Thứ sáu, 22/11/2024 16:54 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/03/2022 10:08 (GMT+7)

Đề xuất nới 'trần' giờ làm thêm lên 72 giờ/tháng là quá cao

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ đề xuất Quốc hội nâng giới hạn số giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ và 300 giờ mỗi năm cho tất cả các loại ngành nghề. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng mức tăng này quá cao, chưa có đầy đủ cơ sở khoa học.

Nới "trần" thời gian làm thêm giờ

Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, trong đó đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Bộ đã nhận được góp ý của 13 cơ quan. Về cơ bản, tất cả các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết ban hành và nội dung dự thảo Nghị quyết. Thậm chí, một số hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam có ý kiến đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ/năm.

Đề xuất nới 'trần' giờ làm thêm lên 72 giờ/tháng là quá cao - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp về đề xuất tăng giờ làm thêm. (Ảnh: Nguyễn Nam)

Trong quá trình xây dựng Bộ Luật Lao động 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định làm thêm không quá 300 giờ/năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp nhất định (khoản 3 điều 107). Việc tăng thời gian làm thêm lên quá 300 giờ/năm là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người lao động, an toàn lao động, hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực và đặc biệt đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, đề xuất nâng giới hạn giờ làm thêm này sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình đánh giá việc thực hiện Bộ Luật Lao động 2019.

Đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn hai năm vừa qua.

"Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với Chính phủ sự cần thiết mở rộng các ngành, nghề, công việc được áp dụng tối đa làm thêm 300 giờ một năm"- bà Nguyễn Thuý Anh nói.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng việc áp dụng mức trần 300 giờ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng, cơ quan soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về tăng thời giờ làm thêm do tác động của dịch Covid-19, chưa đánh giá tác động đầy đủ của việc nâng mức trần này đến sức khỏe, an toàn lao động của người lao động, đặc biệt là phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và những người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng nói trên và rà soát các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ) các đối tượng không áp dụng mức trần 300 giờ làm thêm trong năm.

Mặt khác, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội, các ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đều nhất trí đều nhất trí với loại ý kiến thứ hai. Đề xuất nâng giới hạn về thời giờ làm thêm trong tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ là chưa có đầy đủ cơ sở khoa học.

"Việc tăng này là quá cao, tăng 180% so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019 và tăng 240% so với Bộ luật Lao động năm 2012 (quy định 30 giờ), tương ứng với 9 ngày làm việc bình thường"- Bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Thảo luận về nội dung này, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giờ làm thêm phải căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khỏe của người lao động, điều kiện của người lao động. Việc tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng, 1 năm của người lao động phải thỏa mãn các yêu cầu là thỏa thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt; bảo đảm sức khỏe lâu dài cho người lao động và người lao động phải được trả công xứng đáng theo thỏa thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đồng tình với việc tăng số giờ làm thêm lên một tháng nhưng phải được sự đồng ý của người lao động, đồng thời cần có chế độ tiền lương tương xứng với thời gian làm thêm kéo dài thêm. Tương tự, tăng số giờ làm thêm một năm nhưng không áp dụng với toàn bộ các ngành, nghề. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng cần được xem xét để bảo đảm với sức khoẻ của người lao động, và chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%. Đồng thời, đề nghị không áp dụng chính sách đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, công việc nặng nhọc, độc hại...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đa số các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với cần thiết của việc thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động nhưng phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, phối hợp xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét vào đợt 2 của phiên họp

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất nới 'trần' giờ làm thêm lên 72 giờ/tháng là quá cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới