Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 15/6
Thủ phủ phân lô, bán nền “nóng” trở lại; Liệu có mua được bất động sản giá rẻ tại thời điểm này?; "Xả" đất nền, nhà đầu tư đổ xô "lướt sóng" căn hộ vùng ven… là tin BĐS nổi bật trong ngày 15/6.
Thủ phủ phân lô, bán nền “nóng” trở lại
Sau khi có thông tin về việc Đại học Quốc gia sẽ chuyển trụ sở về Hòa Lạc (Thạch Thất), bất động sản khu vực này lại “nóng” và được kỳ vọng sẽ thúc đất được hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, việc kích hoạt không thể trong ngày một, ngày hai.
Trong khi thị trường bất động sản được nhận định đang hạ nhiệt do tác động của nhiều chính sách hạn chế tách thửa, phân lô, kiểm soát tín dụng,... thì đất ven trụ sở mới của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hoà Lạc (Thạch Thất) lại "nổi sóng" sau khi đơn vị này chính thức có thông báo chuyển trụ sở từ Hà Nội về đây.
Theo khảo sát, giá đất các xã xung quanh như Hoà Thạch, Tiến Xuân, Bình Yên chỉ loanh quanh khoảng trên dưới 15 triệu đồng/m2 và đang có xu hướng giảm do vắng khách. Thì những lô đất quanh Đại học Quốc gia Hà Nội lại "nóng".
Đơn cử, lô đất tái định cư Đại học Quốc Gia, diện tích 100m2, thổ cư 100%, lòng đường 8m, vỉa hè 4m, cách quốc lộ 21 và chợ Hòa Lạc 300m chào bán 35 triệu đồng/m2.
Một lô đất khác có diện tích 100m2, nằm ở vị trí xấu hơn, có mặt tiền 5m, đấu lưng đường đôi khu tái định cư Đại học Quốc gia Hà Nội chào bán 31,5 triệu đồng/m2.
Người bán chào mời kèm mục đích sử dụng đất, gắn với các dịch vụ phục vụ, thương mại gắn với sinh viên như: Làm phòng trọ, chung cư mini, cafe, karaoke, nhà hàng,...
Anh Tuấn Hà, môi giới tại khu vực này cho biết, hiện nay giá đất xung quanh Đại học Quốc gia Hà Nội trụ sở Hòa Lạc giá bán khá cao. Năm 2021, giá bán chỉ loanh quanh khoảng hơn 20 triệu đồng/m2 thì nay đã lên đến 30 - 35 triệu đồng/m2. Thậm chí, có những lô đất đã chạm 40 triệu đồng/m2.
Liệu có mua được bất động sản giá rẻ tại thời điểm này?
Tâm lý giữ hàng để chờ tăng giá đã không còn khi thị trường xuất hiện dấu hiệu cục bộ. Một số nhà đầu tư bắt đầu bán tháo. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương.
Cơn sốt đất ở một huyện tỉnh Hải Dương điển hình như tại Bình Giang nhanh chóng nguội lạnh. Giá đất tăng quá cao trong thời gian dài đã hút lượng lớn nhà đầu tư tới. Trước đó, thông tin dự án đổ bộ liên tục như trục đường Đông -Tây, trục Bắc – Nam, đường kết nối cao tốc Hải Nội – Hải Phòng – Hạ Long. Hiện tượng nhà đầu tư bỏ cọc đã xuất hiện. Theo anh T. (môi giới khu vực này), nhà đầu tư bỏ cọc vì giá đã quá cao.
Tình trạng bán tháo cũng bắt đầu xuất hiện cục bộ tại một số khu vực từng sốt nóng như ở Việt Yên (Bắc Giang), Sầm Sơn (Thanh Hoá). Hiện tượng giảm giá không ghi nhận trên thông tin rao bán nhưng thực tế nhiều bên bán đang ngầm thỏa thuận cắt lỗ 5-10% để đẩy nhanh tiến độ giao dịch.
Một số nhà đầu tư cho biết, lý do khiến xuất hiện tình trạng bán tháo cục bộ do nhà đầu tư này mua phải "hàng xấu" hoặc đang rơi vào tình trạng kẹt tiền. Quan trọng nhất, họ không nhìn thấy tương lai tăng giá quá tốt từ vị trí lô đất mà họ xuống tiền. Ví dụ, đợi 5 năm, họ thấy quá dài. Nhưng trong vòng 1-2 năm, khả năng tăng giá không có do họ vào tiền vào thời điểm giá quá cao. Mặt khác, họ dự cảm không tốt về diễn biến tương lai của thị trường. Đây là lý do khiến nhà đầu tư chấp nhận báo tháo để bảo toàn nguồn vốn.
"Tình trạng bán tháo chỉ xảy ra khu vực từng tăng giá quá nóng, trong thời gian ngắn. Việc mua bất động sản khi sốt đất thường khiến nhà đầu tư đưa ra quyết định sai lầm, lựa chọn lô đất thiếu tiềm năng tăng giá. Với sản phẩm không phù hợp, nhà đầu tư buộc phải đẩy", ông Minh (Thanh Hoá) cho hay.
Tăng liên tục, giá bất động sản đã đến thời điểm "khựng lại"
Sau thời gian bất động sản liên tục “nóng” cục bộ, nhiều địa phương chính quyền phải vào cuộc để bình ổn. Đến nay, chuyên gia cho rằng, bất động sản đã bước vào giai đoạn hạ nhiệt nhưng giá vẫn cao.
Thời gian qua, hàng loạt “cơn sốt” đất nở rộ ở nhiều khu vực, thậm chí đã lan rộng tới nhiều vùng nông thôn, vùng núi xưa nay vốn yên bình. Sự xuất hiện của các đầu cơ bất động sản khiến giao dịch làng trên xóm dưới cũng trở nên nhộn nhịp, kéo theo giá đất liên tục “nhảy múa”.
Nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, Kom Tum... đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị chuyên môn tại địa bàn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân về những chiêu trò “thổi” giá đất của giới đầu cơ, "cò" đất không chuyên nghiệp nhằm trục lợi cá nhân.
Đến nay, sốt đất đã hạ nhiệt ở nhiều nơi. Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi một số khu vực, đặc biệt là phân khúc đất nền tại một số khu vực dự kiến lên quận, sáp nhập hoặc có hệ thống hạ tầng giao thông chạy qua... tăng giá đột biến. Ngoài ra, giá nhà chung cư tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ có nơi tăng 30%.
Theo vị này, giá bất động sản tăng cao có nhiều nguyên nhân, một phần do nguồn cung hạn chế, tín dụng điều chỉnh chưa tốt, thông tin về thị trường chưa kịp thời, chặt chẽ, chính xác, nên có hiện tượng lợi dụng thông tin để nâng giá thổi giá.
"Xả" đất nền, nhà đầu tư đổ xô "lướt sóng" căn hộ vùng ven
Khi thị trường đất nền có dấu hiệu chững lại ở nhiều nơi từng "sốt nóng", nhà đầu tư chuyển hướng sang "lướt sóng" căn hộ vùng ven.
"Thoát" sớm được 2 lô đất nền ở Thanh Hóa, anh Nguyễn Văn Thắng (ở Hà Nội) đã chuyển hướng sang đầu tư căn hộ chung cư. Với số tiền khoảng hơn 2 tỷ đồng, sản phẩm căn hộ được anh Thắng hướng tới nằm ở vùng ven trung tâm, có giá hợp lý.
Chia sẻ về lý do chọn căn hộ vùng ven, anh Thắng cho rằng sản phẩm này có nhu cầu thực cao. Bên cạnh đó, giá căn hộ liên tục tăng do nguồn cung khan hiếm.
"Giá bất động sản tăng trong những năm gần đây. Trong đó, giá căn hộ chung cư ở các huyện ven trung tâm như Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức… tăng nhưng ở mức phù hợp với túi tiền của nhiều người, dễ thanh khoản. Những yếu tố này sẽ là cơ hội đầu tư ngắn hạn tốt", anh Thắng nói.
Đồng ý về cơ hội đầu tư căn hộ vùng ven, chị Nguyễn Thúy Hạnh (ở Hà Nội) cho rằng, giá căn hộ chung cư tăng không "nóng" như đất nền, nhưng tăng giá ổn định hơn 2 năm qua. Đáng chú ý, nguồn cung căn hộ phân khúc bình dân thiếu hụt, do đó giá được kỳ vọng tăng.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư khác cho rằng, ngoài yếu tố tăng giá trong tương lai, thị trường căn hộ chung cư hấp dẫn là do các chính sách chiết khấu, hỗ trợ khoản vay lãi suất ngân hàng. Đơn cử, một số căn hộ có giá khoảng 1,7-2,5 tỷ đồng, nhưng nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng, còn lại ngân hàng giải ngân.
"Một số dự án chung cư ở huyện Thanh Trì hay quận Long Biên sắp bàn giao, nhà đầu tư chỉ bỏ ra 30-40% giá trị căn hộ, số tiền còn lại ngân hàng cho vay với lãi suất 0% trong vòng 12 tháng", chị Hạnh dẫn chứng và cho rằng đây là cơ hội đầu tư ngắn hạn.
Bùi Hằng