Thứ ba, 23/04/2024 21:39 (GMT+7)
Thứ ba, 23/03/2021 10:54 (GMT+7)

Đô thị bền vững để trái đất xanh

Theo dõi KTMT trên

Các thành phố có vai trò chính trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc ứng phó của các thành phố càng hiệu quả bao nhiêu thì tương lai của trái đất càng sáng sủa bấy nhiêu.

Ở Việt Nam, biến đổi khí hậu cũng đã và đang làm gia tăng nhiều vấn đề môi trường cho các thành phố. Những đợt nắng nóng và hạn hán bất thường kéo dài ở các thành phố miền Bắc và miền Trung đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác cấp điện, nước sinh hoạt cho các khu dân cư và các khu công nghiệp.

Các ảnh hưởng nhiều nhất và nghiêm trọng nhất sẽ xảy ra đối với các thành phố ven biển. Cho dù với kịch bản nước biển dâng thấp nhất, cuộc sống của nhiều dân cư đô thị tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quy Nhơn, TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng.

Cùng với người dân, chính quyền các thành phố sẽ phải trực tiếp ứng phó với các thách thức do biến đổi khí hậu mang đến. Cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu được chia thành hai nhóm: giảm nhẹ (giảm thiểu lượng khí nhà kính để ngăn chặn những ảnh hưởng nghiêm trọng) và thích ứng (dự đoán và lập kế hoạch đối phó với các ảnh hưởng).

Đô thị bền vững để trái đất xanh - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Vào thời điểm này, cho dù lượng khí thải nhà kính được cắt giảm đáng kể, các thành phố vẫn cần phải thích ứng với các ảnh hưởng tồi tệ của biến đổi khí hậu trước khi các ảnh hưởng này có thể chững lại. Cách thức thích ứng tiềm năng bao gồm các giải pháp làm “xanh” thành phố: bảo tồn các khu vực cây xanh và rừng trong đô thị, trồng thêm cây xanh ở mọi nơi có thể, sử dụng các cách thức phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường và sử dụng mặt nước hồ ao và các kỹ thuật tái sử dụng nước mưa để làm mát đô thị.

Trước thực tế gia tăng của bão, lụt, chính quyền các thành phố sẽ phải quy hoạch phát triển đô thị tránh xa những vùng đất gần sông, biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt phòng chống thiên tai hoặc di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt.

Các chiến lược xã hội bao gồm việc xác định các thành phần dân số dễ bị tổn thương trong trường hợp có bão và lũ. Các khu vực dân cư ở vùng bão lụt cần chuẩn bị để người dân có thể sử dụng các công trình công cộng như trụ sở ủy ban, trường học… làm nơi lánh nạn khi bão lụt xảy ra. Nhiều thành phố cần áp dụng các biện pháp tiết kiệm và tái sử dụng nước ngay từ hôm nay để đối phó với việc thiếu nước sinh hoạt trong tương lai.

Các đô thị ven biển cần chuẩn bị để đối phó với các hiện tương thiên tai bất thường. Kịch bản về nước biển dâng cần được lồng ghép vào tất cả các quyết định về quy hoạch phát triển đô thị. Dự báo về sự gia tăng các trận bão, lũ đòi hỏi chính quyền thành phố và các cơ quan có trách nhiệm cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng cao hơn.

Sự thờ ơ là một thách thức lớn nhất khi các thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm của một số thành phố ở những nước đang phát triển cho thấy thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu không phải là việc quá khó nhưng nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và bền bỉ giữa các cơ quan chức năng của thành phố. Quá trình này đòi hỏi sự lãnh đạo sáng suốt, các giải pháp quy hoạch sáng tạo, các biện pháp kỹ thuật phù hợp và cao hơn cả là tinh thần lạc quan để sử dụng biến đổi khí hậu như một cơ hội để quy hoạch và xây dựng những thành phố bền vững hơn.

Sử dụng quy hoạch đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu là một giải pháp quan trọng vì một thành phố được quy hoạch tốt cung cấp nền tảng cho việc phát triển bền vững. Các giải pháp thông qua quy hoạch đô thị có thể giúp giảm nhẹ nhiệt độ trong các thành phố bằng cách giảm mật độ dân số, tạo ra nhiều không gian mở và công viên, giảm thiểu diện tích đất xây dựng bằng cách lựa chọn hình thái đô thị tích hợp và khuyến khích giao thông công cộng.

Trong tình hình hiện nay của các đô thị Việt Nam, thay vì chú ý đến các giải pháp giảm nhẹ, các nhà quy hoạch cần tập trung đến các giải pháp thích ứng như bảo vệ thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn, trước đe dọa của bão, lụt và nước biển dâng. Đề cao các quan tâm về khí hậu và thiên tai liên quan đến khí hậu trong quá trình lập và thực thi quy hoạch là yếu tố quan trọng trong việc nhận biết các định hướng của phát triển đô thị bền vững.

Ngọc Lý

Bạn đang đọc bài viết Đô thị bền vững để trái đất xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.