Thứ sáu, 04/10/2024 05:29 (GMT+7)
Thứ năm, 02/06/2022 11:53 (GMT+7)

ĐBQH: Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 là cần thiết

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh sức ép lạm phát lớn, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết. Việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất.

Người lao động chật vật trong cơn “bão giá”

Trong phiên thảo luận ngày 1/6, bày tỏ mối lo về sức ép lạm phát, nguy cơ “bão giá”, một số ĐBQH đề nghị Chính phủ chấp thuận việc tăng lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc. 

Theo điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy có 5% người được hỏi chỉ được ăn thịt, cá khoảng 1, 2 lần một tuần, 34% cho biết chỉ ăn thịt, cá 3 lần một tuần, 41% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản. "Thật xót xa khi còn nhiều người lao động không dám đi khám bệnh vì không có khả năng chi trả", Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa bày tỏ lo ngại.

Ông cho rằng, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Theo kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 4/2022, chỉ có khoảng 55% người lao động có tiền lương và thu nhập đủ sống; khoảng 25% phải chi tiêu tằn tiện, 13% không đủ sống ở mức tối thiểu.

ĐBQH: Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 là cần thiết - Ảnh 1
Người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc. (Ảnh minh họa)

Trong 2 năm, 2020 và 2021 để chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế, lương tối thiểu của người lao động không tăng, từ ngày 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu này sẽ được tăng thêm 6%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay, nếu tính tổng vào năm 2020 là 2,31%, 2021 là 1,84% và 5 tháng đầu năm nay là 2,25% thì đã vượt quá con số 6% này.

“Với tốc độ tăng giá tiêu dùng trong thời gian vừa qua thì thực tiễn là người lao động giờ đây không chỉ phải làm thêm giờ mà phải làm thêm việc, nhiều người lao động sau thời giờ làm công việc chính thức phải làm thêm công việc khác tại nơi làm việc khác với số giờ làm việc dài, vắt kiệt sức khỏe và vượt ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan nhà nước”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lo ngại.

Với mức đề xuất lương tăng thêm 6% nhưng tỷ lệ lạm phát từ năm 2020 đến nay là hơn 6%, do đó, thực chất việc tăng lương không đủ bù đắp tốc độ tăng giá tiêu dùng, khó bù đắp được chi phí sinh hoạt mà người lao động phải chi trả. Bên cạnh đó, với mức tăng 6% lương tối thiểu, vùng 1 cao nhất của nước ta sẽ là 4.680.000 tương đương với 200 USD, so sánh với các quốc gia trong khu vực thì mức lương tối thiểu này vẫn còn thấp.

Với mức lương tối thiểu và cơ cấu nguồn nhân lực trong khu vực như vậy thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động lớn đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Ngược lại, tăng lương tối thiểu một mặt cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm dần các ngành, các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, thâm hụt lao động cao, mặt khác, góp phần bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình họ và đây cũng là giải pháp kích thích tiêu dùng, kích thích kinh tế.

Giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Đề cập đến vấn đề tăng lương tối thiểu, đại biểu Nguyễn Thị Xuân lưu ý tới người lao động làm việc theo hợp đồng và đây cũng là vấn đề mà người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm. Hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về phía người sử dụng lao động, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động sẽ chịu tác động lớn khi điều chỉnh tiền lương vì chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ.

Thực tế, chúng ta có những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động, chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 lao động trên cả nước hiện cũng rất nhiều. Tuy vậy, người lao động ủng hộ, đón chờ quyết định việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022. Họ cho rằng, trong thời gian qua, người lao động đã chia sẻ rất nhiều với doanh nghiệp, nhất là trong thời gian dịch bệnh, họ phải làm việc 3 tại chỗ, đồng ý tăng thời giờ làm thêm.

Theo thông lệ, việc tăng tăng lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hàng năm, tiền lương tối thiểu của người lao động thường được tăng mỗi năm từ 5-7%. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ lao động thiếu việc làm thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá đang tăng.

Trong bối cảnh đó, việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 là đúng đắn và cần thiết.

Tuy doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng chi phí tiền lương nhưng việc tăng lương tối thiểu không chỉ cho người lao động mà chính là giúp doanh nghiệp có thêm động lực để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Cho dù doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ban đầu nhưng tăng lương sớm có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động lại doanh nghiệp, động viên tinh thần đối với người lao động, gắn bó hăng say, tăng năng suất lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. 

Đồng thời tăng lương tối thiểu, kịp thời lúc người lao động đang khó khăn, thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa của nước ta là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tăng lương, theo đại biểu Xuân, có ý nghĩa thiết thực để người lao động ổn định đời sống, giúp giữ chân lao động ở lại doanh nghiệp. Tăng lương tối thiểu kịp thời lúc người lao động đang khó khăn còn thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tăng trưởng kinh tế gắn với duy trì và nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu đối với người lao động, theo hợp đồng kể từ ngày 1/7/2022 như Tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và theo nguyện vọng của hàng triệu lao động theo hợp đồng trên cả nước.

Cùng quan điểm, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này.

Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động.

Thứ hai, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng. 

Thứ tư, đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.

Tại phiên thảo luận về tình hình - kinh tế xã hộ chiều ngày 1/6, liên quan đến vấn đề tiền lương tối thiểu vùng, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cho rằng, trong cơn đại dịch, nhiều cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người lao động bị ảnh hưởng rất khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng.

"Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức. Cho nên tôi kiến nghị cần nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu, thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động khu vực này.

Và cần nhận thức rằng, đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển là nguồn lực nội sinh quan trọng làm động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội", ông đề xuất.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết ĐBQH: Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 là cần thiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.