Thứ bảy, 27/04/2024 06:28 (GMT+7)
Thứ năm, 04/11/2021 12:00 (GMT+7)

Lượng khí thải carbon toàn cầu tăng mạnh trở lại gần mức trước đại dịch

Theo dõi KTMT trên

Lượng khí thải carbon đã tăng trở lại gần mức trước đại dịch, với lượng khí thải từ than và khí đốt tự nhiên tăng cao trong lĩnh vực sản xuất điện và công nghiệp ngay cả khi lượng khí thải từ hoạt động giao thông vận tải vẫn ở mức thấp.

Năm 2020, lượng khí thải CO2 đã giảm kỷ lục 1,9 tỉ tấn (5,4%) khi các quốc gia bị phong tỏa và các nền kinh tế ngừng hoạt động. Báo cáo mới do Dự án Carbon Toàn cầu thực hiện, dự báo lượng khí thải sẽ tăng 4,9% trong năm nay.

Trong số các nước phát thải lớn, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến ​​sẽ có lượng phát thải cao hơn vào năm 2021 so với năm 2019, trong khi Mỹ và châu Âu dự kiến ​​sẽ có lượng phát thải chậm hơn một chút.

Tuy nhiên, trong năm 2020 ở Trung Quốc với các khoản đầu tư để thúc đẩy phục hồi đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng lớn trong việc sử dụng than, ngay cả khi lượng khí thải ở các nước khác giảm xuống.

Lượng khí thải carbon toàn cầu tăng mạnh trở lại gần mức trước đại dịch - Ảnh 1
Các khoản đầu tư thúc đẩy phục hồi đại dịch đã dẫn đến sự gia tăng lớn trong việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu cũng dự báo tổng lượng khí thải toàn cầu trong năm nay lên tới 36,4 tỉ tấn CO2.

Báo cáo được đưa ra khi các nhà lãnh đạo toàn cầu họp tại một hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Scotland, nhằm cố gắng hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C và tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu. Để làm được điều này, các nhà khoa học cho biết, lượng khí thải CO2 phải đạt tới mức bằng không vào năm 2050.

Trên thực tế, tổng số cam kết toàn cầu để giảm phát thải không đạt được mục tiêu này. Các vụ cháy rừng, bão và lũ lụt đã trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng bị hạn chế trong nhiều thế kỷ tới.

Để đạt được mức phát thải ròng bằng không trong 3 thập kỷ tới, việc cắt giảm khí CO2 mạnh mẽ là cần thiết. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ở mức phát thải hiện tại sẽ chỉ mất 11 năm trước khi tỉ lệ duy trì mục tiêu nhiệt độ Trái Đất tăng lên 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris.

Theo đó, khí nhà kính tích tụ trong bầu khí quyển giống như màng chắn, giữ bức xạ có thể thoát ra ngoài không gian. Điều này khiến nhiệt độ trên Trái Đất tăng lên, có liên quan đến thời tiết khắc nghiệt hơn, băng tan và mực nước biển dâng cao. Và càng nhiều carbon thải vào khí quyển, hành tinh sẽ càng ấm lên. 

Jack O'Connor, nhà khoa học thuộc Đại học Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Những thảm họa thiên nhiên đang xảy ra trên khắp thế giới có mối liên hệ với nhau nhiều hơn những gì con người có thể nhận ra, và chúng cũng liên quan đến hành vi cá nhân. Hành động của chúng ta mang lại hậu quả cho tất cả mọi người trên thế giới”.

Theo ông O'Connor, việc cắt giảm phát thải các khí nhà kính có hại sẽ tác động tích cực đến kết quả của nhiều loại thiên tai khác nhau, ngăn chặn sự gia tăng hơn nữa tần suất và mức độ nghiêm trọng của các mối nguy hại, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lượng khí thải carbon toàn cầu tăng mạnh trở lại gần mức trước đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới