Thứ sáu, 29/03/2024 07:02 (GMT+7)
Thứ ba, 14/06/2022 18:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/6

Theo dõi KTMT trên

Kỳ vọng thị trường bất động sản cuối năm khởi sắc; Bộ Xây dựng: Đã đến lúc cần thiết đưa ra quy định thời hạn sở hữu chung cư; Thị trường bất động sản cuối năm 2022 sẽ ra sao?… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay, 14/6.

Kỳ vọng thị trường bất động sản cuối năm khởi sắc

Thị trường bất động sản (BĐS) nửa đầu năm 2022 cung giảm, cầu cao, giá tăng bất thường nhưng thanh khoản thấp... Nửa chặng đường còn lại, nhà đầu tư hy vọng phục hồi và khởi sắc như kỳ vọng.

Theo phân tích của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), 6 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn bản lề cho sự phục hồi và tăng trường của thị trường BĐS sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, thị trường chứng kiến nhiều biến động cung cầu. Nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác cũng khan hiếm, dẫn đến tình trạng "sốt ảo", đi kèm là hiện tượng thổi giá.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/6 - Ảnh 1
Kỳ vọng thị trường BĐS cuối năm khởi sắc. Ảnh: TTXVN.

Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát, mặc dù giá BĐS tăng nhanh, nhưng thanh khoản chậm, thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó; nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng...

Qua tìm hiểu, trong bối cảnh bình thường mới, phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS có sự tăng trưởng về giá, về nhu cầu, cũng như giao dịch, nhưng từ đầu quý II, khi ngân hàng kiểm soát chặt hơn tín dụng BĐS và thị trường chứng khoán, nhất là trái phiếu doanh nghiệp, thị trường BĐS bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Giao dịch BĐS quý II sụt giảm mạnh, thanh khoản chậm, thị trường đang có dấu hiệu đi ngang.

Trong khi đó, tình trạng sốt đất lặp lại ở hầu hết các phân khúc thị trường vùng ven các đô thị lớn khi thiếu nguồn cung, sốt nhất là tại các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hoà… và các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình phước… với giá đất tăng lên gấp 2 - 3 lần, thậm chí có nơi tăng gấp 4 lần.

Bộ Xây dựng: Đã đến lúc cần thiết đưa ra quy định thời hạn sở hữu chung cư

Qua một số nước khảo sát, Bộ Xây dựng cho biết, hầu hết đều có quy định về thời hạn sở hữu chung cư, chỉ là thời hạn khác nhau. Với Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, Bộ Xây dựng cho rằng đến lúc cần thiết đưa ra nhưng với quan điểm bảo quyền lợi hợp pháp, tránh xáo trộn tối đa cho người dân.

Liên quan đến vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư 50-70 năm, tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2014, Quốc hội thông qua sửa luật Nhà ở. Thời điểm đó, đặt ra 2 tình huống là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn hay lâu dài.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/6 - Ảnh 2
Đã đến lúc cần thiết đưa ra quy định thời hạn sở hữu chung cư. (Ảnh minh họa)

Ông Khởi chia sẻ, lúc đó có nhiều ý kiến đồng tình quy định sở hữu nhà chung cư nên có thời hạn. Theo ông, vấn đề thời hạn nhà chung cư không mới với nhiều nước trên thế giới, mỗi quốc gia có quy định khác nhau, có nước 30 năm, 99 năm, 199 năm hoặc để 2 phương án...

Còn đối với Việt Nam, dù sao nhà và đất liên quan đến nhau, trong Luật Đất đai quy định thời hạn sử dụng đất lâu dài, người dân hiểu với nghĩa vĩnh viễn. Do vậy, Quốc hội đã đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tính toán đến tác động của chính sách.

Ông Khởi cho hay, hiện nhiều cơ quan ban ngành, địa phương, trong đó có Bộ Xây dựng, đang nỗ lực đẩy mạnh cải tạo nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, nhiều năm qua vẫn trì trệ và một trong những nguyên nhân là vấn đề sở hữu vĩnh viễn.

Nhiều người cho rằng, sở hữu nhà ở vĩnh viễn nên khi nhà hết niên hạn rồi nhưng phá hay không phá là quyền của họ nên triển khai tái thiết nhà chung cư cũ đang rất khó thực hiện, ông Khởi nói.

Sau 7 năm thực hiện luật Nhà ở 2014, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thông tin, mới đây, khi đề xuất hồ sơ xây dựng luật, trình lên Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án.

Bộ Xây dựng: Bất động sản nhiều nơi đã "hạ nhiệt" nhưng giá vẫn còn cao

Đại diện Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ 2021 và cuối năm 2021 đã có nhiều nơi đã hạ nhiệt mặc dù giá vẫn còn cao. Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường sẽ phát triển song vẫn có những biện pháp cần thiết để tránh những hiện tượng xảy ra như 2021.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/6 - Ảnh 3
Bất động sản nhiều nơi đã "hạ nhiệt" nhưng giá vẫn còn cao. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng diễn ra chiều 13/6, đưa ra đánh giá về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi một số khu vực, đặc biệt là phân khúc đất nền tại một số khu vực dự kiến lên quận, sáp nhập hoặc có hệ thống hạ tầng giao thông chạy qua... tăng giá đột biến. Ngoài ra, giá nhà chung cư tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ có nơi tăng 30%.

Theo vị này, giá bất động sản tăng cao có nhiều nguyên nhân, một phần do nguồn cung hạn chế, tín dụng điều chỉnh chưa tốt, thông tin về thị trường chưa kịp thời, chặt chẽ, chính xác, nên có hiện tượng lợi dụng thông tin để nâng giá thổi giá.

Trước thực tế nêu trên, ông Khởi cho biết, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản đôn đốc, cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thị trường bất động sản đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ 2021 và cuối năm 2021 đã có nhiều nơi đã hạ nhiệt mặc dù giá vẫn còn cao.

Ông Khởi thông tin, với các yêu cầu cung cấp nhiều nhà ở hơn cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp, thứ nhất đẩy mạnh tăng nguồn cung cho thị trường; tiếp đến là tăng cường minh bạch thông tin các dự án, thông tin các nguồn hàng để tránh hiện tượng lợi dụng cấu kết tăng giá, thứ ba tăng nguồn vốn đầu tư…

Nhận định về tình hình 6 tháng cuối năm này, ông Khởi dự báo thị trường sẽ phát triển song vẫn có những biện pháp cần thiết để tránh những hiện tượng xảy ra như 2021, trong đó có việc đẩy nhanh nguồn cung, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thị trường bất động sản cuối năm 2022 sẽ ra sao?

Dự báo về diễn biến thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2022, chuyên gia cho rằng, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn. Đặc biệt là đất nền vùng ven các thành phố lớn khi các dự án hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh. Thậm chí, ngay thời điểm hiện tại, giá đất nền vùng ven TP. Hà Nội đang tăng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/6 - Ảnh 4
Thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2022, chuyên gia cho rằng, các cơn sốt đất nhằm đẩy giá tăng cao vẫn có thể tiếp diễn. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường bất động sản. Một trong các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường bất động sản lớn nhất là vốn thì nay sẽ khác. Với gói hỗ trợ lãi suất 2% của các Ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp khi vay ngân hàng để phát triển dự án, dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ hay 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp dẫn tới lo ngại là lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua nhà ở xã hội.

Điều này có nghĩa là muốn giải ngân 15.000 tỷ thì phải có nguồn cung nhà ở xã hội cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. Như vậy, chúng tôi lo rằng, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ, phải tính tới nguồn cung?

Ngoài ra, còn gói hỗ trợ gián tiếp 114.000 tỷ qua đầu tư kết cấu hạ tầng. Đầu tư kết cấu hạ tầng tác động đầu tiên tới kinh tế, sau đó là bất động sản.

“Khi cơ sở hạ tầng giao thông đầy đủ bất động sản sẽ phát triển. Không ngẫu nhiên các tỉnh sốt đất, các dự án bất động sản phát triển vì được thúc đẩy hạ tầng giao thông. Và cần hiểu rằng thị trường bất động sản không chỉ là nhà ở mà còn là bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng sẽ phát triển”, ông Khởi cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, việc hàng loạt địa phương vào cuộc để ngăn chặn tình trạng sốt đất trên thị trường là tín hiệu tích cực giúp bình ổn giá đất, hướng thị trường phát triển lành mạnh. Ở thời điểm hiện tại giá đất nền không còn tăng nóng như 3 tháng đầu năm.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.