Vì sao PVOil phải thu hồi văn bản chấn chỉnh người lao động làm thêm mùa dịch?
PVOil đã thu hồi văn bản yêu cầu người lao động muốn làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 phải làm đơn xin nghỉ việc chỉ sau một ngày ban hành.
Thông tin từ Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên tục phải chịu những tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Có những nơi, có những thời điểm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Tổng công ty bị giảm tới hơn 40%.
Mặc dù vậy, cho đến nay, không có bất cứ người lao động nào của PVOil bị mất việc vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên thời gian gần đây, có một số ít trường hợp người lao động của PVOil đã tham gia một số công việc làm thêm có tính chất rủi ro phơi nhiễm dịch bệnh cao do phải tiếp xúc với nhiều người, đi lại liên tục nhiều nơi.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay, PVOil cho rằng việc làm thêm nêu trên có thể tạo ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho chính bản thân người lao động, gia đình của mình cũng như đồng nghiệp và thậm chí có thể dẫn đến gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng xăng dầu gồm hơn 600 cây xăng, gần 30 kho xăng dầu.
Hơn nữa, trong hệ thống này đã có người lao động đi làm thêm việc lái xe taxi công nghệ, vô tình chở trúng ca F0, làm nhiều người trong đơn vị và gia đình trở thành F1, F2... phải đi cách ly. PVOil chia sẻ khó khăn với người lao động nhưng đánh giá tình huống này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống của nhiều người liên quan.
Vì vậy, ngày 14/6, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã ra văn bản số 3774 về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có nội dung đáng chú ý như sau: "Nếu người lao động thực sự có nhu cầu làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ... thì người lao động làm đơn xin nghỉ việc để tổng công ty/đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định của pháp luật".
Yêu cầu này từ phía PVOil nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Trước nhiều ý kiến trái chiều, đến trưa ngày 15/6, đại diện PVOil cho biết đã thu hồi văn bản nêu trên do trong văn bản có sử dụng một số câu từ chưa phù hợp.
Được biết, hiện PVOil có 30 đơn vị thành viên, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ mặt hàng xăng dầu - mặt hàng thiết yếu liên quan đến an ninh năng lượng, nên việc kiểm soát dịch bệnh càng phải được đặt lên hàng đầu.
“Việc ra văn bản cũng xuất phát từ lợi ích và bảo vệ tập thể số đông người lao động, ngăn ngừa phòng chống dịch bệnh, nhằm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Theo đó, nếu trường hợp một cán bộ, nhân viên bị lây nhiễm có thể ảnh hưởng rất lớn đến tập thể chung, hoạt động chung của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh” - một lãnh đạo của PVOil thông tin.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc Tổng công ty Dầu Việt Nam yêu cầu nhân viên, người lao động muốn đi làm thêm phải có đơn xin thôi việc là có phần thái quá và vượt quá phạm vi quản lý của doanh nghiệp đối với người lao động.
Ngoài ra, việc người dân khắc phục khó khăn để bảo đảm đời sống trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, chính đáng. Nhưng điều quan trọng là phải chấp hành và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh theo đúng tinh thần, quy định của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, một lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định: "Làm thêm ngoài giờ là quyền của người lao động. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, nếu đơn vị quản lý đã yêu cầu nhân viên không được đi làm ngoài giờ để phòng, chống dịch mà nhân viên không chấp hành, dẫn đến mắc Covid-19 và làm lây lan ra cộng đồng, ảnh hưởng đến nhiều người khác trong đơn vị thì việc công ty cho nghỉ việc là không sai".
Thùy Linh