuyên gia Nguyễn Quang Huy - Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi nhận định, đây là phân khúc tiếp tục đón nhận cơ hội tăng trưởng, đặc biệt tại các địa phương phát triển mạnh về du lịch như Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng. Dù bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam vẫn giữ vững vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và chính sách mở cửa thu hút đầu tư. Những địa phương có hạ tầng du lịch hoàn thiện, danh tiếng quốc tế và sự tham gia ngày càng lớn của các tập đoàn khách sạn, nghỉ dưỡng lớn như Phú Quốc đang chứng kiến làn sóng đầu tư mới đổ vào, mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho bất động sản nghỉ dưỡng.
Hiện nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn trước việc "giữ tiếp" hay "chốt lời" bất động sản. Theo ông Ngô Khánh Hoàng, Phó tổng giám đốc Thiên Khôi Group, thực tế, không có khuyến nghị chung cho tất cả mọi người. Thay vào đó, nhà đầu tư nên nhìn nhận vào khẩu vị rủi ro và khả năng tài chính của bản thân để đưa ra chiến lược phù hợp.
Với nhóm nhà đầu tư ngắn hạn, những người đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng hoặc đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, việc hiện thực hóa lợi nhuận ở thời điểm hiện tại là hợp lý.
Đối với nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người có tầm nhìn trung và dài hạn, việc nắm giữ tiếp tài sản là lựa chọn phù hợp, nhất là những bất động sản ven đô. Hiện các khu vực này đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ và giá trị bất động sản tại đây sẽ còn dư địa tăng trưởng lớn trong 3 - 5 năm tới, đặc biệt khi các dự án hạ tầng giao thông và hành chính hoàn tất.
Riêng với nhà đầu tư mới (F0), họ cần đánh giá lại hiệu quả tài chính, nhất là khi có sử dụng vốn vay. Nếu việc nắm giữ bất động sản khiến dòng tiền bị áp lực hoặc có cơ hội tái cơ cấu danh mục đầu tư một cách hiệu quả hơn, việc bán để xoay vòng vốn cũng là phương án nên cân nhắc.
Minh Thành