Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long: Thuận thiên và bảo vệ môi trường
Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu bảo vệ người dân trước các thách thức từ biến đổi khí hậu; đồng thời, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng giữa các vùng,...
Cần tính đến nguy cơ ngập cao hơn
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, hiện nay, Bộ đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia để hoàn thiện Dự thảo quy hoạch. Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở để phân bổ và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao.
Đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch - Công ty Haskoning DHV của Hà Lan cho biết, Quy hoạch sẽ quản lý quá trình chuyển đổi để biến các thách thức thành cơ hội và tạo ra các giá trị về nâng cao chất lượng sản phẩm/thương hiệu, đa dạng sinh học, tăng trưởng xanh, phát triển chuỗi giá trị… Điều này sẽ giúp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển trong vùng. Dự thảo quy hoạch hiện đang đưa ra các phương hướng khai thác, quản lý, bảo vệ TN&MT dựa trên các thông tin về hiện trạng tài nguyên và kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.
Góp ý cho Dự thảo tại buổi làm việc giữa Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT, ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện KHKTTV&BĐKH cho biết, Viện vừa trình Bộ TN&MT Dự thảo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cập nhật năm 2020, trong đó có nhiều điểm khác biệt so với kịch bản năm 2016. Tính toán cho thấy, nếu nước biển dâng cao 1 m vào cuối thế kỷ này, ĐBSCL có nguy cơ ngập tới 47% diện tích. Các tỉnh nguy cơ cao nhất là Cà Mau, TP. Cần Thơ, Bạc Liêu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính bền vững của Quy hoạch. Các địa phương của vùng có tính chất tương đồng nhau, dễ bị tổn thương nên cần cân nhắc kỹ các tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Thắng cho biết, diện tích ngập tăng lên một phần do kịch bản cập nhật thông tin sụt lún từ bản đồ số độ cao do Cục Đo đạc bản đồ và thông tin địa lý vừa hoàn thành. Hiện, rất khó để tính toán mức độ sụt lún trong tương lai mà chỉ có thể tính được trong quá khứ đến nay. Viện dự kiến sẽ điều chỉnh thêm mức độ ngập sau khi nghiên cứu dự báo nước biển dâng trong 2 báo cáo mới của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) liên quan đến đại dương và đất.
Bên cạnh đó, Dự thảo Kịch bản thể hiện nhiệt, lượng mưa không thay đổi lớn, nhưng số ngày mưa lớn 50 - 100 mm và số ngày hạn đều tăng. Bởi vậy, Quy hoạch cần tính đến các giải pháp tích nước mùa mưa và cứu hạn mùa khô.
Về vấn đề sụt lún, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc bản đồ và thông tin địa lý cho rằng, trong Dự thảo Quy hoạch, Bộ KH&ĐT dự báo, ĐBSCL có thể sụt lún từ 50 - 100 cm do các nguyên nhân từ nước ngầm, cấu tạo địa chất và các hoạt động kinh tế - xã hội của con người. Con số này nếu đưa vào trong Báo cáo quốc gia thể hiện nguy cơ khá lớn và mang tính không chắc chắn. Hiện nay, Cục đã có cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia cập nhật chính xác đến những tháng cuối 2020. Bộ KH&ĐT có thể căn cứ vào đây để cung cấp số liệu ổn định nhất cho ĐBSCL.
Quy hoạch khu xử lý chất thải cho vùng
Liên quan đến lĩnh vực môi trường, Dự thảo Quy hoạch có đề cập đến việc quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại ở quy mô tỉnh, không thực hiện quản lý liên tỉnh (cấp vùng). Công nghệ do các tỉnh tự quyết định là đốt có hoặc không thu hồi nhiệt, sản xuất phân hữu cơ, chôn lấp. Với chất thải nguy hại sẽ đồng đốt tại Kiên Giang hoặc Long An, hoặc tập kết về Long An rồi chuyển đi xử lý tại TP.HCM hay các tỉnh miền Đông.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, trong Nghị định 37 quy định một số điều chi tiết của Luật Quy hoạch đã nêu vấn đề bảo vệ môi trường vùng, với phương hướng thành lập khu xử lý chất thải rắn chung. Dự thảo Quy hoạch đề cập đến việc quản lý ở quy mô cấp tỉnh sau khi tham vấn ý kiến địa phương cũng là phù hợp, nhưng từ góc độ quản lý vùng nên có khu xử lý chất thải rắn chung để xử lý các chất thải nguy hại như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bao bì hóa chất độc hại… Đây là định hướng để sau này khi lựa chọn được một địa phương phù hợp nhất thì đơn vị tư vấn có thể đưa vào.
Ông Tài cũng đề xuất, quy hoạch cần định hướng không gian hoặc giới hạn tối đa một số khu vực không đầu tư 17 ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao đã được quy định như hóa chất, bột giấy, dệt nhuộm, phân bón… Với định hướng phát triển thuận thiên của vùng, các ngành nghề phát sinh ô nhiễm kim loại nặng, hóa chất độc hại khó xử lý có thể gây ô nhiễm môi trường, xung đột với các ngành hàng thế mạnh như nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, cây ăn quả.
Với đặc thù các đơn vị nắm giữ nhiều thông tin điều tra cơ bản hiện trạng vùng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ hỗ trợ Bộ KH&ĐT tối đa về cơ sở dữ liệu đầu vào cho Quy hoạch, hoàn thiện Dự thảo với mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần của Nghị quyết số 120.
Việt Anh