Thứ năm, 25/04/2024 15:21 (GMT+7)
Thứ năm, 02/12/2021 07:00 (GMT+7)

Đền bù carbon - Kế hoạch 'vung tiền' của các tỉ phú thế giới

Theo dõi KTMT trên

Thế giới đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh nhiều quốc gia cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chiến lược đền bù carbon trở thành biện pháp then chốt được đẩy mạnh nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Công cụ dành cho người giàu chống lại biến đổi khí hậu

Theo các nhà khoa học, sự đền bù carbon (Carbon offset) được hiểu đơn giản là việc cân bằng lượng khí thải carbon tạo ra bằng cách tài trợ cho các dự án môi trường làm giảm khí nhà kính trong khí quyển.

Theo đó, 1 tín chỉ carbon tương ứng với 1 tấn nhiên liệu carbon hoặc 1 tấn các khí nhà kính khác được loại bỏ ra khỏi không khí. Các dự án năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả được xem là lợi thế của các nước phát triển nhằm tạo ra các tín chỉ carbon có chất lượng cao. Trong khi đó đây là cơ hội cho các nước đang phát triển tận dụng lợi thế của mình trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp để chung tay vào việc giảm phát thải trên toàn cầu. Đây là giải pháp 2 bên cùng có lợi vì các nước phát triển sẽ đạt được mục tiêu giảm khí thải của mình.

Đối với nước đang phát triển, đây là cơ hội để phát triển bền vững, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường cho các nước đang phát triển và cho cả thế giới. Còn đối với các nước phát triển, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển công nghệ giúp cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả, và đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn, sự đền bù carbon sẽ là cơ sở cho các chính phủ triển khai các chương trình thuế carbon sau này.

Đền bù carbon - Kế hoạch 'vung tiền' của các tỉ phú thế giới - Ảnh 1
Bù đắp carbon là là cơ hội để phát triển bền vững, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường cho các nước đang phát triển. (Ảnh CNN)

Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), một chiếc ô tô đi từ San Francisco đến Atlanta (Mỹ) với khoảng cách gần 2.500 dặm sẽ tạo ra khoảng 1 tấn CO2 và trung bình một xe chở khách sẽ tạo ra khoảng 5 tấn CO2 mỗi năm.

Các công ty hoặc Chính phủ có thể mua bù đắp carbon để cân bằng lượng khí thải tạo ra từ quá trình sản xuất ở nhà máy. Còn cá nhân thường chi trả để bù đắp lượng carbon được tạo ra từ quá trình lái xe ô tô hoặc đi máy bay. Bạn có thể mua những khoản tín dụng này từ những công ty và các chương trình trồng cây; Tài trợ cho các dự án sản xuất năng lượng tái tạo, hoặc thậm chí từ những nông dân đang cố gắng hạn chế hoặc thu lại lượng khí thải metan từ hoạt động chăn nuôi.

Trên thực tế, các kế hoạch đền bù carbon đã được triển khai từ những năm 1980 của thế kỉ trước, bao gồm việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, hoặc các "bể chứa" carbon tự nhiên như rừng ngập mặn và trồng cây để hấp thụ và lưu trữ CO2. Nỗ lực cắt giảm khí thải của các doanh nghiệp có thể được quy đổi ra tín chỉ carbon, thông qua thị trường carbon chính thống hoặc tự nguyện.

Theo một nghiên cứu của Bank of America được công bố vào tháng 9 vừa rồi, mức đền bù carbon thường có chi phí từ 2-20 USD cho mỗi tấn khí thải được loại bỏ. Tuy nhiên, vào năm 2019, báo cáo của tổ chức ProPublica đã phát hiện nhiều trường hợp các công ty, tổ chức bán các khoản tín dụng đền bù carbon nhưng lại không thực hiện thu gom khí thải như cam kết.

Trong khi đó, bang California (Mỹ) đang cố gắng đền bù lượng khí thải carbon bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào việc trồng rừng. Đây là một phần trong nỗ lực để đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2045.

Các tỉ phú thế giới chi “mạnh tay” để đền bù carbon

Việc đền bù carbon đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là khi các tổ chức và Chính phủ đồng loạt cam kết cắt giảm lượng khí thải, tiến tới trung hòa CO2. Theo ước tính của Viện Tài chính Toàn cầu, chi tiêu toàn cầu để đền bù carbon có thể tăng từ mức khoảng 300 triệu USD vào năm 2018 lên hơn 100 tỉ USD vào năm 2030.

Đền bù carbon - Kế hoạch 'vung tiền' của các tỉ phú thế giới - Ảnh 2

Đầu tiên là Bill Gates, người thẳng thắn ủng hộ việc đấu tranh chống BĐKH. Trong cuốn "How to Avoid a Climate Disaster" xuất bản năm 2021, Gates viết rằng ông trung hòa lượng khí thải (không tính hoạt động hàng không) của mình bằng cách "mua đền bù carbon thông qua một công ty vận hành một cơ sở loại bỏ CO2 khỏi không khí".

Bill Gates chi khoảng 5 triệu USD mỗi năm để bù đắp cho lượng khí thải carbon của gia đình mình. Ông không nói chính xác số tiền này được sử dụng vào đâu nhưng đã đầu tư cho nhiều công ty cung cấp đền bù carbon, bao gồm startup Carbon Engineering (Canada) và công ty Carbfix (Iceland).

Carbon Engineering sử dụng quá trình "thu giữ không khí trực tiếp" để tách CO2 khỏi không khí và lưu trữ một cách an toàn. Trong khi đó, Carbfix hút CO2 từ các nhà máy điện và bảo quản trong đá núi lửa.

Ngày 2/11 mới đây, phát ngôn viên của Quỹ Trái Đất Bezos cho biết, Jeff Bezos cũng sẽ "bù đắp cho toàn bộ lượng khí thải carbon từ những chuyến bay của mình".

Cụ thể, Jeff Bezos của Amazon đã sử dụng chiếc máy bay phản lực Gulfstream trị giá 65 triệu USD của mình để di chuyển đến hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên Hợp Quốc (COP26). Tuy nhiên, điều này đã vấp phải nhiều sự chỉ trích vì tác động môi trường của máy bay tư nhân là quá lớn. Ước tính, số máy bay chở quan khách tới dự COP26 sẽ thải ra tổng cộng 13.000 tấn CO2. Song người phát ngôn của Quỹ Trái Đất Bezos tuyên bố rằng tỉ phú này sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững và sẽ bù đắp tất cả lượng khí thải carbon từ các chuyến bay của mình.

Bên cạnh đó, người sáng lập Amazon Jeff Bezos mới đây đã bán 2 tỉ USD cổ phiếu của tập đoàn để tài trợ cho việc khôi phục thiên nhiên và chuyển đổi hệ thống lương thực. Nguồn tài trợ sẽ đến từ Quỹ Trái Đất Bezos, đây chính là một phần trong cam kết 10 tỉ USD của tỉ phú chống lại BĐKH trong thập kỉ này.

"Mỗi năm, rừng và cảnh quan thiên nhiên hấp thụ 11 tỉ tấn CO2 từ khí quyển. Khi chúng ta phá hủy thiên nhiên, chúng ta cũng sẽ chịu tác động tương tự. Ở nhiều nơi trên thế giới, thiên nhiên đã chuyển từ bể chứa carbon thành nguồn phát thải carbon, đây là một mối nguy hiểm sâu sắc đối với tất cả chúng ta. Vì vậy nhân loại cần sát cánh cùng nhau để bảo vệ thế giới" - tỉ phú Jeff Bezos tuyên bố tại hội nghị COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh).

Tại hội nghị COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact). Theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của BĐKH. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỉ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Hiệp ước bao gồm một nội dung quan trọng, kêu gọi việc “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", đồng thời thừa nhận "sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”. Đây là được xem là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên Hợp Quốc.

Hiện tượng Trái Đất nóng lên là do lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch được con người sử dụng như than đá, dầu mỏ và khí đốt, gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng như sóng nhiệt, lũ lụt và cháy rừng. Thập kỉ qua là thời kỳ nóng nhất được ghi nhận trên toàn cầu và các quốc gia thống nhất rằng phải có hành động chung khẩn cấp nhằm ngăn chặn Trái Đất nóng lên.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đền bù carbon - Kế hoạch 'vung tiền' của các tỉ phú thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.