Kinh tế xanh nhìn từ thị trường tín chỉ carbon
Các chuyên gia nhận định, thị trường tín chỉ carbon sẽ là cú hích cần thiết để thúc đẩy những thực hành tốt trong bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế xanh.
Thị trường tín chỉ carbon trong cuộc chiến giảm khí thải của các quốc gia lớn
Tín chỉ carbon được hiểu đơn giản là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến 1 tấn CO2. Mục tiêu của tín chỉ carbon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Nguyên tắc cơ bản của thị trường trao đổi tín chỉ carbon (thị trường carbon) là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2019, nguồn thu từ thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới đã đạt mốc 45 tỉ USD.
Vận hành từ năm 2005, Liên minh châu Âu là thị trường thương mại phát thải quốc tế đầu tiên và tín chỉ carbon là một trong các công cụ chính sách quan trọng nhất của khu vực này, để ứng phó với BĐKH, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đây cũng là thị trường trao đổi phát thải carbon chính và lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn châu Âu và khoảng 3/4 thị trường phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Châu Âu là thị trường carbon lớn nhất trên thế giới, các doanh nghiệp châu Âu bị áp đặt trần phát thải và nếu phát thải vượt trần thì phải bỏ tiền ra mua hạn ngạch phát thải. Đòn bẩy kinh tế này đã thúc đẩy các doanh nghiệp giảm phát thải,và kết quả là so với cách đây 8 năm, phát thải khí nhà kính ở châu Âu đã giảm 26%, vượt xa mục tiêu 21% đưa ra hồi năm 2012. Lý do lượng phát thải ở châu Âu sụt giảm là sự bùng nổ chưa từng có về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời và một phần cũng do kinh tế giảm tốc, đặc biệt là từ khi có đại dịch.
Từ đầu năm nay, Ủy ban châu Âu hạ mức trần được phép phát thải xuống thấp hơn nữa, như vậy làm cho hạn ngạch dư thừa không còn dồi dào như trước, kéo giá mua bán hạn ngạch tăng lên. Một biện pháp khác đang được suy tính là bổ sung thêm một số lĩnh vực gây ô nhiễm vào thị trường carbon, ví dụ như ngành vận tải biển.
Một tín hiệu tích cực nữa đối với thị trường tín chỉ carbon, đó là Trung Quốc - quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, sẽ chính thức cho ra mắt thị trường mua bán tín chỉ carbon trong khuôn khổ nội địa, giữa các địa phương với nhau. Quốc gia này cam kết rằng sẽ đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã đưa ra các cam kết trong giảm phát thải trong kế hoạch chiến lược của mình, bắt đầu từ năm nay.
Tạo cơ sở cho việc hình thành thị trường tín chỉ carbon hoàn chỉnh ở Việt Nam
Nhiều năm nay, Việt Nam sản xuất được tín chỉ carbon và đã bán nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Trong khi đó, từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về BĐKH. Hơn nữa, phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Như vậy, doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, chắc chắn, chi phí không hề nhỏ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Phạm Văn Tấn, từ năm 2021, tất cả những doanh nghiệp phát thải lượng lớn carbon ở Việt Nam phải có trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính và sau đó cần có lộ trình để thực hiện giảm phát thải để chung tay thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải.
Vì vậy, để hình thành thị trường mua bán tín chỉ carbon hoàn chỉnh, trước hết, phải định giá carbon. Đây là điều kiện cần và đủ để nhà đầu tư và doanh nghiệp mua bán tín chỉ. Mặt khác, cần xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và ước tính phát thải cấp quốc gia, vùng, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp đó, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí xác định hạn mức phát thải khí nhà kính đối với từng ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất.
Ngoài ra, giới chuyên gia môi trường khuyến nghị, Chính phủ cần thắt chặt hơn công tác kêu gọi, thu hút đầu tư cũng như cải tiến công nghệ sản xuất vốn đã lạc hậu tại các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài và là nơi an toàn để dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gần đây nhất, tại sự kiện Công nghệ quốc gia Techfest 2020, Dự án Sàn Giao dịch Tín chỉ carbon chính thức ra mắt, hướng tới xây dựng một sàn giao dịch dựa trên công nghệ Blockchain 4.0 dành cho các loại hàng hóa đặc biệt như: tín chỉ carbon, chứng chỉ xanh, trái phiếu xanh. Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Nguyên Vũ Trung Kiên, đơn vị triển khai Dự án cho biết, việc công nhận tín chỉ carbon như một loại hàng hóa và tài sản là điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Theo ông Kiên, Dự án Sàn Giao dịch Tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ cải thiện vấn đề này trong thời gian tới. Dự kiến cuối năm 2021, Sàn sẽ bắt đầu thực hiện các giao dịch. Thời gian này, Công ty sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp thấy được lợi ích khi tham gia mua bán tín chỉ carbon cũng như cập nhật thông tin các bên đang tạo nguồn tín chỉ lên sàn và những giao dịch đã có. Công ty sẽ ưu tiên các tín chỉ đã có xác nhận của cơ quan nhà nước hoặc một tổ chức quốc tế. Có thị trường sẽ giúp tín chỉ của Việt Nam dễ trao đổi, mua bán hơn!
Cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển
Theo nhận định của GS Phạm Văn Ðiển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cơ hội tham gia thị trường carbon quốc tế của Việt Nam là rất lớn, vì Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực thi hành với sự cam kết mạnh mẽ và rất có trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, ông Ðiển nhìn nhận một trong những khó khăn hiện nay là quy định pháp lý về việc thương mại tín chỉ carbon rừng chưa đầy đủ, chưa cụ thể để hướng dẫn cho việc mua bán tín chỉ giảm phát thải. Cụ thể, Việt Nam còn thiếu một số quy định về hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống giám sát các cấp (quốc gia, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất) một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; Chưa rõ về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành, tiểu ngành; Thiếu hướng dẫn pháp lý bảo đảm việc mua bán tuân thủ và linh hoạt theo yêu cầu của từng thị trường khác nhau.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Nguyễn Tuấn Quang cho hay, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường carbon, các quy định về triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia dự án trao đổi tín chỉ carbon, tăng cường năng lực cho các bên tham gia; Điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường.
Theo đó, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Nếu được giá bán 5 USD/tín chỉ thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Lan Anh (T/h)