Đề xuất doanh nghiệp được mua 30% tín chỉ trên tổng hạn ngạch để bù trừ phát thải
Tại Diễn đàn Thị trường Carbon Việt Nam 2025, ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Biến đổi Khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, doanh nghiệp được phép mua tín chỉ carbon để bù trừ phát thải với con số tương đương 30% tổng hạn ngạch.
Đây là mức tăng gấp ba lần so với dự kiến ban đầu, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt áp lực trong việc phải tự cắt giảm phát thải quá mức.
Sàn giao dịch carbon Việt Nam dự kiến vận hành vào tháng 6, là công cụ khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Netzero) của Việt Nam vào 2050.
Trên sàn giao dịch carbon, có hai loại hàng hóa chính được giao dịch: hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon là những giấy phép giao dịch được trao cho người nắm giữ, cho phép họ phát thải một tấn CO₂ hoặc một lượng khí nhà kính tương đương.

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, các doanh nghiệp có thể tự do trao đổi hạn ngạch hoặc sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ phát thải. Với mức tín chỉ doanh nghiệp được mua lên đến 30% tổng hạn ngạch, các đơn vị sẽ có thêm công cụ để bù đắp bằng các hoạt động như trồng rừng hoặc thực hiện các dự án giảm phát thải khác.
Ông Tăng Thế Cường cho biết, đề xuất được đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp không gặp quá nhiều trở ngại khi thực hiện mục tiêu giảm phát thải; thay vào đó, họ có thể sử dụng tín chỉ từ các hoạt động bù trừ khác để đảm bảo không bị gánh nặng giảm phát thải quá mức. Dự thảo nghị định mới, dự kiến ban hành cuối tháng 4, sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc này.
Song song với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan để nhanh chóng hoàn thiện tham mưu về pháp lý và kỹ thuật, nhằm đưa sàn giao dịch carbon của Việt Nam vào hoạt động trong năm 2025. Các chuyên gia cho biết, nhiều quốc gia và doanh nghiệp quốc tế đang bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với thị trường carbon của Việt Nam, hứa hẹn sẽ có đầu tư vào công nghệ giảm phát thải để tạo thêm tín chỉ.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống đăng ký quản lý hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon, cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực kết nối với các tổ chức xác lập toàn cầu như Verra, Gold Standard nhằm đảm bảo tính minh bạch và chuẩn mực quốc tế. Lộ trình hiện tại dự kiến là thí điểm hoạt động trong 3 năm (đến năm 2028) trước khi sàn giao dịch chính thức được vận hành, trong bối cảnh thị trường carbon châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đi đầu.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã chủ động tham gia thị trường carbon tự nguyện. Ví dụ, Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công – Biên Hòa vừa được xác lập 5.000 tín chỉ carbon từ quá trình sản xuất phân hữu cơ giúp giảm khí methane, và Công ty Husk tại Campuchia đã thành công trong việc bán tín chỉ carbon từ biochar. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển của thị trường carbon tại Việt Nam.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thị trường mới mang tính kỹ thuật cao này, Cục Biến đổi Khí hậu sẽ hợp tác cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng và phát hành sổ tay hướng dẫn chi tiết nhằm cung cấp các kiến thức và chỉ dẫn cụ thể cho doanh nghiệp Việt tham gia giao dịch tín chỉ carbon.
H.A