Thứ bảy, 20/04/2024 21:29 (GMT+7)
Thứ ba, 07/12/2021 08:00 (GMT+7)

Đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, TP.HCM quyết lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0, TP.HCM đề xuất với Chính phủ tăng vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tương ứng với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của thành phố.

Được biết tới là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, nhưng TP.HCM cũng là địa phương có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng nhất và thời gian giãn cách xã hội dài nhất trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua.

Đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, TP.HCM quyết lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế - Ảnh 1

Có thể nói, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người dân mà còn làm gián đoạn hoạt động kinh tế - xã hội và kéo lùi động lực tăng trưởng, khiến tăng trưởng GDP quý III/2021 của TP.HCM giảm kỉ lục -24,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng -44,8%, khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng -30,34% và khu vực dịch vụ tăng trưởng -19,95%.

Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy cuối năm 2021, GRDP của TP.HCM có khả năng rơi xuống mức -6,78% GDP so với mức tăng trưởng mục tiêu 6% đề ra.

Trong một khảo sát do Tổng cục Thống kê thực hiện hồi tháng 9/2021 cũng cho thấy 94,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát thừa nhận chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Riêng 19 tỉnh thành phía Nam - đặc biệt ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long bao gồm TP.HCM - số doanh nghiệp đối diện khó khăn đặc biệt lên tới 98,9%.

Quyết tâm lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế

Trong Tọa đàm cấp cao ở khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm thực tế ảo về Công nghiệp 4.0 diễn ra hôm 6/12, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay ngay sau Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thành phố đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, TP.HCM quyết lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế - Ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

“Cùng với xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp trong điều kiện bình thường mới, TP.HCM quyết tâm biến nguy thành cơ, gắn chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân và chiến lược an sinh xã hội”.

Theo đó, nội dung chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu từ nay đến hết năm 2022 tập trung khắc phục các hệ lụy, khôi phục gãy đổ của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường và phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời tạo công ăn việc làm, chăm lo đời sống an sinh xã hội và phát triển hoạt động văn hóa xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Giai đoạn hai từ năm 2023 đến 2025 và những năm tiếp theo, thành phố chủ trương tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song triển khai các giải pháp, chương trình đã được chuẩn bị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11. Mục tiêu giải quyết các điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.

Trong đó tập trung mọi nguồn lực phát huy các thế mạnh địa phương, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, trung tâm tài chính, trung tâm thương mại mua sắm, trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm du lịch, trung tâm đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục, trung tâm văn hóa của quốc gia và cả khu vực Đông Nam Á.

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số tạo đà tăng trưởng bền vững

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng tại phiên Tọa đàm cấp cao đã trình bày 7 nhóm giải pháp mà Đảng ủy UBND TP.HCM xây dựng để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025.

Nhóm giải pháp đầu tiên liên quan đến nâng cao chất lượng nền kinh tế, chọn lọc phân khúc tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị các ngành và lĩnh vực, gắn liền với phát triển khu trung tâm công nghệ cao dự kiến rộng 300 ha của thành phố.

Nhóm giải pháp thứ 2 tập trung thúc đẩy tái cấu trúc khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng giảm dần các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Khuyến khích doanh nghiệp từng bước đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất thông minh.

Cùng với đó thực hiện giải pháp thứ 3 về tổ chức thành công diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm sau với chủ đề “Chuyển đổi số, động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố hậu Covid-19”. Từ đó, thành phố xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới nổi trên nền tảng số.

Giải pháp tiếp theo chú trọng khai thác hiệu quả các quỹ đất, nguồn tài sản công để tạo thêm nguồn lực đầu tư phát triển đô thị và kinh tế.

Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh, thông qua chương trình kích cầu đầu tư và các hình thức triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp theo thẩm quyền của thành phố.

Mặt khác, TP.HCM dự kiến sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho nghiên cứu và phát triển, hướng đến nghiên cứu và ứng dụng.

Cuối cùng là giải pháp chú trọng công tác quy hoạch thành phố, quy hoạch cấu trúc không gian đô thị theo hướng đa trung tâm, hướng đến chuẩn mực toàn cầu.

Kiến nghị Chính phủ tăng vốn đầu tư công trung hạn, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Để tạo động lực cho chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế, TP.HCM đưa ra một số kiến nghị quan trọng gửi đến Chính phủ về hàng loạt chương tình hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư công và liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng.

“Doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tài sản thế chấp để tiếp cận các nguồn vốn. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp này tuy ít nhưng giúp phục hồi nhanh chóng và giải quyết đáng kể vấn đề việc làm trong xã hội”, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan.

Liên quan đến đầu tư công, TP.HCM đề xuất Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công cho các dự án đầu tư hạ tầng quan trọng của khu vực phía Nam, nhất là các dự án có tính chất thúc đẩy và tạo động lực tăng trưởng kinh tế, kết nối liên vùng. Đặc biệt, tăng vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tương ứng với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của thành phố.

“Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục xúc tiến các giải pháp giải quyết khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, gỡ nút thắt giải phóng năng lượng phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch. Với vị trí, vai trò là cực tăng trưởng quan trọng với vùng và cả nước, TP.HCM sẽ nỗ lực cùng nhân dân cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn, hướng tới phục hồi và phát triển kinh tế”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

Liên quan đến gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố đề xuất đặc biệt ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, đồng thời cũng là thành phần chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch với nhiều trường hợp đóng cửa, phá sản.

Liên quan đến liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng, thành phố kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện cơ chế hội đồng vùng, quy chế phối hợp các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả vai trò kinh tế của các vùng kinh tế, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sáng 6/12, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế, hướng đến tăng trưởng bền vững.

Liên quan đến chiến lược phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng chỉ đạo mục tiêu chậm nhất trong tháng 12 hoàn thành tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, triển khai tiêm vaccine mũi tăng cường, tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi, nghiên cứu các giải pháp và các cấp có thẩm quyền để tiếp tục tiêm vaccine cho trẻ em ít tuổi hơn nữa.

Liên quan đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh 4 nội dung quan trọng cần tăng cường là y tế, an sinh xã hội, doanh nghiệp, và hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số.

"Không ai muốn khó khăn, thách thức, nhưng khi có khó khăn, thách thức thì tinh thần đại đoàn kết càng được phát huy. Đó chính là Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tăng vốn đầu tư công trung hạn, TP.HCM quyết lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới