Chủ nhật, 28/04/2024 23:04 (GMT+7)
Thứ hai, 13/06/2022 17:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/6

Theo dõi KTMT trên

Mặt bằng cho thuê ở trung tâm bao giờ hết ế?; Hàng chục doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM chờ được gỡ rối pháp lý dự án; Bất động sản thương mại sôi động trở lại… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Đề xuất thanh toán chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng: Minh bạch nguồn tiền đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế, quy định chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng sẽ là một trong những giải pháp góp phần minh bạch nguồn tiền đầu tư, chống rửa tiền và từng bước tránh thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/6 - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

PGS.TS Đinh Trọng cho rằng, nếu bổ sung quy định này sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng khai 2 giá (giá mua bán thực tế cao hơn trên hợp đồng công chứng) để né thuế. Cùng với đó, cơ quan chức năng phải làm nghiêm và xử phạt nặng trường hợp văn phòng công chứng, công chứng giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá trị thực. Từ đó, từng bước tránh thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), cách đây 10 năm hiệp hội cũng đã kiến nghị như vậy gửi Bộ Xây dựng góp ý Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); trong đó có đề xuất người mua bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, nhằm thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền.

Chủ tịch HoREA cho rằng quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với giao dịch nhà đất là hợp lý. Chuyển tiền chuyển nhượng bất động sản qua ngân hàng sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng kê khai giá nộp thuế thấp hơn giá trị thực để né thuế, góp phần giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường. Từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn thị trường như thời gian qua.

Cùng với quy định chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng, ThS. Trần Thị Mơ,  Khoa Thuế - Hải quan, Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, cơ quan thuế các cấp cần thực hiện tốt hơn các biện pháp đã thực hiện như thu thập chứng cứ xác minh giá chuyển nhượng như xác minh với các văn phòng công chứng về hợp đồng đặt cọc, hợp đồng khác giá khai thuế, phụ lục hợp đồng với giá điều chỉnh, vay để mua bất động sản...

Mặt bằng cho thuê ở trung tâm bao giờ hết ế?

Mặc dù các dịch vụ, ăn uống, mua sắm đã bình thường trở lại nhưng nhiều mặt bằng cho thuê, tòa nhà, khách sạn… ở khu vực trung tâm TP HCM vẫn còn ế ẩm, biển dán thông báo bán, cho thuê mặt bằng dày đặt, kéo dài nhiều tháng thậm chí cả năm.

Có nhiều mặt bằng được môi giới cho biết đã hạ giá thuê nhiều nhưng vẫn chưa tìm được khách. Cũng có một số mặt bằng của một đại gia nổi tiếng nên họ không cần hạ giá thuê, giữ giá để chờ thời cơ. Mặt bằng ở khu quận 1, quận 3 này thuộc các tuyến đường Đồng Khởi, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Tôn Thất Tùng, Pastuer… đang treo biển cho thuê rất nhiều, tùy diện tích và vị trí tuyến đường mà giá thuê từ 4.000 USD đến vài chục ngàn USD/tháng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/6 - Ảnh 2
Mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm ế ẩm một phần do giá thuê tương đối cao.

Trong khi đó, các chuyên gia bất động sản cũng như những người chuyên tư vấn, kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống, cho rằng việc mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm ế ẩm một phần là do giá thuê tương đối cao, vị trí cũng không thuận lợi như trước, do nhà kinh doanh thắt chặt chi tiêu trong khi quốc tế trở lại Việt Nam không đông như hồi trước đại dịch.

Mặt khác, việc thiếu chỗ đậu xe nên nhiều vị trí dù đẹp mà không phù hợp với các ngành nghề có liên quan ăn uống…. Đặc biệt, sau nhiều "tổn thương, thua lỗ" nhiều chủ nhà hàng đã không dám trở lại với các mặt bằng quá tốn kém, họ chú trọng bán online, vì vậy mặt bằng đẹp vẫn khó cho thuê.

Hàng chục doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM chờ được gỡ rối pháp lý dự án

HoREA mới đây đã bổ sung báo cáo kiến nghị của 10 doanh nghiệp về việc tháo gỡ "vướng mắc" tại các dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM, trong đó có dự án "đắp chiếu" hơn 11 năm.

Ngày 10/6, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo bổ sung các kiến nghị của 10 doanh nghiệp bất động sản đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” về pháp lý và thủ tục đầu tư xây dựng của 11 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nâng tổng số dự án chờ “gỡ rối” trên địa bàn thành phố lên 113 dự án.

Trong số 11 dự án mới bổ sung này, dự án Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh do CTCP Sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc làm chủ đầu tư đã “đắp chiếu” hơn 11 năm kể từ ngày nhận quyết định thu hồi dự án.

Công ty cũng cho biết quyết định số 353/QĐ-UBND này có lý do không đúng là tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng và chủ đầu tư xin ngưng thực hiện dự án trong khi công ty được công nhận là chủ đầu tư chưa được 12 tháng. Đến năm 2020,  Thanh tra thành phố đã kết luận quyết định trên là chưa đầy đủ pháp lý và đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND điều chỉnh hoặc thu hồi.

Đồng thời, công ty Vĩnh Lộc cũng có kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường đưa dự án vào danh sách các dự án chậm được giải quyết thủ tục do vướng mắc; hủy bỏ hoặc điều chỉnh quyết định nói trên và chấp thuận cho Công ty Vĩnh Lộc được tiếp tục triển khai dự án.

Ngoài kiến nghị của công ty Vĩnh Lộc như nêu trên, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Đơn cử như CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Trường Lưu tại phường Long Trường, TP Thủ Đức đề nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, xem xét chấp thuận dự án Khu nhà ở Trường Lưu không phải bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội.

Bất động sản thương mại sôi động trở lại

Nhu cầu giải trí, mua sắm phục hồi mạnh góp phần làm phân khúc bất động sản thương mại sôi động trở lại.

Theo báo cáo của kênh thông tin Batdongsan, quý I/2022, hoạt động kinh doanh cho thuê nhà phố thương mại phục hồi tích cực. Nhu cầu tìm mua, thuê các căn thương mại khối đế chung cư tăng 19% so với cuối năm 2021.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/6 - Ảnh 3
Dự án Mizuki Park tọa lạc ở khu vực Nam Sài Gòn, có quy mô 26 ha, nằm gần tuyến giao thông quan trọng là đại lộ Nguyễn Văn Linh. Ảnh phối cảnh: Mizuki Park

Dữ liệu trang thông tin Batdongsan chỉ ra rằng, từ đầu năm đến nay, các căn nhà phố thương mại khối đế chung cư cao tầng ghi nhận tỷ lệ cho thuê, mua đi bán lại đạt từ 80-100%. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, giải trí... bật tăng mạnh sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Lực cầu tốt nhưng nguồn cung loại hình sản phẩm này lại khan hiếm. Tại TP HCM, từ quý IV/2021 đến nay, giỏ hàng shophouse giảm 85% so với cùng kỳ và dự kiến vẫn sẽ duy trì ở mức thấp cho đến đầu 2023 do ảnh hưởng chung của việc cấp phép dự án mới.

Cũng theo Batdongsan.com.vn, nguồn cung nhà phố thương mại đầu năm 2022 chủ yếu tập trung ở khu đông. Giá bán trung bình từ 150 triệu đồng mỗi m2, một số dự án có mức giá 40-50 tỷ mỗi căn shophouse.

Giới kinh doanh bất động sản nhìn nhận, loại hình shophouse chỉ thực sự tiềm năng khi đáp ứng được các yếu tố bao gồm kết nối thông suốt, mật độ dân cư đông và khả năng liên kết với thương mại khu vực lân cận... Do đó, những shophouse nằm trong các khu đô thị quy hoạch bài bản và đã đi vào vận hành luôn ghi nhận hấp lực tốt đối với thị trường.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới