Thứ sáu, 22/11/2024 20:51 (GMT+7)
Thứ tư, 10/03/2021 09:18 (GMT+7)

Nghị quyết 'thuận thiên': Định hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Theo dõi KTMT trên

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 120/NQ-CP (hay còn gọi Nghị quyết thuận thiên) đã tạo đột phá lớn, định hình chiến lược phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tổng thể.

Ngày 15/3 tới đây, hội nghị của Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (hay còn gọi Nghị quyết thuận thiên) sẽ diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Nghị quyết 120 của Chính phủ đóng vai trò là kim chỉ nam, tạo nguồn cảm hứng để người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu có hiệu quả nhất, với nhiều mô hình, sáng kiến mới giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển toàn diện và bền vững.

Dấu ấn lớn sau 3 năm “thuận thiên”

Trên phương diện là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và các cơ quan liên quan định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 120, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết Nghị quyết 120 là bước đột phá lớn, định hình chiến lược phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tổng thể.

Nghị quyết 'thuận thiên': Định hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nghị quyết cũng tích hợp với tầm nhìn dài hạn và khát vọng về một vùng đồng bằng thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm, coi sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác là triết lý phát triển.

Với định hướng phát triển nêu trên, ngay sau “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì năm 2017, Nghị quyết 120 đã được ban hành. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự hưởng ứng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhờ đó, sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả đầu tiên được ông Thành nhắc tới là Nghị quyết 120 đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng “thuận thiên.” Đó là chuyển đổi từ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó góp phần thay đổi toàn diện, coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả.

Việc phát triển theo hướng “thuận thiên” cũng đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản nước ngoạt, nước lợ, nước mặn.

Tiếp đó, Chương trình tổng thể của Nghị quyết 120 đã xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù cho vùng như thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lập nhiệm vụ quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long theo phương pháp tích hợp đa ngành với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín hàng đầu về lập quy hoạch; ưu tiên khuyến khích đầu tư tư nhân; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao…

Ngoài ra, Đồng bằng sông Cửu Long được coi là thể thống nhất, từ đó triển khai nhiều giải pháp, quy hoạch mang tính liên ngành, liên vùng như công tác quy hoạch, công tác dự báo, cảnh báo cho tổng thể vùng; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai trên phạm vi toàn vùng. Từ đó góp phần giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới theo hướng “phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau.”

Minh chứng là trong các đợt hạn mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp, cung cấp được cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng để các địa phương đầu tư, xây dựng thành các công trình cấp nước tập trung…

Nghị quyết 'thuận thiên': Định hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ các kết quả thực hiện Nghị quyết, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuất hiện nhiều mô hình, sáng kiến nổi bật như: Mô hình trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh tại tỉnh Kiên Giang; mô hình nuôi cá tra, mô hình nuôi tôm nước lợ, mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu;… Qua đó từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân có những thay đổi đáng kể.

Chính phủ kiến tạo “đòn bẩy” phát triển

Từ phương châm hành động của Chính phủ khi đầu tư nguồn lực, triển khai Nghị quyết 120 là “Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng,” Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết trong 3 năm qua, Chính phủ đã đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, bao gồm hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tăng đầu tư nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng với vai trò là “đòn bẩy” nhằm thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tiểu vùng, tăng cường kết nối kinh tế-hạ tầng nội vùng và giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác quốc tế đã đầu tư triển khai nhiều dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo,…

Theo ông Thành, những dự án phát triển trong các lĩnh vực trên đã làm thay đổi bộ mặt của Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước. Bức tranh đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều mảng màu sáng.

Về phía người dân, từ chuyển biến về nhận thức đã dẫn đến các thay đổi về tư duy và hành động, bám sát các chủ trương, chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tích cực tham gia vào chuyển đổi quy mô lớn, phát triển chuỗi giá trị cho toàn vùng. Minh chứng rõ thấy cho việc chuyển đổi trên là ngay cả trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng của các đợt xâm nhập mặn khốc liệt (năm 2020), nhưng người dân vẫn có một vụ thu hoạch được mùa, được giá.

Có chung quan điểm, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, với sự vào cuộc của của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

“Từ phương châm hành động của Chính phủ, tôi muốn nhấn mạnh vào vai trò của Chính phủ đóng góp là người kiến tạo trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, với việc tập trung thực hiện các dự án mang tính ‘hạt giống’ tạo hành lang, sân chơi cho các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư cho vùng với sự tham gia của cả người dân. Điều đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp bởi vì phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự tham gia đầy đủ, đúng vai trò của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân,” ông Cường chia sẻ.

Đặc biệt, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các Bộ đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng, như chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trở thành “hạt nhân” cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải cách hành chính nhằm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

“Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định được những thay đổi, sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đồng bằng quan trọng bậc nhất nước ta; đời sống nhân dân tốt hơn, đặc biệt là mô hình sản xuất, cơ cấu sản phẩm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân chủ động hơn. Kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của vùng,” ông Cường nhấn mạnh.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Nghị quyết 'thuận thiên': Định hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới