Thứ sáu, 19/04/2024 15:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 17/08/2019 14:49 (GMT+7)

Đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải tại Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh

Theo dõi KTMT trên

Trước thực trạng diện tích chôn lấp chất thải sinh hoạt ngày càng thu hẹp, các khu xử lý tập trung đã phải hợp nhất các ô chôn lấp để tăng khả năng tiếp nhận và xử lý chất thải. Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại, tiết kiệm diện tích đang là đòi hỏi cấp bách với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn T&T vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận dự án Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế tỉnh Thái Nguyên.

Dự án có tổng vốn đầu tư 3.602 tỉ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư là 720,46 tỉ đồng, vốn vay là 2.881,84 tỉ đồng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư khoảng 2.036 tỉ đồng; Công suất xử lý chất thải công nghiệp dự kiến là 300 tấn/ngày, công suất xử lý chất thải nguy hại là 300 tấn/ngày; Công suất phát điện khoảng 13MW (sử dụng 2 tổ máy phát điện tuabin hơi nước, tận dụng nhiệt khi đốt rác, mỗi tổ máy có công suất phát điện 6,5 MW).

Giai đoạn 2 (khởi công từ năm 2023) có tổng vốn đầu tư khoảng 1.566,3 tỉ đồng. Công suất xử lý và tái chế chất thải công nghiệp (nguy hại và thông thường) và chất thải y tế là 600 tấn/ngày; Công suất xử lý chất thải nguy hại lỏng là 300 tấn/ngày. Nhà máy được đặt tại xã Minh Đức, huyện Phổ Yên với tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 285.300 m2.

Đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải tại Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại, tiết kiệm diện tích đang là đòi hỏi cấp bách với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh minh họa

Về lĩnh vực đầu tư nhà máy xử lý chất thải, Đà Nẵng cũng cho thấy quyết tâm xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn công suất lớn, nhằm ưu tiên giảm thiểu các ảnh hưởng môi trường tiêu cực.

Hiện thành phố đang đầu tư 189 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn, đầu tư ô rác số 6 (dự kiến hoàn thành tháng 6/2020); 287 tỉ đồng nâng cấp hệ thống xử lý nước rỉ rác (giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành tháng 6/2020); Dự kiến hoàn thành phủ bạt các ô chôn lấp rác thải tại bãi rác Khánh Sơn vào tháng 9/2020 với chi phí 14 tỉ đồng, 70 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố (dự kiến hoàn thành trong năm 2020).

Cùng với đó, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 650 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam dự kiến hoàn thành tháng 6/2021 (trị giá trên 1.700 tỉ đồng); Hoàn thành nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phố vào năm 2022 với tổng giá trị trên 3.000 tỉ đồng…

Đầu tháng 8 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với nhiều doanh nghiệp về các tiêu chí cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đốt rác phát điện trên địa bàn.Theo lãnh đạo UBND TP, trong 3 tháng tới, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ hoàn thành tiêu chí cho việc đấu thầu. Ngay sau đó, hồ sơ mời thầu sẽ được phát hành theo hình thức đấu thầu rộng rãi để thu hút sự quan tâm tham gia của các nhà đầu tư, nhà thầu trong lĩnh vực này.

Thành phố sẽ quy hoạch khu vực bãi rác và khu lân cận, nếu cần thiết, trở thành một khu đô thị, chứ không còn là khu xử lý môi trường đơn thuần. Do đó, doanh nghiệp đề xuất xử lý, cải tạo bãi rác có thể tham gia từ đấu thầu xử lý rác đến đấu thầu các dự án phát triển đô thị.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải tại Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .