Thứ sáu, 22/11/2024 05:46 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/05/2022 06:55 (GMT+7)

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có đề xuất tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7/2022.

Triển khai quy định tại Điều 91 của Bộ luật Lao động, Bộ LĐ-TB&XH ngày 20/5 đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành, địa phương dự thảo Tờ trình và Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

Tại dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thời điểm quy định thời điểm thực hiện mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 như Hội đồng tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7 - Ảnh 1
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động. Mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 100% thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.

Về mức lương tối thiểu giờ, quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Theo Bộ LĐ-TB&XH ,đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.

Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Đây là cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia ILO khuyến nghị cho Việt Nam áp dụng.

Trước đó, ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp. Với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.

Trước đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia, một số hiệp hội nhận thấy thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, 8 hiệp hội gồm: Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam đã có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ kiến nghị áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023.

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Các hiệp hội cũng cho rằng, các khó khăn do dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất.

Cùng với đó, nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương vào đầu năm 2021, 2022.

Các hiệp hội cũng cho rằng, tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục nghìn người lao động không có việc làm.

“Với tình hình trên, có thể thấy rằng doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, cũng cần có được sự hỗ trợ từ Chính phủ giống như Chính phủ hỗ trợ người lao động”, Công văn của các Hiệp hội Doanh nghiệp nêu.

Thời điểm khó khăn với doanh nghiệp

Theo Luật sư Trần Lan Phương, Công ty Luật TNHH Đa Phương, hiện đời sống của người lao động sau đại dịch tiếp tục khó khăn, một bộ phận khó khăn gay gắt, không thể trở lại doanh nghiệp hoặc lựa chọn rút BHXHmột lần.

Trong bối cảnh đó, cả trách nhiệm pháp lý và đạo lý, các doanh nghiệp rất cần bù đắp tiền lương, thu nhập để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Mặt khác, việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn là động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, mạnh, là tiền đề gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, họ cũng đang gượng dậy sau đại dịch, vì thế nếu phải vác tải trọng lớn sẽ thật khó khăn để hồi phục. Vì thế, để hạn chế áp lực cho doanh nghiệp, cần thiết phải tính toán kỹ lộ trình điều chỉnh phù hợp.

Hiện, kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp là lùi thời hạn áp dụng sau 1/1/2023, còn nếu áp dụng ngay từ 1/7/2022 e rằng sẽ tăng một số khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, các chỉ số tăng trưởng; kế hoạch kinh doanh đã được chốt từ đầu năm, nếu tăng lương vào thời diểm 1/7/2022 nghĩa là doanh nghiệp phải điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch chi phí, quỹ lương .

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.