Thứ bảy, 23/11/2024 01:39 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/06/2020 07:02 (GMT+7)

Đề xuất Chính phủ cho phép chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, bảo vệ Quốc lộ 91

Theo dõi KTMT trên

Chiều 25/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan xin ý kiến về chủ trương chỉnh trị lòng dẫn sông Hậu, bảo vệ Quốc lộ 91 đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang).

Đề xuất Chính phủ cho phép chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, bảo vệ Quốc lộ 91 - Ảnh 1
Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ bị sạt lở nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng

Tại cuộc họp, ông Tô Hoàng Môn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, tình trạng sạt lở Quốc lộ 91 xảy ra từ năm 2009. Từ đó đến nay, nhiều đợt sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực này.

Trước tình trạng trên, tỉnh đã thả bao cát với định mức 23 bao/m3; tổng lượng cát để xử lý là 34.000m3. Đồng thời xây dựng 2 kè mái nghiên từ 2009 - 2019. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Nguyên nhân được đánh giá là sự xuất hiện dòng chảy xoắn với lưu lượng và lưu tốc lớn, gây bồi lắng bờ trái, qua đó thu hẹp mặt cắt lòng sông tại khu vực này. Bên cạnh đó, vận tốc dòng chảy sát bờ rất lớn (khoảng 1,5m/s vào mùa lũ).

Thực hiện giải pháp lâu dài, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết, chỉnh trị dòng chảy sẽ làm giảm chi phí gia cố bờ bảo vệ Quốc lộ 91.

Do ngân sách tỉnh An Giang có hạn nên tỉnh đã có đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu vào Quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Đồng thời, nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3km.

Cần thiết lập dự án chỉnh trị lòng dẫn sông Hậu

Sau khi nghe báo cáo của đại diện tỉnh An Giang, đại diện các bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải đã có ý kiến liên quan đến tình trạng sạt lở Quốc lộ 91 và sự cần thiết của việc lập dự án chỉnh trị lòng dẫn sông Hậu nhằm bảo đảm an toàn cho khu vực sông này. Hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc cần phải triển khai dự án trên. Liên quan đến việc xã hội hóa đầu tư, các bộ, ngành cũng đồng tình cao.

Bên cạnh đó, đại diện một số bộ, ngành cũng đề xuất UBND tỉnh An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu kỹ phương án, tránh tình trạng chỉnh trị nhưng vẫn có những yếu tố khiến sạt lở tiếp diễn. Các bộ, ngành cũng yêu cầu đánh giá tác động môi trường và việc tận thu khoáng sản theo quy định luật hiện hành…

Theo ông Tô Văn Thanh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, để khắc phục sạt lở cần có đánh giá toàn tuyến, toàn bộ dòng chảy từ thượng nguồn để có bức tranh tổng thể về mối liên quan giữa điểm sạt ở Quốc lộ 91 với các điểm sạt khác, từ đó đưa ra biện pháp chỉnh trị phù hợp.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Quang Hoài, đánh giá cho thấy tình trạng sạt lở Quốc lộ 91 tại xã Bình Mỹ đang diễn biến rất phức tạp. Trước tình trạng đó, Chính phủ đã quan tâm, bố trí nguồn vốn, trước mắt đề nghị UBND tỉnh An Giang sử dụng cho công tác ứng phó khẩn cấp.

Đối với chủ trương lập dự án chỉnh trị lòng dẫn sông Hậu, trên cơ sở các bộ, ngành đều thống nhất cao, Tổng cục sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để thực hiện được dự án chỉnh trị lòng dẫn sông Hậu, ông Hoài cho rằng cần có nghiên cứu bài bản để hạn chế các yếu tố làm giảm hiệu quả dự án...

Ông Hoài cũng cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng phương án chỉnh trị toàn bộ hệ thống sông chính của Đồng bằng sông Cửu Long, tiến độ thực hiện trong phạm vi 2 năm và sẽ cung cấp một số thông tin ban đầu cho phục vụ nghiên cứu chỉnh trị sông Hậu.

Quang Trung

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất Chính phủ cho phép chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, bảo vệ Quốc lộ 91. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới