Thứ bảy, 20/04/2024 17:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/08/2019 10:10 (GMT+7)

Bài 1: Loay hoay tìm lời giải 'bài toán' phân loại rác

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với cảnh báo về cuộc khủng hoảng rác toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng. Hiện có tới 3,5 triệu tấn rác được thải ra trên thế giới mỗi ngày. Con số này cao gấp 10 lần so với 100 năm trước và dự kiến sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào cuối thế kỷ 21. Do vậy, rác có thể gây ra những gánh nặng khổng lồ về môi trường cũng như về tài chính cho Chính phủ các nước. Mỗi quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp quản lý và xử lý rác thải phù hợp với điều kiện riêng.

Theo đánh giá và dự báo của các chuyên gia môi trường, Việt Nam phải tiếp nhận một khối lượng chất thải rắn lên tới trên 38 triệu tấn/năm. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 9%/năm. Mặc dù, ngân sách Trung ương và địa phương đã dành hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm để quản lý và xử lý rác thải nhưng kết quả thu được chưa tương xứng với chi phí và nguồn lực đã bỏ ra.

Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa lựa chọn được công nghệ xử lý rác phù hợp. Trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, việc quan trọng hàng đầu là cần giảm thiểu chất thải tại nguồn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn cần được chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phân loại rác tại nhà

Phân loại rác thải tại nguồn là mô hình phân loại rác sử dụng phương pháp thực hiện tránh phân loại nhầm lẫn (có sự đồng bộ màu sắc từ thùng rác nhựa, nơi đổ rác đến xe thu gom rác), nơi đổ rác hay thu gom rác tại khu dân cư và tính từng bước. Mô hình phân loại rác tại nguồn nên thực hiện theo từng bước:

Bài 1: Loay hoay tìm lời giải 'bài toán' phân loại rác - Ảnh 1
Nhiều bãi rác chất "cao như núi" đang tồn tại ở một số địa phương, còn nhiều bất cập trong khâu thu gom và xử lý rác thải.

Rác hữu cơlà các loại rác thực phẩm sau khi bạn chế biến đồ ăn như rau, củ, quả… Sau đó, chúng sẽ được nhân viên thu gom rác chuyển tới các cơ sở sản xuất chế biến thành phân hữu cơ. Với mục đích sử dụng này, ngay từ khi phân loại rác ban đầu chúng ta cũng nên cẩn thận để phân loại chính xác.

Rác vô cơ là các loại rác như sành sứ, gạch, xỉ than, nilon, gỗ… Đây là những loại rác không thể tái sử dụng và tái chế được mà chỉ có thể mang ra khu chôn lấp rác thải. Chính vì vậy, để góp phần bảo vệ môi trường chúng ta nên hạn chế sử dụng các loại rác vô cơ này. Ví dụ, như việc sử dụng các loại túi tự phân hủy đang có trên thị trường hiện nay để thay thế cho túi nilon thông thường tưởng chừng như rất tiện lợi nhưng phải cần từ 400 – 600 năm để có thể phân hủy hết khi được chôn dưới lòng đất.

Rác tái chế như giấy, kim loại, vỏ hộp… sẽ được vận chuyển đến các làng nghề để tái chế thành các loại sản phẩm mới. Vì vậy, khi dùng xong một chai nước mắm, chai dầu ăn hay dầu gội đầu, chúng ta không nên vứt bỏ vào thùng rác mà hãy gom lại để bán cho người thu gom sắt vụn, vừa giúp có thêm thu nhập lại vừa bảo vệ môi trường.

Bài 1: Loay hoay tìm lời giải 'bài toán' phân loại rác - Ảnh 2

Cách phân biệt các loại rác thải trước khi xử lý.

Các chất thải phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của con người được gọi là chất thải rắn sinh hoạt (hay rác sinh hoạt) và các chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được gọi là chất thải rắn công nghiệp. Ngoài ra, còn có chất thải rắn y tế (như các loại bông băng, gạc, kim tiêm... phát sinh từ các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc y tế); Chất thải rắn xây dựng (như sắt thép vụn... phát sinh từ hoạt động xây dựng, phá dỡ, cải tạo sửa chữa các công trình xây dựng).

Kinh tế phát triển, đời sống và thói quen tiêu dùng của nhân dân cũng được nâng cao, cùng với đó là sự gia tăng dân số dẫn đến lượng rác thải phát sinh từ sinh hoạt ngày càng tăng. Trong đó, nguồn phát sinh bao gồm: Sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng như các khu dân cư, các cơ quan, trường học, các trung tâm dịch vụ, thương mại. Tỉ lệ phát sinh rác thải tăng theo tỉ lệ thuận với mức tăng GDP tính theo đầu người.

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nói riêng, phân loại rác tại nguồn nói chung nếu được thực hiện tốt sẽ làm giảm chi phí, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý, tái chế và làm giảm tác động tới môi trường.

Theo các chuyên gia môi trường, nếu Việt Nam thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (chỉ có rác vô cơ mới phải đưa đi chôn lấp) thì sẽ giảm ít nhất 50% khối lượng rác và các vấn đề môi trường cũng được giảm thiểu. Cụ thể là: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu lượng khí metan (CH4) và CO2 phát sinh từ các bãi chôn lấp, vốn là những khí gây hiệu ứng nhà kính; Giảm tối đa khối lượng nước rò rỉ, đồng thời nước rò rỉ cũng được xử lý dễ dàng hơn; Giảm gánh nặng ngân sách chi cho công tác vệ sinh đường phố, vận chuyển và xử lý,...

Một số khó khăn của quá trình phân loại rác tại nhà ở Việt Nam

Hiện nay, phần lớn người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, mặc dù đã có khá nhiều dự án, chương trình tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trong cộng đồng, nhưng có lẽ quy mô chưa đủ lớn, lại mang nhiều tính lý thuyết và đặc biệt là chưa có được phương pháp có tính thực tiễn để mọi người dễ dàng thực hiện.

Thêm nữa, quá trình phân loại rác tại nguồn vẫn còn nhiều hạn chế và được làm theo thói quen: Thu gom lẫn lộn rồi vận chuyển đến bãi rác. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương hiện nay vẫn còn nhiều bãi rác "lộ thiên" với quy trình chôn lấp và tiêu hủy sơ sài, là nguy cơ phát sinh dịch bệnh, thậm chí là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt chủ yếu dựa vào kinh phí bao cấp, chưa huy động được các thành phần kinh tế tham gia, tính chất xã hội hoá hoạt động này còn thấp. Người dân chưa thực sự chủ động tham gia vào hoạt động thu gom, phân loại rác thải, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia môi trường, những người thu mua đồng nát chính là những người tích cực tham gia vào dịch vụ vệ sinh đô thị một cách không chính thức, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Hoạt động của người thu mua đồng nát, các bãi phế liệu và các làng nghề tái chế đã hình thành một hệ thống tái chế thực sự mang lại nguồn kinh tế đáng kể.

Kết quả khảo sát trong 2 năm 2016 – 2017 của Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển IRD (Pháp) cho thấy, tại Hà Nội có khoảng hơn 10.000 người thu gom (đồng nát) đi trên đường phố hàng ngày để tìm kiếm chất thải tái chế hoặc mua từ nhà dân. Sau đó, bán lại cho những người mua rác tại 800 kho chứa chất thải rộng khắp thành phố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các hoạt động này chưa nằm trong bất kỳ quy định pháp lý nào.

Bài 1: Loay hoay tìm lời giải 'bài toán' phân loại rác - Ảnh 3
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, tại các nước phát triển ở châu Âu như: Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Đức, việc quản lý rác thải được thực hiện rất chặt chẽ, công tác phân loại và thu gom rác đã trở thành nề nếp vàngười dân chấp hành rất nghiêm quy định này. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, việc phân loại rác tại nguồn cũng đã được tiến hành cách đây khoảng 30 năm và đến nay cơ bản đã thành công trong việc tách rác thành2 dòng: Rác hữu cơ dễ phân hủy được thu gom xử lý hàng ngày và rác khó phân hủy có thể tái chế hoặc đốt, chôn lấp an toàn được thu gom hàng tuần. Một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lanhay Philipines, cũng đã có những hành động thiết thực, cụ thể để tích cực đẩy mạnh tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường thông qua việc phân loại rác tại nguồn của người dân.

Vì vậy, Việt Nam không thể mãi lạc hậu so với các nước trong quản lý rác thải, đã đến lúc chúng ta cần phải chú trọng vào công tác phân loại rác sinh hoạt tại nguồn.

UBND TP Hồ Chí Minh đã tiên phong trong việc ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND về phân loại chất thải rắnsinh hoạt tại nguồn, qui định này bắt đầu được thi hành từ ngày 24/11/2018. Theo đó, thành phố khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng thiết bị lưu chứa là các thùng rác chuyên dùng của các nhà sản xuất có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, thùng rác có màu xám để chứa chất thải còn lại.

Trên các đường phố chính, các khu thương mại, quảng trường, công viên, khu vui chơi giải trí, điểm tập trung dân cư, đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác có bố trí các thùng rác sinh hoạt có dán nhãn để người dân nhận biết, phân loại. Các thiết bị lưu trữ chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu trữ, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị.

Chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được xây dựng lộ trình và tổ chức thu gom, vận chuyển riêng đến các khu xử lý chất thải rắn tập trung. Các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phân loại phải được phân biệt với các loại xe thu gom, vận chuyển chuyên dụng khác.

Tuy nhiên, nhiều người dân thành phố này cho đến nay vẫn còn hết sức lúng túng với việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Nhiều người cho rằng mức phạt đưa ra quá cao, trong khi việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ: Từ hệ thống thùng rác hai ngăn hoặc hai thùng rác khác màu ở mỗi hộ gia đình, tới hệ thống 3 thùng rác và các xe đổ rác khác màu nhau đặt tại các điểm công cộng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, các hộ dân cũng như công ty vệ sinh môi trường phải đầu tư thêm chi phí mua các túi đựng rác khác màu nhau theo quy định của thành phố.

Theo khoản 4, điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; Không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

Xem tiếp kỳ sau:

Bài 2: Tiềm năng ứng dụng công nghệ cao trong xử lý rác tại Việt Nam

Đặng Hương Giang

Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Loay hoay tìm lời giải 'bài toán' phân loại rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới