Thứ bảy, 23/11/2024 05:07 (GMT+7)
Thứ tư, 18/11/2020 06:15 (GMT+7)

Doanh nghiệp Việt trong xu hướng tăng trưởng xanh

Theo dõi KTMT trên

Tăng trưởng xanh là hướng tiếp cận mới, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nghiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Tăng trưởng kinh tế được coi là nền tảng để xóa đói giảm nghèo và phát triển con người. Vấn đề đáng quan tâm là tính bền vững của quá trình tăng trưởng này. Một số mô hình tăng trưởng hiện nay đang làm cạn kiệt và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Do đó, mô hình tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững, xóa đói giảm nghèo và hòa nhập xã hội rất được quan tâm.

Có nhiều cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh nhưng nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh.

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Ðánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam không chỉ là tăng trưởng nhanh, mà phải hướng tới nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững.

Doanh nghiệp Việt trong xu hướng tăng trưởng xanh - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Từ năm 2012, Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và ngày 20/3/2014, Thủ tướng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam đề ra và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Trong thực tế, tăng trưởng xanh tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân chính là do phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đối với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội xanh, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải.

Trong những năm trở lại đây, càng ngày càng có thêm các doanh nghiệp Việt đưa chân vào thị trường sản xuất và lắp ráp các phương tiện điện; đồng thời cũng có nhiều các tổ chức dần chú trọng vào việc hạn chế lượng khí thải từ các hoạt động kinh doanh của mình.

Trong đó, phải kể đến Tập đoàn Vingroup khi từng ghi dấu ấn bằng những sản phẩm xanh, sạch và thân thiện với môi trường như VinFast Klara.

Heineken là cái tên thường được nhắc tới rất nhiều trong những năm gần đây. Những nỗ lực mà Heineken thực hiện có thể kể đến như sử dụng năng lượng tái tạo tại 5/6 nhà máy; cắt giảm khí thải CO2 trên toàn bộ mạng lưới của mình. Chỉ riêng trong năm 2019, Heineken đã cắt giảm hơn 2.000 tấn khí thải CO2 nhờ việc tối ưu hóa tải trọng, sử dụng xe tải đạt chuẩn Euro 4 và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa.

Đặc biệt, hiện nay, Heineken gần như không còn thực hiện việc chôn lấp chất thải và phế phẩm, bởi 99% trong số này được tái chế. Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng. Một chai thủy tinh có thể được tái sử dụng tới 20 lần và một két bia có thể tái sử dụng trong 5-10 năm, sau đó sẽ được cán vụn và bán lại cho các công ty cung cấp thủy tinh và nhựa.

Chính thức khởi động từ tháng 4/2019 tại 14 Trung tâm thương mại và siêu thị LOTTE Mart trên toàn quốc, chiến dịch LOTTE Eco Green “Tôi hành động, bạn cũng thế” đã truyền cảm hứng tới đông đảo người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi nilon và giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, hướng tới mục tiêu đưa LOTTE Mart trở thành siêu thị đầu tiên tại Việt Nam không dùng túi nilon.

Trong năm 2019, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) được thành lập từ 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì cùng chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.

Theo đó, PRO Vietnam sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước đủ mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, PRO Vietnam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn “xanh”, các doanh nghiệp có thể có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên - nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính...

Doanh nghiệp Việt trong xu hướng tăng trưởng xanh - Ảnh 2
Phát triển công trình xanh tại Việt Nam. 

Đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã bao phủ gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội: Từ các tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa cụ thể; các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình sản xuất; các tiêu chuẩn cho quá trình canh tác, trồng trọt; các tiêu chuẩn cho các sản phẩm hữu cơ; đến các nhóm tiêu chuẩn phục vụ cho việc thúc đẩy, xây dựng các đô thị thông minh…

Hiện đã có tổng cộng gần 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Trong đó, tỉ lệ hài hòa của tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam so với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là gần 60%, theo đúng mục tiêu và tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong đó, có thể kể đến một số tiêu chuẩn quốc gia tiêu biểu đang góp phần thúc đầy tăng trưởng xanh như:

Bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường TCVN ISO 14000, gồm 35 TCVN về hệ thống quản lý môi trường, đánh giá môi trường, nhãn môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan.

Bộ tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 27 TCVN áp dụng cho 21 phương tiện, thiết bị.

Bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước quy định hiệu quả sử dụng nước của sản phẩm, thiết bị sử dụng nước tiết kiệm được chia thành ba cấp để phản ánh mức độ tiết kiệm nước.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13114:2020 Chất dẻo có khả năng tạo compost - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đưa ra các yêu cầu để chất dẻo có khả năng tạo phân compost, giúp giảm thiểu về vấn đề rác thải nhựa hiện nay.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Việt trong xu hướng tăng trưởng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới