Doanh nghiệp ngừng tuyển lao động khi tăng giờ làm thêm?
Nghị quyết về tăng giờ làm thêm ra đời đã kịp thời hỗ trợ đời sống người lao động cũng như đáp ứng nhu cầu có thật của nhiều doanh nghiệp. Dù tăng giờ làm thêm nhưng việc tuyển mới lao động vẫn được tiến hành song song để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất.
Tăng giờ làm thêm liệu có khiến các doanh nghiệp ngừng tuyển lao động
Mới đây, Thường vụ Quốc hội có thông qua nội dung tăng giờ làm thêm ở tất cả các ngành nghề trong 2 năm, có hiệu lực bắt đầu từ 1/4. Nhiều người băn khoăn tăng giờ làm thêm liệu có khiến các doanh nghiệp ngừng tuyển thêm lao động hay không, có ảnh hưởng đến cơ hội của những người đang tìm kiếm việc làm?
Tính từ đầu năm đến nay, những tấm biển tuyển dụng vẫn được treo trước cửa nhà máy Công ty TNHH Công Nghệ Johnson Health. Chế độ lương, thưởng, thử việc đều dễ dàng hơn những năm trước rất nhiều, nhưng nhà máy vẫn không tuyển đủ 700 công nhân, thậm chí việc tặng tiền nhà, tiền công môi giới cũng không thu hút được lao động.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Công Nghệ Johnson Health, cho biết: "Phải hỗ trợ khoản đi lại, chi phí ăn uống. Hiện đang gặp nhiều khó khăn, đối với những vị trí kỹ thuật lại càng khó khăn hơn do đòi hỏi lao động tay nghề cao".
Thiếu lao động đang là tình trạng chung của các nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt sau những đợt bùng phát dịch của năm 2021 và giờ càng trở nên nan giải hơn. Quy định tăng giờ làm thêm được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được khó khăn trước mắt về lao động.
Chị Trần Thị Thanh Hiếu, công ty Cổ phần Vinahan Bắc Giang, cho hay: "Lượng công việc tồn đọng nhiều nên nhu cầu hiện tại của công ty vẫn rất cao, kể cả tăng thêm giờ vẫn cần tuyển thêm lao động".
Về lâu dài, các doanh nghiệp cho biết họ cũng không muốn huy động người lao động làm thêm quá nhiều, bởi chi phí trả lương cao nhưng năng suất lao động lại không bằng giờ làm chính.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp chỉ cho người lao động làm thêm tối đa là 300 giờ mỗi năm để giải quyết các đơn hàng gấp. Việc tuyển mới lao động vẫn được tiến hành song song để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Giám đốc Công ty cổ Phần cơ khí chính xác HBT Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội, chia sẻ: "Không phải do tăng giờ làm thêm chúng tôi không tuyển thêm lao động, mà do tốc độ phát triển của doanh nghiệp. Chúng tôi luôn luôn phải đầu tư, tái thiết, thay đổi công nghệ và cũng cần phải có nguồn lao động để vận hành công nghệ đó. Một dây chuyền không chỉ nằm ở quy mô đó mà sẽ mở rộng ra hơn nữa, nên việc tuyển dụng để đào tạo, mở rộng sản xuất là đương nhiên. Do vậy, không phải các bạn làm thêm mà chúng tôi dừng việc tuyển dụng".
Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn phục hồi, đơn hàng về nhiều hơn nên các doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh tuyển dụng lao động mới. Do đó, không có chuyện tăng giờ làm thêm là giảm cơ hội việc làm của những lao động mới.
Khi đất nước mở cửa hoàn toàn thị trường, theo dự báo, vẫn cần hơn 1 triệu việc làm mới. Mới đây, Chính phủ mới đây đã trích ngân sách hơn 6.600 tỷ đồng để thu hút người lao động đến làm việc tại 24 tỉnh và thành phố trọng điểm.
Tăng giờ làm thêm trên cơ sở thỏa thuận
Trước đó, thông tin cho biết, thời gian làm thêm giờ đòi hỏi sự thỏa thuận, có sự tham gia của 3 bên gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp luật, còn việc có đồng ý làm thêm giờ hay không sẽ do sự trao đổi, thỏa thuận giữa anh chị em công nhân và doanh nghiệp về số giờ, tiền công và chế độ tăng ca.
Làm việc 8 tiếng/ngày, thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Nếu làm thêm giờ, người lao động có thể mang về 9 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, trong số 40.000 lao động của Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina, phần lớn đều có mong muốn làm thêm giờ để cải thiện thu nhập.
Do đặc thù đơn hàng tập trung theo thời vụ, ở doanh nghiệp này, nếu tuyển thêm người vào lúc cao điểm thì sau đó lại không sử dụng hết. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn không chỉ tăng giờ làm thêm so với hiện tại mà được linh hoạt sử dụng thời gian làm thêm.
Ông Zhang Jian Hua, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Goertek Vina, cho hay: "Với công ty tôi, lên 300 giờ không có ý nghĩa nhiều vì chúng tôi đã được phép làm thêm như vậy rồi. Nếu tăng được từ 40 lên 60 giờ/tháng thì chúng tôi thấy sẽ thấy linh hoạt hơn. Công nhân và lãnh đạo nhà máy mong muốn tăng nhiều hơn nữa vì bây giờ công ty nào không có làm thêm giờ, nhiều công nhân bỏ việc".
Anh T, công nhân Công ty Catalan, Bắc Ninh, bày tỏ: "Mong muốn làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập".
Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc nên các công ty tuyển người còn khó khăn, nguyên phụ liệu cũng không về kịp theo kế hoạch. Vì vậy, việc tăng giờ làm thêm để đáp ứng các đơn hàng là vô cùng cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Catalan, Bắc Ninh, cho biết: "Nhận thgười lao động, theo khảo sát, cơ bản chúng tôi nhận được sự đồng tình của anh em công nhân do nhà máy chúng tôi là một trong những nhà máy hiện đại, sử dụng công nghệ cao nên công sức hao phí lao động không nhiều. Vì vậy thời gian làm thêm 1-2 tiếng/ngày đối với công nhân lao động là không quá khó khăn".
Cần giám sát chế độ khi tăng giờ làm thêm
Nhiều doanh nghiệp và người lao động đều đồng tình về việc tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, làm thêm ở mức độ nào, có phù hợp hay không, bởi sau 8 tiếng, người lao động làm thêm 2-3 tiếng nữa. Cơ quan quản lý sẽ giám sát như thế nào để đảm bảo sức khỏe của người lao động và đặc biệt là cả vấn đề an toàn lao động?
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho rằng, hiện nay, quy định của pháp luật giao cho doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm chính về điều kiện lao động, sử dụng người lao động cho phù hợp và giám sát chính về an toàn vệ sinh lao động, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Ông Hà Tất Thắng nhận định: "Còn với cơ quan quản lý nhà nước, trước khi làm thêm, doanh nghiệp phải có thông báo về sở lao động địa phương. Sở lao động sẽ tùy theo tình hình mà có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Bên cạnh đó quy định công đoàn cơ sở - tổ chức đại diện của người lao động, phải căn cứ vào thỏa ước lao động tập thể, căn cứ vào hợp đồng giữa người sử dụng lao động với người lao động để có sự giám sát việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động và đảm bảo không để người lao động bị quá sức, gây mất an toàn lao động".
Trên khía cạnh tâm lý và sức khỏe, sự hồi phục của người lao động khi phải tăng cường độ lao động thông qua kéo dài thời gian làm việc và nếu thực hiện trong khoảng thời gian dài thì cũng sẽ có ít nhiều ảnh hưởng nhất định. Do đó, cần có sự giám sát của cơ quan quản lý về phương án làm thêm giờ tại các doanh nghiệp để giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động và tâm lý làm việc của người lao động.
Nghị quyết về tăng giờ làm thêm ra đời đã kịp thời hỗ trợ đời sống người lao động cũng như đáp ứng nhu cầu có thật của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi sau dịch Covid-19.
Bùi Hằng