Thứ tư, 24/04/2024 23:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/06/2022 21:44 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/6

Theo dõi KTMT trên

Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số; Nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Kon Tum phải hủy bỏ; Chuyên gia cảnh báo nguy cơ 'bong bóng' BĐS, người 'ôm đất' rơi vào cảnh trắng tay… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số

Ngày 17/6, tại thành phố Đà Nẵng, Báo Công Thương phối hợp với Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số”. Tại hội thảo, hơn 300 đại biểu tham dự đã được cập nhật thông tin chung về thị trường bất động sản hiện nay và toàn cảnh thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như tài chính, du lịch… Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản, chuyển đổi số diễn ra chậm hơn.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/6 - Ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo “Thị trường bất động sản trong xu thế chuyển đổi số” được tổ chức nhằm góp phần giúp doanh nghiệp bất động sản có thông tin toàn cảnh về chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, những tác động và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại trong bất động sản. Gợi mở các giải pháp, khuyến nghị cho doanh nghiệp bất động sản chủ động thích ứng và chuyển đổi số thành công.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm. Bất động sản được dự báo triển vọng rất tích cực trong 20 năm tới. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng đối mặt với những vấn đề nội tại khi quy mô ngày càng tăng và với tốc độ ngày càng nhanh. Bất động sản từ lâu đã được coi là một trong những tài sản có tính thanh khoản thấp nhất.

Các hệ thống thủ tục pháp lý phức tạp rào cản gia nhập thị trường quá cao với hầu hết mọi người, vì tài sản quá đắt, đang ảnh hưởng tới dòng vốn chảy vào bất động sản. Các dòng tài chính quy mô lớn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng và trái phiếu, làm gia tăng rủi ro hệ thống. Rủi ro của ngành Bất động sản đã trở thành một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế, cả về rủi ro tài chính lẫn sự lãng phi tái nguyên đất.

Ông Trương Trí Vĩnh – Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ: Chuyển đổi số như quá trình dịch chuyển từ các quyết định tự phát của thị trường sang các quyết định dựa trên nền tảng dữ liệu, được mong đợi sẽ mang lại giải pháp dẫn dắt ngành công nghiệp này vượt qua những vấn đề nội tại.

Nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Kon Tum phải hủy bỏ

Theo ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải hủy bỏ là do trong quá trình sử dụng, người dân đã không bảo quản tốt.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/6 - Ảnh 2
Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS thời gian qua có sự phát triển nóng, theo chiều hướng bất thường. (Ảnh: Minh họa)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến ngày 10/6, đơn vị đã ra quyết định hủy 38 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 56 trang bổ sung.

Đáng nói là tình trạng này cũng đã xảy ra nhiều trong năm 2021, gây phiền phức cho cả cơ quan chức năng lẫn người sở hữu giấy tờ.

Thành phố Kon Tum là địa phương có số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trang bổ sung phải hủy bỏ nhiều nhất với 39 trường hợp; tiếp đến là các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy. Việc những giấy tờ liên quan đến đất đai phải hủy bỏ đang gây lo ngại cho ngành ngân hàng vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường được người dân sử dụng làm tài sản thế chấp vay vốn.

Theo ông A Byot, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải hủy bỏ là do trong quá trình sử dụng, người dân đã không bảo quản tốt. Việc di chuyển qua nhiều vị trí hoặc gặp một số vấn đề khác như hỏa hoạn, thiên tai đã khiến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân bị mất hoặc rách, không có giá trị sử dụng. Vì vậy, Sở buộc phải hủy bỏ để tiến hành các thủ tục cấp lại cho người dân.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ 'bong bóng' BĐS, người 'ôm đất' rơi vào cảnh trắng tay

Các chuyên gia bất động sản (BĐS) lo ngại rằng, đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ, giao dịch giảm mạnh, kéo theo giá BĐS cũng giảm mạnh, nhiều người "ôm đất" không bán được sẽ rơi vào cảnh tay trắng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/6 - Ảnh 3
Các chuyên gia BĐS lo ngại rằng, đến một thời điểm nhất định, giá tăng quá cao khiến tính thanh khoản không còn, khi đó, bong bóng sẽ vỡ, giao dịch giảm mạnh, kéo theo giá BĐS cũng giảm mạnh. (Ảnh minh họa)

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường thời gian qua có sự phát triển nóng, theo chiều hướng bất thường.

Bởi lẽ, giá nhà đất ở nhiều nơi tăng nóng, nhất là đất nền tại các khu vực sắp lên quận, hay khu vực có thông tin về quy hoạch dự án đi qua. Thậm chí, có khu vực giá nhà chung cư tăng tới 15%, nhà riêng lẻ tăng tới 30%.

Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, 6 tháng đầu năm nay là giai đoạn bản lề cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường BĐS sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid -19. Tuy nhiên, do nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác lại khan hiếm, nên dẫn đến tình trạng "sốt ảo" và “thổi giá” nhà, đất.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, thì thị BĐS đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021, và đã đạt đến đỉnh của sự tăng trưởng nóng. Bởi lẽ, thông thường thị trường chỉ tăng trưởng khi kinh tế phát triển mạnh hoặc có dòng tiền tốt. Tuy nhiên, thời gian qua lại xuất hiện việc không ít doanh nghiệp không làm ăn được vẫn “đua nhau” đổ tiền vào BĐS, nhiều người dân chán làm ăn cũng quay sang đầu tư nhà, đất.

Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường BĐS thời gian qua có sự phát triển nóng, theo chiều hướng bất thường.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản gửi Ban Kinh tế Trung ương đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quản lý, phát triển đô thị bền vững. Trong đó, kiến nghị, bổ sung nhiều quy định trong các Luật và nhấn mạnh việc rà soát hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/6 - Ảnh 4
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), để thực hiện “quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cần phải sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật có liên quan. Trong đó có quy định bổ sung “đất xây dựng đô thị”, “đất xây dựng điểm dân cư nông thôn”, “đất du lịch” vào nhóm đất phi nông nghiệp.

Đồng thời, HoREA cũng chỉ ra bất cập của một số quy định pháp luật, trong đó có một số quy định bất cập về “đất phi nông nghiệp” của Luật Đất đai 2013. Cụ thể, “Mục 3. Đất phi nông nghiệp” Chương X quy định 21 loại “đất phi nông nghiệp” có một số bất cập.

Thứ nhất, Luật Đất đai 2013 quy định “đất ở tại nông thôn (Điều 143)”, nhưng chưa quy định “đất xây dựng điểm dân cư nông thôn”, để thực hiện “nội dung quy hoạch nông thôn” quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch 2017.

Thứ hai, Luật Đất đai 2013 quy định “đất ở tại đô thị (Điều 144)”, nhưng chưa quy định “đất xây dựng đô thị”, để thực hiện “nội dung quy hoạch đô thị” quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch 2017.

Thứ ba, Luật Đất đai 2013 quy định “đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (Điều 153)” mà khái niệm “dịch vụ” đã bao gồm “thương mại” và các loại hình “dịch vụ” khác, nhưng lại chưa quy định “đất du lịch” để xác định tầm quan trọng của du lịch và để thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 17/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới