Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 23/11
Bất động sản chiếm 60% thế chấp ngân hàng; Thuê nhà dưới 20 m2 không được đăng ký thường trú tại Hà Nội? Đất đấu giá ven Hà Nội gần 170 triệu đồng/m2... là những tin tức bất động sản nổi bật hôm nay.
Thuê nhà dưới 20 m2 không được đăng ký thường trú tại Hà Nội?
Theo dự thảo của HĐND TP.Hà Nội, diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2 thì công dân đi thuê, mượn, ở nhờ mới được giải quyết đăng ký thường trú.
HĐND TP.Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn TP.
Dự thảo nêu, với nhóm nhà ở có nguồn gốc sở hữu nhà nước do các cơ quan, đơn vị bố trí, cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội là chủ sở hữu thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8 m2.
Đối với nhóm nhà ở còn lại, diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2 thì công dân đi thuê, mượn, ở nhờ mới được giải quyết đăng ký thường trú.
Cũng theo nội dung dự thảo, diện tích nhà ở tối thiểu như trên là diện tích được tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Tại khoản 2, điều 5, nghị định 62 quy định chi tiết về Luật cư trú 2020 thể hiện, trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Bao gồm: giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của UBND cấp xã, huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Về điều kiện đăng ký thường trú, phải bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.
Bất động sản chiếm 60% thế chấp ngân hàng
Theo số liệu thống kê của của Nhadautu.vn với 14 ngân hàng thương mại tính đến cuối tháng 6/2022, tài sản thế chấp là bất động sản hiện chiếm khoảng 60% tổng thế chấp của khách hàng tại các ngân hàng.
Tính theo giá trị tuyệt đối, tài sản thế chấp là bất động sản đã tăng 12,7% so với cuối năm 2021.
Trong đó, nổi bật có những ngân hàng có tỷ lệ tài sản thế chấp là bất động sản rất cao như ACB có 94% tài sản thế chấp là bất động sản; Sacombank là 87%.
Một số ngân hàng có tỷ lệ bất động sản thế chấp thấp (khoảng 30-40%) gồm TPBank, MBBank, MSB, VPBank, SHB.
Còn lại trung bình bất động sản chiếm khoảng 60 - 70% trong tổng tài sản thế chấp gồm Vietcombank, Techcombank, LienVietPostBank, VIB, OCB, HDBank, SeABank.
Trong hoạt động tín dụng, tài sản đảm bảo nợ vay rất đa dạng, có thể dùng bất động sản, nhà xưởng, doanh số bán hàng…
Tuy nhiên các ngân hàng thường có xu hướng nhận tài sản đảm bảo nợ vay là bất động sản do có nhiều ưu điểm như cố định, thanh khoản cao, giá trị khó giảm.
Chẳng hạn, do đặc tính cố định nên bất động sản không thể di dời như các động sản, khi nhận bất động sản làm tài sản thế chấp, các ngân hàng dễ dàng thực hiện quá trình xác định, định giá, giám sát trong và sau khi cho vay.
Bên cạnh đó, do bất động sản có tính khan hiếm, sự phát triển của thị trường bất động sản (thường là tăng trong trung, dài hạn, khó mất giá, trừ rủi ro bong bóng) nên tính thanh khoản đối với bất động sản luôn ở mức tốt so với các loại hàng hóa thông thường. Vì vậy, ngân hàng dễ dàng thu hồi nợ từ việc xử lý tài sản thế chấp là bất động sản.
Bất động sản cũng được ưu tiên vì có các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng rõ ràng nhất, nhờ đó mà việc xác nhận chủ sở hữu hay người sử dụng tương đối dễ dàng.
Tuy nhiên, thực tế, việc nắm giữ tài sản bảo đảm là bất động sản cũng đang mang tới rủi ro cho ngành ngân hàng trong bối cảnh thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp giảm sút trong thời gian gần đây, khối lượng và giá trị giao dịch đều ở mức thấp.
Đất đấu giá ven Hà Nội gần 170 triệu đồng/m2
Nằm ngay gần thị trấn Đông Anh, nhiều lô đất vừa được đưa ra đấu giá với mức trúng cao nhất lên tới gần 170 triệu đồng/m2.
Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X7 xã Uy Nỗ. Đây được coi là khu "đất vàng" do nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh.
Theo đó, có 27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 m2 đến 227,89 m2 được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 triệu đồng/m2 đến 69 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí), bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất là 500.000 đồng/m2.
Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2 (gấp hơn 2 lần giá khởi điểm), giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2.Tổng giá trúng đấu giá thu về gần 409 tỷ đồng.
Trước đó, huyện Đông Anh cũng tổ chức đấu giá loạt lô đất tại xã Dục Tú với giá trúng cao nhất hơn 50 triệu đồng/m2.
Cụ thể, ngày 8/10, có 27 thửa đất (đợt 1) với tổng diện tích hơn 2.571 m2 tại thôn Dục Tú 1 được đưa ra đấu giá để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm cho các thửa đất thấp nhất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến cao nhất 33,7 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí).
Tham gia phiên đấu giá có 109 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 56,7 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá thấp nhất là 35,2 triệu đồng/m2. Tổng giá trúng đấu giá thu về hơn 112 tỷ đồng.
Ngày 15/10, có 27 thửa đất tiếp theo tại thôn Dục Tú 1 được đưa ra đấu giá. Giá khởi điểm của các thửa đất từ 28,8 triệu đồng/m2 đến 33,7 triệu đồng/m2 tuỳ từng thửa đất. Tổng diện tích các thửa đất đưa ra đấu giá là gần 2.600 m2, dao động từ 90 m2 đến 164,17 m2.
Phiên đấu giá thu hút được 98 nhà đầu tư với mức giá trúng cao nhất là 51,2 triệu đồng/m2; giá trúng đấu giá thấp nhất là 37,3 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu được từ phiên đấu giá hơn 112 tỷ đồng, chênh lệch hơn 34 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra về quy hoạch xây dựng, kinh doanh BĐS tại nhiều tỉnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Quyết định số 1056/QĐ-BXD về Kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ Xây dựng. Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện một số cuộc thanh tra về quản lý hoạt động xây dựng tại một số dự án do bộ (ngành) làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tổ chức 1 cuộc thanh tra hành chính về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý tài chính, phòng, chống tham nhũng và chấp hành các nhiệm vụ do Bộ trưởng giao tại Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia.
Đối với việc thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện 3 cuộc thanh tra quản lý hoạt động xây dựng tại một số dự án do bộ (ngành), địa phương và Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư tại: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh – Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 – Cục Đường bộ Việt Nam.
Cùng đó, sẽ có 3 cuộc thanh tra về quản lý nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực: quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) tại 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS; thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố gồm: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng và An Giang.
Huyền Diệu