Thứ năm, 02/05/2024 04:37 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/03/2021 11:00 (GMT+7)

ĐBSCL trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước

Theo dõi KTMT trên

ĐBSCL từng được đánh giá là khu vực giàu có về tài nguyên nước. Thế nhưng, từ vùng nông nghiệp trù phú bậc nhất cả nước, ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực và khó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do nguồn nước bị suy giảm.

Theo báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, nguồn nước ĐBSCL rất phong phú, chiếm 57% tổng lượng của cả nước, với tổng lượng dòng chảy năm trung bình nhiều năm khoảng 500 tỉ m3. Trong đó, có đến 475 tỉ m3 từ nước ngoài, nội sinh chỉ khoảng 25 tỉ m3 (chiếm 5% tổng lượng dòng chảy). Số liệu từ Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ĐBSCL có tổng diện tích 3,94 triệu héc-ta, dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước.

Chất lượng nước đang bị đe dọa

Đây là vùng có sản lượng nông nghiệp đứng đầu Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch cấp nước vùng, dự báo tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030 con số đó là 3,27 triệu m3/ngày. Thế nhưng việc cung cấp nước sạch cũng mới chỉ bảo đảm từ 60 - 65% dân số đô thị. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều ở khu vực nông thôn. Nguồn nước cung cấp cho khu vực nông thôn đang phải đối mặt với 2 vấn đề lớn: nhiễm mặn và ô nhiễm. Đặc biệt, ô nhiễm mặt nước cần cảnh báo sớm.

Tính đến 2018, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 37 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tại 12 tỉnh, thành đang hoạt động. Hầu hết các KCN, CCN tập trung ở ĐBSCL đều nằm dọc tuyến sông Hậu và sông Tiền, hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. tỉ lệ KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung trên địa bàn các tỉnh, thành trong vùng là 89%. Chỉ 17/52 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm tỉ lệ 33%).

Như vậy, một lượng đáng kể nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn vẫn xả ra môi trường mỗi ngày. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tài nguyên nước bề mặt trên sông Tiền, sông Hậu và các cửa sông thông ra biển... tại ĐBSCL đã có các dấu hiệu nhiễm bẩn chất hữu cơ và vi sinh. Quan trắc môi trường nước cho thấy các chỉ tiêu bị nhiễm bẩn là: BOD, COD, Coliform, H2S, NH4, phèn sắt...

ĐBSCL trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước - Ảnh 1
Trung bình mỗi năm có khoảng 1.790 tấn thuốc diệt ốc sên, 210 tấn thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn thuốc trừ sâu và 4.245 tấn thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn. Việc thâm canh tăng vụ trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đã bộc lộ mặt trái: gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mạch nước ngầm..., đang gây áp lực lớn lên môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hầu hết nông dân trồng lúa đều sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhiều hơn mức được khuyến nghị. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.790 tấn thuốc diệt ốc sên, 210 tấn thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn thuốc trừ sâu và 4.245 tấn thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Chỉ riêng An Giang và Kiên Giang (2 tỉnh sản xuất gạo lớn nhất vùng này), nông dân trồng lúa sử dụng phân bón nhiều hơn 20 - 30% so với mức khuyến cáo. Lượng phân bón hóa học, thuốc BVTV dư thừa là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng nước mặt trong khu vực.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường cục bộ trên các sông vùng ĐBSCL. Toàn vùng có diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặn là hơn 685.800 héc-ta (bằng gần 60% của cả nước). Chỉ riêng An Giang đã có 102 cơ sở nuôi trồng thủy sản phát sinh nước thải từ 1.000 - 70.000 m3/ngày đêm. Hàng năm, quá trình vệ sinh, nạo vét ao nuôi cũng là nguồn gây ô nhiễm chính. Chất thải ao nuôi công nghiệp cũng là nguồn có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh trong môi trường nước.

Trong khi đó, hiện nay vấn đề xử lý nguồn bùn thải, chất thải nuôi trồng thủy sản còn rất hạn chế, chưa đáp ứng các yêu cầu quy chuẩn môi trường theo quy định. Nhất là nước thải từ nuôi trồng thủy sản thường không được xử lý hoặc chỉ lắng sơ bộ rồi thải trực tiếp ra môi trường, gây tác động đáng kể đến chất lượng nước mặt. Sự cố tôm, cá chết do bệnh thường xảy ra, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước mặt.

Mực nước ngầm ngày càng suy giảm

Các chuyên gia từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) và Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức (BGR) cũng cho biết, ĐBSCL là nơi có tuổi địa chất còn rất trẻ, chỉ khoảng 6.000 năm, sụt lún đất đã xuất hiện trong suốt quá trình hình thành nên đồng bằng và mức độ sụt lún đó đã được bù lại từ nguồn phù sa, trầm tích do các cơn lũ mang lại hàng năm.

Đến nay, cả khu vực thành thị và nông thôn của Vùng đều đang có xu hướng tiếp tục sụt lún với cùng cấp độ. Hình ảnh từ vệ tinh của Eu đã chỉ ra rằng, vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ nhất Việt Nam đang bị chìm xuống trung bình với mức độ khoảng 11 m/năm. Đáng chú ý là hiện tượng này đang ngày càng diễn ra mạnh hơn, đặc biệt, một số nơi tốc độ sụt lún diễn ra nhanh hơn so với mực nước biển dâng, thậm chí có thể lên đến 50 m/năm.

ĐBSCL trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước - Ảnh 2
Nước ngầm sụt giảm khiến cho xâm nhập mặn diễn biến ngày càng sâu và khó lường. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu của đại học Stanford (Hoa Kỳ) về mối tương quan giữa khai thác nước dưới đất, sụt lún đất và nước biển dâng ở ĐBSCL dựa trên dữ liệu quan trắc mực nước theo thời gian từ 79 giếng tại 18 điểm đã chỉ ra rằng, việc khoan sâu vào lòng đất, khai thác nước ngầm quá mức khiến cho kết cấu nền bị phá vỡ, gây nên đứt vỡ, sụt lún đất tại đây.

Thống kê tại ĐBSCL và TP.HCM có khoảng 9.650 giếng cấp nước tập trung có quy mô trên 10 m3/ngày phục vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng lưu lượng khai thác gần 2 triệu m3/ngày. Trong đó, TP.HCM có đến 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 519 nghìn m3/ngày. Ngoài ra, khoảng 990 nghìn giếng khai thác nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, ước tính lưu lượng khai thác khoảng 840 nghìn m3/ngày.

Việc suy giảm mực nước quá mức với tốc độ 0,3 m/năm và sự nén ép của các lớp trầm tích gây ra sụt lún đất do khai thác nước dưới đất có tốc độ trung bình là 1,6 cm/năm. Bình quân mỗi năm mực nước ngầm của ĐBSCL sụt giảm khoảng 40 cm, tính đến năm 2015, mực nước ngầm của vùng ĐBSCL đã bị tụt giảm khoảng 15 m. Nếu như trước đây, giếng khoan cần độ sâu khoảng 100 m là có thể khai thác được nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thì nay phải khoan sâu gấp đôi. Đặc biệt, các tỉnh vùng ven biển đang bị đe dọa nghiêm trọng do mực nước ngầm sụt giảm khiến cho xâm nhập mặn diễn biến ngày càng sâu và khó lường.

Trong khi đó, một trong những chỉ tiêu đánh giá sự ổn định của nguồn nước là thời hạn phục hồi nguồn nước. Nếu như với dòng chảy trên mặt đất, thời gian phục hồi khoảng 16 ngày đêm thì đối với dòng nước ngầm phải mất đến 1,5 nghìn năm; điều đó cho thấy khả năng phục hồi của mạch nước ngầm là vô cùng khó khăn.

Quy hoạch ĐBSCL phải gắn với đảm bảo an ninh nguồn nước

Để ứng phó với những thách thức trên, GS.TS Nguyễn Vũ Việt kiến nghị, ĐBSCL cần tăng cường khả năng phát triển, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản trị nguồn nước sông Mê Kông. Thời gian tới, một số giải pháp ngắn hạn cấp thiết cần được thực hiện: nâng cấp đê vùng lũ phục vụ sản xuất quanh năm cho 3 tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An; bổ sung các trạm bơm hỗ trợ cấp nước ngọt cho vùng ngọt hóa ven biển (Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng…); chuyển nước ngọt kết hợp chống ngập triều cường cho vùng trọng điểm tôm phía Nam Quộc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu; bảo vệ bờ biển tại những vùng đang bị xói lở để ngăn chặn tình trạng mất đất đang diễn ra nhanh…

Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Trần Văn cũng cho rằng, để đảm bảo an ninh nguồn nước, cần tăng cường khả năng phát triển, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn nước ngọt bằng cách tạo nguồn, kiểm soát mặn và xả thải, tích trữ nước mặt qua các hệ thống thủy lợi, các công trình lớn cửa sông; quy hoạch sản xuất theo hướng giảm sử dụng nước ngọt; đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua tham gia đầu tư hạ tầng thượng lưu sông Mê Kông thực chất, nhất là với Lào và Campuchia.

Phát biểu tại Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã nhấn mạnh, quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ phải gắn với đảm bảo an ninh nguồn nước. Khẳng định đây là một vấn đề lớn của quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần thiết phải có báo cáo chuyên đề về vấn đề này để báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội.

Có thể khẳng định, an ninh nguồn nước là vấn đề mang ý nghĩa sống còn đối với ĐBSCL. Bởi vậy, theo giới chuyên gia, trước mắt, Việt Nam cần kêu gọi các quốc gia thượng nguồn chia sẻ công bằng nước sông Mê Kông, xử lý những bất cập trong bảo vệ môi trường để khắc phục tình trạng suy thoái chất lượng nước. Về lâu dài, cần có chiến lược bền vững, xây dựng các điểm chứa nước để đảm bảo đủ lượng nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế cho vùng đất vốn được mệnh danh là cái nôi của “văn minh sông nước - miệt vườn”.

Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm quanh các lưu vực sông Mê Kông và Vàm Cỏ Tây, có tổng diện tích trên 40,5 nghìn km2, chiếm 13% diện tích cả nước, với số dân toàn vùng là 17,2 triệu người, chiếm 18% dân số cả nước (Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). ĐBSCL giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, đóng góp khoảng 18,7% GDP cả nước, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện thuận lợi, ĐBSCL không chỉ là một trong những đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản đứng đầu Việt Nam mà còn lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.