Thứ sáu, 26/04/2024 22:55 (GMT+7)
Thứ năm, 26/09/2019 09:00 (GMT+7)

Di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô: Bây giờ hay bao giờ...?

Theo dõi KTMT trên

Chủ trương di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô Hà Nội đã có từ hơn chục năm nay nhưng chưa được ráo riết thực hiện. Những nguy cơ ô nhiễm, áp lực lên đô thị đã được cảnh báo và tính toán rõ ràng, nay càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết qua “thảm họa” vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông).

Dân thủ đô thấp thỏm sống trong vùng ô nhiễm

Đám cháy nhà kho Công ty Rạng Đông (Số 87 - 89 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bùng phát lúc 18h ngày 28/8, kéo dài suốt 5 tiếng đồng hồ, khiến nhiều máy móc, nguyên phụ liệu, hàng hoá bị thiêu rụi, hàng trăm m2 trong tổng diện tích 6.000 m2 nhà kho bị sập.

Ngày 4/9, tại buổi Họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Võ Tuấn Nhân cho biết, nồng độ thủy ngân quan trắc được ở một số điểm trong nhà máy Công ty Rạng Đông và khu vực xung quanh, vượt ngưỡng an toàn từ 10 đến 30 lần.

Di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô: Bây giờ hay bao giờ...? - Ảnh 1
Cần sớm di dời các nhà máy sản xuất có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi nội đô để đảm bảo cuộc sống của nhân dân. Ảnh: Đức Giang

Ông Nhân còn cho biết lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường trong vụ cháy có thể lên đến 27,2 kg và bán kính ảnh hưởng là 500m tính từ hàng rào Công ty Rạng Đông.

Đến ngày 8/9, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT cho biết, Công ty Rạng Đông đã thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam như đã báo cáo. Hầu hết thuỷ ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy.

Theo ghi nhận, xung quanh khu vực nhà máy Rạng Đông, nhiều ngôi nhà khóa cửa, nhiều cửa hàng ngừng hoạt động vì không còn khách. Hàng trăm hộ dân đã gấp rút di dời vì lo ngại ảnh hưởng sức khỏe.

Ngày 9/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội phối hợp với Bộ TN&MT khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy. Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội chú trọng thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố cháy, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường. Đồng thời,TP Hà Nội chịu trách nhiệm điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy, nổ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, phát biểu trước các đại biểu và chuyên gia quốc tế tại hội thảo về sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, vụ cháy ở Công ty Rạng Đông là “sự cố hóa chất dẫn tới sự cố môi trường. Sự cố này ở mức độ cơ sở, chủ nhà máy và địa phương trực tiếp ứng phó. Tại thời điểm xảy ra cháy có ô nhiễm ngoài phạm vi nhà máy, nhưng chủ yếu là ô nhiễm cục bộ trong khu nhà máy. Từ ngày 30/8 trở đi, chất lượng không khí tốt hơn. Hiện tại, các thông số quan trắc về chất lượng không khí, môi trường chỉ ra đã an toàn, hiện nay không còn ảnh hưởng rộng ra xung quanh”. Lãnh đạo Bộ TN&MT nhấn mạnh kết quả trên để người dân hoàn toàn yên tâm.

Số lượng vật liệu tàn dư của vụ cháy phải được xử lý theo quy định về chất thải nguy hại, hiện các cơ quan chức năng đã tiến hành cô lập, tẩy độc những khu vực đã được cảnh báo trong đó, các chuyên gia Nhật Bản cũng được mời cùng xem xét, đánh giá và đưa ra những phương án xử lý.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các thông tin về vụ cháy ở Công ty Rạng Đông đã được lãnh đạo Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm đầu mối cung cấp thông tin.

Di dời các cơ sở ô nhiễm: Bây giờ hay bao giờ...?

Đến nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, đánh giá tác động môi trường và đưa ra kết quả không quá lo ngại về nguy cơ ô nhiễm. Tuy nhiên có thể thấy rằng, suốt nhiều ngày qua, cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân xung quanh nhà máy đã có xáo trộn không hề nhẹ. Không ít hoang mang, lo lắng, thậm chí nhiều người đã “tháo chạy” trước để cứu mình trong khi chờ đợi kết quả đánh giá mức độ ô nhiễm từ các cơ quan chức năng. Đó là hệ quả đáng lo ngại từ một vụ cháy nhà máy sản xuất.

Di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô: Bây giờ hay bao giờ...? - Ảnh 2
Hiện nay, tiến độ di dời các cơ sở sản xuất nghiệp ra khỏi nội đô, đang diễn ra quá chậm chạp. Ảnh minh họa

Sau vụ việc này, các chuyên gia môi trường khi được hỏi đều cho rằng, TP Hà Nội cần sớm điều tra, đánh giá cụ thể, chính xác tất cả hoạt động của các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm trong nội thành. Nếu cơ sở nào sử dụng những nguyên vật liệu nguy hại, có nguồn thải gây ô nhiễm, nguy cơ cháy nổ cao… phải có giải pháp khẩn cấp di dời.

Thực tế, chủ trương di dời đã được đặt ra từ năm 2008 và đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định giao UBND TP Hà Nội lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành.

Tháng 4/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định nhằm kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 116 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Ngoài ra, thành phố giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất này. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ di dời các cơ sở sản xuất diễn ra quá chậm chạp.

Số liệu báo cáo của UBND Hà Nội gửi Bộ Xây dựng vào tháng 6/2019 cho biết, hiện có 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại với diện tích hơn 102ha; 27 cơ sở đã được chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 38,6ha.

Báo cáo gửi các cơ quan Trung ương, UBND Hà Nội cho rằng, công tác di dời các cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm còn chậm, manh mún do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về: Tài chính, cơ chế, chính sách hỗ trợ, hình thức di dời, việc bàn giao lại quỹ đất sau di dời cho thành phố.

Trước vấn đề này, ông Trần Thế Loãn - Nguyên Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm nhận định: Di dời cơ sở sản xuất là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp, nhất là đối với vụ Công ty Rạng Đông. Về lâu dài, thì phương án tốt nhất để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm do nhà máy và những cơ sở tương tự vẫn là di dời khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, việc cần làm ngay là khắc phục tình trạng ô nhiễm thì UBND TP Hà Nội đã chỉ định Công ty Rạng Đông mời Bộ Tư lệnh Hóa Học vào cuộc xử lý, các đơn vị liên quan sẽ có đề án chi tiết nêu phương án giải quyết.

Việc xử lý ô nhiễm cũng cần thời gian chứ khó lòng ráo riết ngay lập tức. Ngoài ra, nguồn kinh phí để xử lý ô nhiễm cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu cho phép việc khắc phục ô nhiễm.

Ông Đặng Văn Lợi - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, phải di dời cơ sở sản xuất này khỏi khu vực nội thành, chọn địa điểm phù hợp và có giải pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố rủi ro hoá chất, cháy nổ trước khi xây dựng và hoạt động.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội - KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng của TP Hà Nội, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành trung ương.

Được biết, lãnh đạo Công ty Rạng Đông đã có kế hoạch di dời sang Quế Võ (Bắc Ninh), đồng thời đã đã mua thêm đất ở khu vực xây dựng nhà máy, cũng như thuê một đơn vị thiết kế chi tiết toàn bộ nhà máy ở khu vực này. Đại hội cổ đông của Công ty Rạng Đông hồi tháng 5 vừa qua cũng đã chuẩn y kinh phí, tiến độ di dời nhà máy sang Bắc Ninh, từ nay đến năm 2022 phải hoàn thành tiến độ.

Khẩn trương di dời Nhà máy của Công ty Rạng Đông

Ngày 10/9, trong chỉ đạo mới nhất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Công an TP khẩn trương bàn giao hiện trường vụ cháy cho Công ty Rạng Đông để tiến hành ngay việc thu gom, xử lý toàn bộ chất thải do vụ cháy để lại theo đúng quy trình, quy định hiện hành; Tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; Đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Quỳnh Anh

Bạn đang đọc bài viết Di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô: Bây giờ hay bao giờ...?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới