Thứ sáu, 22/11/2024 11:01 (GMT+7)
Thứ tư, 14/10/2020 10:33 (GMT+7)

Du lịch xanh – hướng đi tất yếu của ‘ngành công nghiệp không khói’

Theo dõi KTMT trên

Phát triển kinh tế xanh đang trở thành xu thế chung của toàn cầu. Nhờ ưu thế sẵn có, những năm qua, du lịch xanh tại Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, phát triển du lịch xanh gặp không ít thách thức.

Sức ép từ tăng trưởng nóng

Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thế nhưng, sự tăng trưởng nóng của ngành du lịch đã gây sức ép lên môi trường.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2019, hoạt động du lịch đạt kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành du lịch năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đã tăng 8 bậc từ 129 lên 121/trên 141 quốc gia. Tuy nhiên, nhiều chỉ số lại giảm bao gồm: Thực thi các quy định về môi trường, giảm 23 bậc; mức độ nghiêm ngặt của các quy định về môi trường giảm 11 bậc…

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày đêm, trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày.

Trong đó, lượng nhựa thải ra biển tại Việt Nam khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm 6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.

Ở Việt Nam, lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa đang tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41 kg/người, gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8 kg/người vào năm 1990. Hiện Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với khoảng 1,83 triệu tấn/năm.

Tại Hội An, "núi” rác thải tại bãi rác Cẩm Hà, TP.Hội An lên đến 272.852 tấn. Trong khi đó, mỗi ngày Hội An thải ra trung bình 100 tấn rác, cho nên sẽ đến lúc không còn chỗ để chứa.

Tại Huế, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Riêng khu vực TP.Huế phát sinh mỗi ngày 200 tấn rác sinh hoạt thì có đến 6% là rác nhựa và túi nilon. Trong khi đó, các nhà máy xử lý rác trên địa bàn đã quá tải từ lâu. Còn các bãi chôn lấp cũng đang dần trở thành “núi” rác…

Du lịch xanh – hướng đi tất yếu của ‘ngành công nghiệp không khói’ - Ảnh 1
"Núi rác" ở “đảo ngọc” Phú Quốc. (Ảnh: Báo Người lao động)

Hay như Phú Quốc (Kiên Giang) được ví như hòn “đảo ngọc”, là “thiên đường du lịch” với nhiều bãi biển đẹp và hoang sơ. Thế nhưng hiện nay, khi đến hòn đảo này không khó để bắt gặp hình ảnh những đống rác ngổn ngang bên đường hay những bãi tắm bị bủa vây bởi rác, trong đó chiếm phần lớn là rác thải nhựa.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, tại đảo Phú Quốc, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày lên tới 300 tấn rác nhưng lại chỉ thu gom, tập kết về các bãi rác được khoảng 150 tấn (chiếm 50%).

Cũng nằm trong hệ thống các đảo Tây Nam, Nam Du nằm phía Đông huyện đảo Phú Quốc, còn khá hoang sơ và sở hữu nhiều cảnh đẹp cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm.

Hướng đến du lịch xanh

Trước bối cảnh đó, du lịch xanh được cho là giải pháp hàng đầu nhằm đảm bảo cho sự hài hòa giữa hai yếu tố phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những năm gần đây, du lịch xanh đã trở thành xu hướng của ngành công nghiệp không khói ở nhiều nước trên thế giới, bởi có vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu năm 2018 đã vượt lên mốc 1,4 tỉ lượt khách, tăng 74 triệu lượt so với năm 2017. Dự báo đến năm 2030, số lượng khách du lịch đạt 1,8 tỉ lượt.

UNWTO cũng nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm tới 54%.

Du lịch xanh – hướng đi tất yếu của ‘ngành công nghiệp không khói’ - Ảnh 2
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. (Ảnh minh họa: Internet)

Sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa - nhân văn đa dạng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Thực tế, thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có sự chú phát triển du lịch xanh, như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh…

Tuy nhiên, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến cho du lịch xanh chưa được phát triển, cụ thể: Phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu… Việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức chưa đầy đủ về phát triển du lịch xanh của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cũng như của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; ngành Du lịch chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, nhất là với các cơ sở kinh doanh du lịch, gây lúng túng khi áp dụng trong thực tiễn; chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch Việt Nam làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững.

Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng cho đến nay Du lịch Việt Nam còn thiếu những sản phẩm du lịch xanh đặc thù ở các cấp độ đặc biệt ở cấp quốc gia, để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Theo báo TN-MT, để phát triển du lịch xanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn từng nhấn mạnh, Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, như nhận thức vể việc phát triển du lịch xanh chưa đầy đủ và chưa thấy được tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh đối với phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch xanh. Cùng với đó là sự thiếu thốn trong vấn đề tài chính và đầu tư vào các giải pháp xanh, nhận thức của khách du lịch và việc kiểm soát tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp còn hạn chế…

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Du lịch xanh – hướng đi tất yếu của ‘ngành công nghiệp không khói’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới