Thứ sáu, 22/11/2024 21:33 (GMT+7)
Thứ năm, 11/03/2021 10:24 (GMT+7)

ĐBSCL đi tìm lời giải 'thuận thiên': Câu chuyện từ các địa phương

Theo dõi KTMT trên

Nghị quyết 120 đã chỉ rõ, ĐBSCL cần phải sống “thuận thiên” và chọn những mô hình tăng trưởng để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy hiệu quả từng vùng sinh thái.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của ĐBSCL, cùng với đó là sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đây là nút thắt lớn phải giải quyết dứt điểm để ĐBSCL vươn mình phát triển. Trong bài 2 của loạt bài “ĐBSCL đi tìm lời giải “thuận thiên” chúng tôi sẽ phân tích rõ những thuận lợi, tồn tại, hạn chế và kinh nghiệm của các địa phương khi triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, từ nhận thức đến hành động của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân vùng ĐBSCL thể hiện rất rõ. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ vừa qua, các địa phương đều đề cập đến các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và hướng đến tính bền vững. Đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã phù hợp với từng vùng sinh thái và lấy yếu tố “thuận thiên” là kim chỉ nam để phát triển.

ĐBSCL đi tìm lời giải 'thuận thiên': Câu chuyện từ các địa phương - Ảnh 1
Bơm nước chống hạn ở tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, nguyên Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright, cùng với những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức của vùng ĐBSCL vẫn còn rất nhiều. Trong đó, tài nguyên nước khu vực này đang bị khai thác một cách cạn kiệt và không theo quy hoạch nhất là vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm thời gian qua và hệ lụy từ việc khai thác vô tội vạ này dẫn đến tình trạng sụt lún đất, ngập lụt ở đô thị và tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, bờ biển những năm trở lại đây.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh phân tích thêm, nền tảng lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL là tài nguyên đất, nước, hệ sinh thái nhưng tất cả đang bị khai thác tới mức thiếu bền vững. "Mỗi tỉnh có khát vọng riêng của mình và chúng ta cũng cần tạo cơ chế linh hoạt cho các tỉnh. Chúng ta đưa ra các quy hoạch cũng phải tính tới ý chí, nguyện vọng cũng như khả năng thay đổi trong tương lai của các địa phương. Ý thứ hai cũng rất quan trọng đó là sự linh hoạt giữa các mục đích chuyển đổi đất, và do đó cũng phải thay đổi chính sách liên quan đến đất tạo ra sự sử dụng linh hoạt hơn".

ĐBSCL đi tìm lời giải 'thuận thiên': Câu chuyện từ các địa phương - Ảnh 2
Cứ vào mùa khô, hàng chục ngàn hộ dân vùng ngọt hóa của Cà Mau có nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.

Tài nguyên nước - yếu tố sống còn đối với ĐBSCL

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, việc ban hành, triển khai Nghị quyết 120 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách; xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách.

Tuy nhiên, những thách thức chính như việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết 120 vẫn còn chậm, đặc biệt là các chính sách đẩy mạnh phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL. Một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống, đồng bộ với nguồn lực thực hiện dẫn đến hiệu quả chính sách không cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân vùng kinh tế theo ngành, lãnh thổ dựa vào các điều kiện tự nhiên còn chậm; vẫn còn xung đột phát triển giữa các loại hình kinh tế.

ĐBSCL đi tìm lời giải 'thuận thiên': Câu chuyện từ các địa phương - Ảnh 3
Sạt lở bờ biển trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân sống trong đê biển Tây, Cà Mau.

Cà Mau có 3 mặt giáp biển, với khoảng 254 km chiều dài bờ biển và 87 cửa sông thông ra biển, đây cũng là địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu trong vùng ĐBSCL. Mùa mưa bão hằng năm, không chỉ chịu xâm thực mà hàng ngàn ha rừng phòng hộ bị sóng biển cuốn trôi, nhiều đoạn đê biển cũng đặt trong tình trạng báo động.

Mùa khô năm 2019-2020, người dân sống trong đê phòng hộ, thuộc vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau lao đao, không chỉ hàng chục ngàn ha lúa, hoa màu bị giảm năng suất, mất trắng mà hơn 1.000 vụ sụt lún, sạt lở đất đã làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Sự khốc liệt đến mức xã đảo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) có đến 4 con đường ô tô có thể về trung tâm nhưng bị sụt lún hết và bỗng trở thành “xã ốc đảo”.

Triều cường kỷ lục, hạn hán rồi đến ngập lụt kỷ lục là những minh chứng rõ nhất của biến đổi khí hậu. Vấn đề này đặt ra cho Cà Mau bài toán phải “thích ứng”. Nếu như thời điểm này năm trước, kênh mương nội đồng vùng ngọt Cà Mau đã cạn khô đáy thì năm nay mực nước còn lớn. Lúa thất bát năm ngoái năm nay đạt năng suất cao; sụt lún đất năm trước hàng trăm vụ năm nay chưa ghi nhận. Kết quả đó đến từ sự chủ động của chính quyền và người dân.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, đây là giải pháp tạm thời, hiệu quả tùy theo từng năm. Để đảm bảo “phát triển bền vững” như Nghị quyết 120 của Chính phủ, vùng ngọt của tỉnh cần chủ động được nước ngọt, thay vì bị động như hiện nay.

Theo ông Nam: "Về lâu dài vẫn là tìm nguồn nước. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đầu tư hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé. Cà Mau cũng mong muốn, khi khép kín hệ thống cống này, có phương án để dẫn nước ngọt về. Với phương án này thì sẽ bền vững, chúng ta bảo vệ được hơn 120 ngàn ha đất sản xuất của bà con vùng ngọt. Trong đó, có cả rừng U Minh hạ. Việc hỗ trợ nước ngọt cho nuôi trồng thủy sản cũng bền vững".

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, cần phải quản lý nước một cách hiệu quả sẽ phân bổ không gian phát triển vùng ĐBSCL và sẽ quyết định đến khu vực sinh thái, ngành nghề phát triển phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

"Chúng ta biết nước là vấn đề rất lớn của ĐBSCL, làm sao chúng ta quản lý một cách bền vững, hiệu quả thì lúc đó chúng ta mới phân bổ được không gian phát triển của vùng ĐBSCL. Nước sẽ quyết định đến khu vực về sinh thái, cũng như khu vực ngành nghề phát triển phù hợp với điều kiện nước của vùng đó và cũng tính tới những biến đổi trong tương lai với sự tác động của biến đổi khí hậu cũng như việc kiểm soát nước ở đầu nguồn".

ĐBSCL đi tìm lời giải 'thuận thiên': Câu chuyện từ các địa phương - Ảnh 4
Sụt lún đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau vào mùa khô năm 2019-2020 đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề.

Không chỉ tác động của biến đổi khí hậu đang đè nặng lên cả vùng mà hạ tầng kết nối yếu kém, thiếu đồng bộ là một trong những điểm nghẽn kìm nén sự phát triển của ĐBSCL. Đường sắt chưa có, còn hệ thống đường bộ chưa có sự kết nối thông suốt và đồng bộ. Cả vùng với 13 tỉnh, thành nhưng vẫn phải đi chung một con đường đã quá tải nhiều năm, bài toán hạ tầng giao thông là điểm nghẽn trong kết nối và thu hút đầu tư.

Ông Phan Văn Mãi, Bí thư tỉnh Bến Tre cho rằng: "Cả một đồng bằng như thế này mà chúng ta vẫn còn e dè về cảng biển nước sâu, thì tôi đề nghị chúng ta mạnh dạn quy hoạch 1 đến 2 cảng biển nước sâu. Kể cả chúng ta phân tích cảng Cái Mép – Thị Vải đang sử dụng 50%, nhưng phải tính trong sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ - vùng TP HCM và ĐBSCL trong sự phát triển. Cho nên hệ thống giao thông ĐBSCL trong đó có đường ven biển, hệ thống hạ tầng logistics có cảng biển nước sâu, thì tôi đề nghị quan tâm rất là đúng mức chỗ này".

Chuyên gia sinh thái nghiên cứu độc lập về ĐBSCL Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, cần phải “thuận thiên” theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ. Phải nhìn nhận rõ vấn đề của từng vùng để tổ chức sản xuất cho phù hợp, phát huy lợi thế của từng vùng sinh thái vẫn đang còn bỏ ngỏ trong thời gian qua. Mặc dù các địa phương đã quyết liệt, nhưng chưa thực sự mang lại tín hiệu tích cực.

"Nghị quyết 120 cũng xác định xoay trục chiến lược sang ưu tiên thủy sản, hoa màu cây trồng khác, rồi mới tới lúa. Không cần thâm canh ba vụ, ĐBSCL vẫn dư sức đảm bảo lượng lúa gạo cho an ninh lương thực quốc gia. Nghị quyết 120 cũng chỉ rõ cần xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên chứ không chỉ là nước ngọt phục vụ tối đa hóa lượng lúa như trước đây" - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Nghị quyết 120 chỉ rõ, nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên, nếu khai thác có hiệu quả sẽ mang lợi ích lớn về phát triển kinh tế, xã hội. Với những công trình ngăn mặn thời gian qua đã phần nào phát huy hiệu, bảo vệ hoa màu, vườn cây ăn trái hay hàng ngàn ha/lúa ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng mỗi khi bước vào cao điểm mùa khô.

Mặc dù đây là những tín hiệu tích cực ban đầu, nhưng điều cốt lõi của sự phát triển bền vững vẫn chưa được các địa phương trong thực sự chú trọng là quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, trong khi, đây là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng ĐBSCL. Vì vậy, cần phải giải quyết một cách kịp thời, mang tính tổng thể và chiến lược trước những thách thức đặt đối với ĐBSCL.

Thanh Tùng, Phạm Hải, Nhật Trường, Trần Hiếu

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL đi tìm lời giải 'thuận thiên': Câu chuyện từ các địa phương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới