Nới "trần" giờ làm thêm: Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Với việc Thường vụ Quốc hội thông qua đề xuất nới "trần" giờ làm thêm lên trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng, nếu không được thanh tra, giám sát sẽ là kẽ hở cho doanh nghiệp áp dụng làm thêm giờ vượt quy định.
Tăng giờ trần lên 1,5 lần
Ngày 23/3/2022, sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã nhất trí thông qua Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và một năm của người lao động. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022, riêng quy định về số giờ làm thêm trong năm có hiệu lực từ 1/1/2022.
Theo Nghị quyết, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ, nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. Quy định này áp dụng cho tất cả các ngành nghề, chỉ trừ một vài đối tượng đặc biệt như lao động từ 15 - dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai trên 7 tháng, người khuyết tật giảm khả năng lao động trên 51%,...
Trong 1 tháng, con số giờ làm thêm và làm việc bình thường là không quá 60 giờ. Mức trần trong một ngày vẫn giữ nguyên là 12 giờ.
Trước đó, theo Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, số giờ làm thêm của người lao động được đảo đảm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày.
Trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm. Chỉ một số ngành nghề đặc biệt như dệt may, da giày, nông lâm thủy sản... mới được phép áp dụng mức trần làm thêm giờ là 300 giờ một năm.
Như vậy, sau 10 năm, trần làm thêm theo tháng đã tăng gấp đôi từ 30 lên 60 giờ, theo năm tăng gấp 1,5 lần.
Cần phải thanh tra, giám sát
Ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong bối cảnh đang thiếu lao động, việc nâng trần giờ làm thêm từ không quá 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng và mở rộng thêm các ngành nghề là chính đáng để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Việc này cũng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. “Một số trường hợp không áp dụng làm thêm giờ cũng là phù hợp để bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động”, ông Phạm Minh Huân cho biết.
Mặc dù vậy, theo ông Huân, nới trần giờ làm thêm trong tháng lên không quá 60 giờ là mức tối đa, còn số giờ làm thêm cụ thể thì giữa người lao động và người sử dụng lao động phải cân nhắc. Nếu người lao động cảm thấy sức khỏe không đảm bảo thì có thể trao đổi với công đoàn, doanh nghiệp, thời gian làm thêm tối đa 60 giờ/tháng chỉ dồn trong ít tháng, vì tổng thời gian làm thêm trong năm không được vượt quá mức 300 giờ.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Do đó, ông Huân cho rằng, doanh nghiệp và người lao động cần thỏa thuận với nhau, đảm bảo trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi đảm bảo để người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
“Khi quy định về làm thêm giờ đi vào thực tế từng doanh nghiệp, sẽ có người lao động khỏe, có người chưa đáp ứng được thì tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động cần xem xét số giờ cụ thể cho phù hợp”, ông Huân nói và cho rằng, vấn đề này cần được thanh tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp không áp dụng làm thêm giờ vượt quy định.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, hiện nay, quy định của pháp luật giao cho doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm chính về điều kiện lao động, sử dụng người lao động cho phù hợp và giám sát chính về an toàn vệ sinh lao động, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp.
"Còn với cơ quan quản lý Nhà nước, trước khi làm thêm, doanh nghiệp phải có thông báo về sở lao động địa phương. Sở lao động sẽ tùy theo tình hình mà có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Bên cạnh đó, quy định công đoàn cơ sở - tổ chức đại diện của người lao động, phải căn cứ vào thỏa ước lao động tập thể, căn cứ vào hợp đồng giữa người sử dụng lao động với người lao động để có sự giám sát việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động và đảm bảo không để người lao động bị quá sức, gây mất an toàn lao động", ông Hà Tất Thắng nhận định.
Bù đắp cho người lao động
Theo TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc tăng "trần" theo tháng khoảng 52 - 60 giờ sẽ bảo đảm sức khỏe của người lao động hơn, tránh trường hợp làm dồn, cật lực trong cả tháng. Hiện nay, người lao động đang làm việc khoảng 26 ngày/tháng; bình quân làm thêm khoảng 2-2,5 giờ/ngày.
Về các chế độ khi làm thêm giờ bình thường, theo quy định, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm, vào ngày thường, ít nhất bằng 150%. Luật chỉ quy định mức tối thiểu là 150% với giờ làm thêm bình thường, mức cao hơn thì cần phải thương lượng.
Tôi đề nghị người lao động chủ động đề xuất; Công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động đối thoại, thương lượng để trong giai đoạn đặc biệt này, người lao động đã sẵn sàng làm hơn giờ so với quy định hiện hành, người lao động cống hiến cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng bù đắp lại bằng cách tăng 160%-170% chẳng hạn; có chế độ bồi dưỡng giữa ca, ăn ca... để họ có sức khỏe.
Hà Lan