Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/6
"Lướt sóng" nhà xây sẵn trong ngõ, nhà đầu cơ "ôm bom"; Điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ; Hơn 2,2 triệu tỷ cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ mối nguy cơ… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay, 6/6.
"Lướt sóng" nhà xây sẵn trong ngõ, nhà đầu cơ "ôm bom"
Không ít nhà đầu tư xác định "lướt sóng" nhà xây sẵn trong ngõ nhưng bị cuốn theo giá "ảo", giờ phải "ôm hận" vì bán cắt lỗ cũng không ai mua.
Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư nhà đất, nhưng anh T.H.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn không thoát cảnh "ôm bom" nhà xây sẵn trong ngõ. Đang cần bán nhanh căn nhà để thu hồi vốn nhưng nhiều tháng nay anh vẫn không bán được.
Theo anh H., căn nhà anh đang muốn bán có diện tích 40 m2, xây 5 tầng 1 tum đang được rao bán với giá 4,2 tỷ đồng. "Giá bán căn nhà này đã thấp hơn 300 triệu đồng so với mua vào nhưng do đang cần giải quyết sớm khoản vay ngân hàng, tôi chấp nhận bán lỗ căn nhà này", anh H., nói.
Anh H. thừa nhận, lý do khiến anh gặp khó khăn là lựa chọn thời điểm "chốt" giao dịch chuyển nhượng đúng lúc thị trường sôi động và bị cuốn theo giá "ảo". "Lúc mua mình tự tin vì có nhiều yếu tố có thể "lướt sóng" tốt, bởi vị trí căn nhà gần đường lớn, ngõ vào nhà ô tô cũng đi được. Nhưng khi thị trường trầm lắng, căn nhà khó bán được giá như mua vào và để chờ tăng giá cũng nhiều rủi ro như "ôm bom"", anh H. chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, nhiều người đổ vào đầu tư vào một ngành thì giá tăng. Tuy nhiên, theo quy luật cung cầu khi cung tăng cao nhưng cầu không có thì buộc giảm giá. Thị trường hiện tại đã đẩy cung ảo tăng lên nhiều lần so với nhu cầu thực sự của người đang mua bất động sản.
Điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có đề cập đến điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ.
Theo đó, điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ gồm: Phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Khu công nghiệp nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh; Thời gian hoạt động từ ngày khu công nghiệp được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc 1/2 thời hạn hoạt động của khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, phải có sự đồng thuận của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và trên 2/3 số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại khu vực dự kiến chuyển đổi, trừ các trường hợp: Dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án đầu tư không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự; dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Có hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường. Việc chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ được thực hiện đối với một phần hoặc toàn bộ diện tích khu công nghiệp...
Đáng chú ý, sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần diện tích của khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ thì chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hơn 2,2 triệu tỷ cho vay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ mối nguy cơ
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV gửi các Đại biểu Quốc hội.
Tại báo cáo này, Ngân hàng Nhà nước làm rõ việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Cập nhật tình hình cho vay của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết: Đến tháng 4/2022, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế, dư nợ chủ yếu là ngắn hạn (chiếm 98%); tập trung phần lớn vào dư nợ để đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Tổng số dư đầu tư Trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4/2022 là 320,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng (2,86%) cho thấy hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng vẫn được kiểm soát.
Nhằm kiểm soát rủi ro liên quan đến chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Ngân hàng Nhà nước cho biết từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý với các quy định theo hướng chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu của TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống. Theo đó, khi phát hành trái phiếu, TCTD phải tuân thủ các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán như đối với các doanh nghiệp khác; đồng thời phải tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định.
Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán và đầu tư TPDN của các TCTD nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro để có các biện pháp xử lý phù hợp.
Xuất hiện tình trạng nhà đầu tư chuyên phân lô bán nền gồng nợ lớn
Theo khảo sát, thị trường bất động sản đã bắt đầu ghi nhận hiện tượng một số nhà đầu tư rơi vào tình cảnh áp lực trả nợ lãi.
Một giám đốc sàn bất động sản ở Hà Nội (xin giấu tên) kể lại, một người bạn của ông tên V. là nhà đầu tư đến từ Vĩnh Phúc, đã có tới 7 năm trong kinh doanh bất động sản. Nhà đầu tư V. thường ôm lô đất lớn và tiến hành phân lô. Thông thường, ngoài vay ngân hàng, V. thường huy động vốn từ những khách hàng quen biết hoặc người thân theo hình thức chung vốn đầu tư. Số tiền lãi nhận được khoảng 10-20% cho một thương vụ thành công. Trước đó, đa phần các thương vụ mà anh V. huy động vốn mua đất đều thành công.
Tới năm 2021, anh V. ôm hơn 100 tỷ từ các khách hàng quen biết để mua đất, tính tới phân lô bán nền. Tuy nhiên, vụ việc không thành công do chính sách hạn chế phân lô đất nền. Một số lô đất khác của anh V. rơi vào tình trạng khó thanh khoản khiến nhà đầu tư này phá sản. Vị giám đốc sàn bất động sản ở Hà Nội chia sẻ thêm, do bị đòi nợ gắt, nên anh V. hiện không về nhà.
Trước vấn đề của thị trường đang xảy ra nghịch lý, giá tăng nhưng thanh khoản kém, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định thị trường vẫn có thể phát triển ổn định, không bị phình to hay đổ vỡ hàng loạt như thời kỳ trước đây. Tất nhiên, sự thổi giá hay gia tăng khoảng cách giữa giá thực và giá ảo, những cơn sốt đất cục bộ vẫn sẽ có trong từng giai đoạn nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều tới phông nền chung của thị trường.
Bùi Hằng