Đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm sáng về môi trường, đô thị xanh
Một kế hoạch phát triển kinh tế xanh được tỉnh vạch ra và Đảng bộ, chính quyền tỉnh đang kiên trì thực hiện để đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm sáng về môi sinh, môi trường, đô thị xanh của cả nước.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang quyết liệt thực hiện các biện pháp để bảo vệ, phát triển nguồn nước.
Một kế hoạch phát triển kinh tế xanh đã được tỉnh vạch ra và Đảng bộ, chính quyền địa phương đang kiên trì thực hiện để đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành điểm sáng về môi sinh, môi trường, đô thị xanh của cả nước.
Từng bước lấy lại “màu xanh” cho nguồn nước
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, nhiều năm trước đây, vì mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã sao nhãng nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và hậu quả đem lại khá nặng nề.
Các dòng suối, ao hồ, vùng đất bị ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thậm chí nhiều lần còn đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của cả tỉnh.
Nhận thức rõ những hiểm họa môi trường đang xảy ra tại địa phương, những năm gần đây, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề ra hàng loạt biện pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước. Chủ trương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đã được đề ra.
Theo đó, ngày 16/8/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh có quyết định số 2214/QĐ-UBND ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn.
Ngày 30/8/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 2344/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Ngày 29/6/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục có Quyết định số 2604/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và ngày 22/9/2017 có Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ban hành Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý tài nguyên nước trên địa bàn…
Những hành lang pháp lý trên bước đầu đã tạo ra hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nguồn nước của tỉnh, quy định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức của các cơ quan quản lý. Thực tế, nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh đã bị từ chối ngay từ đầu vì không đáp ứng được yêu cầu về môi trường tỉnh đề ra, trong đó có những dự án lên đến hàng tỷ USD.
Sau khi xây dựng xong các “hàng rào kỹ thuật” bảo vệ môi trường, tỉnh tập trung khắc phục, xử lý những tồn tại từ trước khi có các quy định.
Ngày 23/3/2018, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo rõ: “Thực hiện các giải pháp bảo vệ nghiêm ngặt các hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Sông Hỏa, hồ Suối Các, hồ Núi Nhan, hồ Châu Pha, hồ Kim Long, hồ Suối Nhum.
Tỉnh rà soát, cương quyết di dời các cụm công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn và các hồ cấp nước.”
Theo đó, ngày 19/6/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1611/QĐ-UBND về tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vùng tập trung.
Ngày 7/3/2019, tỉnh đã ban hành Quyết định số 506/QĐ-UBND phê duyệt đề án di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025.
Kết quả đạt được đã thực sự gây ấn tượng và phần nào làm yên lòng cơ quan chức năng, cũng như người dân trong tỉnh. Đến nay, tỉnh đã chấm dứt hoạt động xưởng nhuộm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Meisheng Textiles Việt Nam tại thượng nguồn hồ Đá Đen; kiểm soát nguồn nước thải từ Khu xử lý chất thải Thiên Phước (Đồng Nai) chảy về tỉnh; kiểm soát được hầu hết các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng tới các hồ cấp nước.
Cụ thể, đã có 21/22 trang trại chăn nuôi quy mô cấp tỉnh đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải sau biogas và không còn tình trạng xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
Bên cạnh đó, đề án di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi ngoài quy hoạch, nằm ở thượng nguồn hồ nước đã được triển khai theo lộ trình đề ra và kiên quyết hoàn thành việc di dời toàn bộ 104 trang trại vào cuối năm 2021.
Ngoài ra, hầu hết trong tổng số hơn 18.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó hơn 35% hộ chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải, nước thải (biogas). Tỉnh cũng đã xây dựng được 61 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, đồng thời xây dựng thêm 6 trạm quan trắc tự động tại 6 hồ nước chính để theo dõi nguồn nước.
Mặt khác, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; 100% rác thải công nghiệp, rác thải y tế đều được thu gom.
Các điểm nóng về môi trường ngày càng giảm. Năm 2017, toàn tỉnh có 12 điểm nóng về môi trường, năm 2018 còn 10 điểm nóng và đến cuối năm 2019 chỉ còn 6 điểm nóng.
Các điểm nóng còn lại cũng đang có chuyển biến tích cực như kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào các sông, suối chảy vào hồ cấp nước sinh hoạt; kiểm soát tốt các hoạt động chế biến mủ cao su, hoạt động chế biến tinh bột mỳ và khắc phục cơ bản ô nhiễm khu vực cổng số 6 (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) không để ảnh hưởng đến nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và…
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến cuối năm 2020, tỷ lệ dân nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ đạt 99,8%, trong đó sử dụng nước máy từ các hệ cấp nước tập trung đạt tới 91,2% (tăng hơn 25% so với 2015).
Từ năm 2017 đến nay, theo kết quả ngoại kiểm, chất lượng nguồn nước sinh hoạt được tỉnh công bố hàng năm đều đạt. Những nỗ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua đã được đền đáp xứng đáng.
"Màu xanh" của nước tại các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh đang được trả lại và đây là một trong những cơ sở quan trọng để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển hài hòa, vững chắc trong thời gian tới.
Sẵn sàng cho phát triển bền vững
Sức hút của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã thu hút được 415 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 29,5 tỷ USD từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và 605 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 308.000 tỷ đồng. Tỉnh có 15 khu công nghiệp, trong đó 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 62% và tỷ lệ này đang tăng nhanh những năm gần đây...
Kinh tế phát triển sôi động, vì vậy nhiệm vụ đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp-nông nghiệp, du lịch là một trọng trách rất lớn đặt ra đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 30 hồ lớn, nhỏ với tổng dung tích trữ hơn 316 triệu m3, trong đó 8 hồ (tổng dung tích chứa hơn 273 triệu m3, dung tích hữu ích khoảng 243 triệu m3) là nguồn chính phục vụ nước sinh hoạt cho người dân và đảm bảo tưới hơn 14.200ha đất nông nghiệp (chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp đảm bảo tưới toàn tỉnh).
Trong số 8 hồ sử dụng cấp nước sinh hoạt, 2 hồ Sông Ray và hồ Đá Đen đã chiếm phần lớn dung tích toàn tỉnh (hồ Sông Ray dung tích hơn 215 triệu m3, dung tích hữu ích 196 triệu m3 và hồ Đá Đen dung tích 33,4 triệu m3, dung tích hữu ích 24,5 triệu m3).
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng nhu cầu nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp và du lịch của tỉnh năm 2020 khoảng 240 triệu m3.
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết riêng hồ Sông Ray, mỗi năm tổng lượng dòng chảy đổ về hồ khoảng 558 triệu m3. Hồ Sông Ray còn có nhiệm vụ bơm thêm nước cho hồ Đá Đen để cấp cho các nhà máy nước sản xuất, cung cấp phần lớn nước cho sinh hoạt của tỉnh. Vì vậy, tỉnh đảm bảo đủ nguồn nước mặt cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay cũng như những năm sắp tới.
Tỉnh cũng đã lên kế hoạch xây dựng thêm một hồ Sông Ray 2 với dung tích chứa khoảng 100 triệu m3 cách hồ Sông Ray hiện hữu 3km, giúp mở rộng thêm diện tích tưới nông nghiệp và tăng khả năng tích trữ, sẵn sàng nước cho phát triển trong tương lai.
Vậy nên, điều quan tâm, lo ngại nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện nay là đảm bảo an ninh, an toàn hồ, đập và chất lượng nguồn nước. Nhiều nguy cơ gây ô nhiễm khó kiểm soát vẫn đang tồn tại như nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung của tỉnh và từ tỉnh Đồng Nai chảy về các hồ của tỉnh; hoạt động trồng trọt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học quá liều lượng, thải bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật của nông dân trong tỉnh…
Một bản kế hoạch toàn diện, chi tiết đã được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề ra tại Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về các nhiệm vụ bảo vệ hồ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh đề ra 33 nhiệm vụ và giao cho cơ quan chuyên môn, địa phương chịu trách nhiệm thực hiện như tổng kiểm tra việc triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn công trình hồ chứa nước; phối hợp với tỉnh Đồng Nai điều tra, đánh giá, xử lý các nguồn thải đầu nguồn nước chảy vào hồ nước sinh hoạt của tỉnh; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; rà soát thực trạng sử dụng đất trong lưu vực các hồ cấp nước sinh hoạt.
Tỉnh cũng thống kê thực trạng phân phối và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đánh giá nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước; lập báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng mạng lưới thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung trong lưu vực ảnh hưởng đến các hồ cấp nước sinh hoạt…
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng kế hoạch hướng dẫn áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với yêu cầu canh tác trồng trọt đảm bảo được tỉ lệ khoa học, hợp lý giữa tổng số lượng vật nuôi trên một đơn vị đất canh tác; xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về nguồn nước, an toàn hồ, đập.
Mặt khác, Bà Rịa-Vũng Tàu kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp nước toàn tỉnh; rà soát, đề xuất biện pháp khẩn cấp để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, hoặc có sự cố ô nhiễm nguồn nước; kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và xử lý sự cố môi trường tại các nhà máy cấp nước…
Sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt để bảo vệ, phát triển nguồn nước của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang tạo dựng niềm tin, sự đồng thuận, yên tâm của mỗi người dân và nhà đầu tư. Một tương lai phát triển mạnh mẽ, hài hòa và bền vững đang mở ra cho Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đoàn Mạnh Dương