Hà Nội phát triển đô thị xanh hai bên sông Hồng
“Quy hoạch sông Hồng theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả 2 bên dòng sông, chứ không phải là nơi chất tải các công trình lên.…”
Đó là nhấn mạnh của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội sáng ngày (11/3) khi trao đổi với báo chí về dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, quan điểm hiện nay là bất khả xâm phạm bờ đê sông Hồng. Đường hai bên đê được được coi như một đập tràn, hai đường chạy song song. Nếu xác suất 500 năm nước lũ vượt quá bờ đê, thì nó chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng gì đến thành phố. Theo đồ án quy hoạch, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra.
Như vậy, việc quy hoạch thủy lợi tích hợp trong quy hoạch này hoàn toàn chấp hành quyết định 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Có nghĩa thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số 1. Một điểm nữa là cách tiếp cận khi xây dựng quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng lần này cũng khác. Trước đây khi thì giao cho đơn vị này, đơn vị kia, thì nay nhà nước làm, không giao cho một doanh nghiệp nào.
Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy hoạch phân khu sông Hồng được thông qua và được triển khai sớm sẽ đảm bảo vấn đề sinh kế hàng triệu người dân sống hai bên sông. Đây là một trong những điểm nghẽn lâu nay thành phố vẫn luôn muốn tháo gỡ. Quy hoạch được triển khai, bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn và tạo được quỹ đất để phát triển. Thành phố với điểm nhấn là dòng sông ở giữa, với hành lang xanh, một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại. Trước đây sông Hồng cận biên là phía Bắc, bây giờ tư duy quy hoạch mới rồi, trục giữa nằm giữa lòng sông Hồng, từ đó phát triển hài hòa 2 bên bờ sông.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng nhấn mạnh, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội do Thủ tướng phê duyệt năm 2011 (quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011) đến hết nhiệm kỳ vừa rồi mới phủ kín được 86% quy hoạch phân khu. Còn lại 8 quy hoạch khác gồm 6 quy hoạch phân khu của 4 quận nội đô lịch sử, quy hoạch của sông Hồng và quy hoạch sông Đuống.
Nếu hoàn thành quy hoạch sông Hồng, sông Đuống và 4 quận nội đô sẽ hoàn thành 100% quy hoạch 1259. Vì quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng bị đình trệ nhiều năm rồi. “Từ năm 1954 đến nay có khoảng 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đều nói đến sông Hồng, nhưng bây giờ mới thành hiện thực. Có được điều này phải có sự giúp đỡ của các bộ nữa. Cụ thể là từ tập hợp ý kiến các Bộ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và chuyên gia đầu ngành”, đồng chí Vương Đình Huệ chia sẻ.
Theo người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội, quy hoạch lần này có được cũng là do thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc là thuận thiên. Lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng là mục tiêu hàng đầu và tham khảo cả những đề án nghiên cứu của Hà Lan, Hàn Quốc. Với Hàn Quốc trước đây người ta chú trọng vào thành phố hiện đại nhà cao tầng vì lúc đó Hà Nội chưa được mở rộng địa giới hành chính, nên diện tích rất hẹp. Nhưng bây giờ mở rộng địa giới hành chính bao gồm cả các huyện của Hà Tây cũ nữa thì không gian phát triển của Hà Nội rất rộng nên không việc gì chất tải các công trình lên dọc sông Hồng.
Quy hoạch sông hồng theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, rồi nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả 2 bên dòng sông, chứ không phải là nơi chất tải các công trình lên. Hiện nay, cư dân 2 bên bờ sông Hồng hiện rất phức tạp, quản lý xây trật tự xây dựng, đất đai đang là điểm nghẽn.
“Làm sao giải quyết được những khó khăn này để thực sự biến sông Hồng thành đô thị xanh, trung tâm của thành phố? Vấn đề này không chỉ nằm trong phạm vi quy hoạch đoạn sông Hồng dài 40 km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) mà ở cả đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội dài 118 km. Hiện nay, thành phố đang nghiên cứu, xây dựng tích hợp cả quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ… để từng bước giải quyết. Sau khi quy hoạch sông Hồng chính thức được phê duyệt, thành phố sẽ có phân loại danh mục công trình cơ sở của cả người dân và tài sản công dọc tuyến này để có chính sách phù hợp”, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đồ án quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng là quy hoạch đa mục tiêu. Các công trình hạ tầng hiện đại đang và sẽ xây dựng thời gian tới góp phần tạo đòn bẩy thay đổi diện mạo đô thị hai bên bờ sông, để kỳ tích sông Hồng sớm thành hiện thực.
Theo ông Nghiêm, việc quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng sẽ giúp quản lý dân cư có hiệu quả, nâng chất lượng sống cho người dân. Không chỉ trong nước, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư của cả trong và ngoài nước đã chờ đợi từ nhiều năm nay. Khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế của Thủ đô.
Ông Nghiêm cũng phân tích, trong quy hoạch đã đặt ra vấn đề lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Chính vì vậy, để quy hoạch và phát triển sông Hồng đều phát triển đồng bộ, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đi lại phát triển hơn.
“Các khu vực được quy hoạch trong đồ án hai bên sông Hồng có thuận lợi về giao thông thủy vận tải hàng hóa, du lịch, kết nối với cả vùng. Đồ án giúp phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông” – ông Nghiêm nhận định.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng cho rằng, việc quy hoạch đồ án hai bên sông Hồng cũng đối diện với không ít thách thức cần phải giải quyết. Trong đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt cũng phải được xem xét… Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với Hà Nội là nhanh chóng có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Theo dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được lấy ý kiến các đơn vị liên quan để hoàn thiện, quy hoạch này trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín).
Phân khu đô thị sông Hồng bao phủ diện tích 11.000 ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000 - 320.000 người (hiện trạng khoảng 235.000 người).
Theo đồ án, hiện nay, đất bãi trong khu vực quy hoạch chiếm khoảng 5.480 ha (tương đương 50% tổng diện tích), chủ yếu trồng rau, hoa, cây cảnh và đất chưa sử dụng. Khu vực đã xây dựng rộng 1.190 ha (chiếm 11% tổng diện tích). Phần sông Hồng có diện tích 3.600 ha (chiếm 33% tổng diện tích).
Hà Lan