Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 7/6
NHNH khẳng định không "siết" tín dụng nhưng tại sao vay mua nhà vẫn khó?; Khi nào giá bất động sản sẽ hạ?; Phát hiện hàng loạt sai phạm trong quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị tại Hà Nội… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay, 7/6.
NHNH khẳng định không "siết" tín dụng nhưng tại sao vay mua nhà vẫn khó?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định vẫn khuyến khích nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chỉ kiểm soát chặt việc cấp vốn cho các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng thực tế phân khúc được rộng cửa cho vay hầu như không có cung mới, trong khi phần lớn nguồn hàng đang có trên thị trường đều thuộc "lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 chiều ngày 4/6, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN chưa có văn bản nào nói "siết", hay "thắt" tín dụng với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Vị này nhấn mạnh thêm, NHNN khuyến khích tín dụng vào nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Mặc dù lãnh đạo NHNN khẳng định không "siết" tín dụng cho lĩnh vực BĐS nhưng thực tế việc vay vốn mua nhà tại thời điểm hiện tại đang rất khó khăn. Khảo sát tại một số ngân hàng thương mại hiện nay, việc vay vốn mua BĐS đang chậm hẳn. Lý do là phân khúc duy nhất được "rộng cửa" cho vay là nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thì hầu như không có cung mới.
Thực tế, 2 năm trở lại đây, nhà thương mại giá rẻ gần như "biến mất" tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, tại Hà Nội, căn hộ bình dân quanh ngưỡng 20 triệu đồng/m2 đã hoàn toàn "mất tích" khỏi nguồn cung mới vòng gần 2 năm trở lại đây khi không có bất kỳ dự án mới nào được mở bán ra.
Còn tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) khẳng định, nhà ở vừa túi tiền không còn tồn tại ở TP.HCM. Số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho thấy, năm 2021 không có bất kỳ sản phẩm căn hộ phân khúc bình dân nào được đưa ra thị trường. Tỷ lệ này trong năm 2020 là 1%.
Khi nào giá BĐS sẽ hạ?
Các chuyên gia nhận định, giá BĐS trong năm 2022 khó có thể tiếp tục tăng. Ngược lại, sau thời gian chững vì thanh khoản thấp, giá BĐS sẽ buộc phải dần hạ trong thời gian tới.
"Giá bất động sản tăng", đó là ghi nhận của hàng loạt tổ chức nghiên cứu thị trường BĐS về diễn biến chủ đạo của thị trường địa ốc trong nhiều năm qua.
Mới đây, tại Hội thảo chuyên đề "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản" diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 ngày 5/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá BĐS, nhà ở, đất nền liên tục tăng. Trong năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Tài chính lý giải, việc tăng giá trên thị trường BĐS được cho là do yếu tố cung cầu, nguồn cung của thị trường chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến giá nhà tăng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng giá nhà ở là do đầu cơ, tích trữ của một bộ phận nhà đầu tư.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, giá BĐS đang ở đỉnh và có tín hiệu chững lại trong một thời gian qua do thanh khoản thấp.
Theo chuyên gia Trần Khánh Quang, giao dịch có giá trị lớn hàng chục tỷ khan hiếm trên thị trường. Thị trường thực tế khó khăn từ trước song vẫn là diễn biến ngầm do chủ đầu tư quảng cáo, đẩy thị trường lên.
Phát hiện hàng loạt sai phạm trong quy hoạch, đầu tư xây dựng đô thị tại Hà Nội
Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 về việc thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Khu đô thị (KĐT) Trung Hòa – Nhân Chính.
Trong Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022, Thanh tra Bộ Xây dựng đã “điểm mặt” các chủ đầu tư, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, KĐT Trung Hòa – Nhân Chính. Qua kiểm tra, thanh tra, đã phát hiện 19 dự án, công trình và 1 khu nhà ở thấp tầng tồn tại vi phạm.
Cụ thể, 16 dự án và 1 công trình nhà thấp tầng nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân bị “điểm mặt” trong kết luận thanh tra bao gồm: Dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng Công ty CP Thành An – Công ty TNHH MTV là chủ đầu tư; Dự án Khu hỗn hợp văn phòng cho thuê – nhà ở tại ô đất 3/10-NO do liên danh Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Công ty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội là chủ đầu tư; Dự án Bãi đỗ xe, trạm cung cấp nhiên liệu, cây xanh đô thị và dịch vụ công cộng do Công ty TNHH du lịch và thương mại sông Hồng làm chủ đầu tư;
Dự án Bãi đỗ xe và khu dịch vụ của Công ty TNHH Phương Đông; Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC của Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội; Trường mầm non công lập tại ô đất 3.10-NO phuờng Nhân Chính của UBND quận Thanh Xuân; Dự án tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở tại ô đất 4.5-NO của Công ty CP phát triển đầu tư Hà Nội - Sunrise; Dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê số 19 Lê Văn Lương của Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai;
Dự án công trình khu nhà ở cán bộ nhân viên Ban cơ yếu Chính phủ tại khu đất đơn vị M2 đường Khuất Duy Tiến do Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư; Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp với văn phòng và siêu thị tại ô đất 2.5HH Lê Văn Thiêm của Công ty CP phát triển thương mại Việt Nam; Khu nhà ở thấp tầng tại ô đất N10.4, N10.5, N10.6 QHCT tỷ lệ 1/500 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương…
BĐStăng giá nhưng sức mua giảm
Mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua và đang trong thời kỳ phục hồi, nhưng giá các phân khúc BĐS vẫn liên tục tăng. Năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%, giá đất nền tăng 20-30% so với cuối năm 2020 và trong 5 tháng qua, giá BĐS vẫn tiếp tục tăng.
Theo rà soát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, giá BĐS liên tục tăng thời gian qua do tốc độ đô thị hóa nhanh tại các địa phương dẫn dắt quá trình tăng giá. Cộng với kỳ vọng vào gói kích cầu của Chính phủ, khiến thị trường nhà đất nhiều nơi thiết lập mặt bằng giá mới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những biến động về giá cả vật liệu đầu vào đã và đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của những nhà thầu xây dựng và điều này cũng đẩy giá bán BĐS tăng cao, nhưng thanh khoản lại tỷ lệ nghịch. Đơn cử, 4 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ tiếp tục có xu hướng tăng 2 - 3%, nhưng lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 45% so với quý IV/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Do vậy, nếu không kiểm soát, thị trường dễ xảy ra bong bóng BĐS.
Trước thực tế trên, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đánh giá vai trò của thị trường BĐS, để lĩnh vực này luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tạo ra nguồn lực đầu tư phát triển trong dài hạn; đồng thời, giám sát để thị trường BĐS phát triển bền vững, hạn chế tình trạng đầu cơ, phát triển thiếu quy hoạch, tạo sốt đất ảo...
Bùi Hằng