Đánh giá một số quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong Hiệp định EVFTA
Đánh giá một số quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon nhằm thực hiện cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt nam trong Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.
1. Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK) mạnh mẽ…. trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Pa-ri, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Trong đó, tại bản NDC cập nhật vào tháng 9/2020, phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã gửi Ban Thư ký của UNFCCC nhấn mạnh tới nhiệm vụ thúc đẩy sớm thị trường tín chỉ carbon, coi đây là công cụ mới mẻ và hữu hiệu góp phần tiến tới mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) vào ngày 17 tháng 11 năm 2020; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ – CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn ngày 07 tháng 01 năm 2022, chính thức đặt nền móng cho việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon ở nước ta.
2. Trên thế giới, nhu cầu về việc mua bán tín chỉ carbon đã dần trở nên cấp thiết. Một số quốc gia đã thử nghiệm và vận hành mang lại một số hiệu quả nhất định phải kể đến như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc. Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường carbon nội địa sẽ góp phần mang lại một số thành tựu nhất định không chỉ ở mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà còn tận dụng được các cơ hội tài chính để phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong những năm qua, từ khi các nước trên thế giới đồng thuận và triển khai trao đổi hạn ngạch phát thải sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, thì thị trường carbon trở nên phát triển mạnh hơn, mang đến những giá trị kinh tế rất lớn cho các bên tham gia, tạo ra một cơ chế mới nhằm giúp các nước có tỉ lệ phát thải lớn không thể một cách đột ngột cắt bỏ một lượng lớn khí phát thải, có thể bỏ ra chi phí để mua về các hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ, ngược lại các quốc gia có tỉ lệ phát thải thấp, trữ lượng carbon trong nước dồi dào có thể bán đi quyền phát thải của mình và thu về các chi phí cần thiết trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nâng cấp quy trình, kỹ thuật và công nghệ để hướng đến sự phát triển xanh bền vững, đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
3. Tín chỉ carbon “là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương”. Đồng thời, “tín chỉ carbon” và “hạn ngạch phát thải” cũng được tách ra thành hai định nghĩa khác nhau trong Luật 2020 (hạn ngạch phát thải được định nghĩa tại Điều 33 còn tín chỉ carbon được giải thích tại Điều 35 khoản 3 Luật BVMT 2020). Như vậy, tín chỉ carbon theo pháp luật Việt Nam hiện hành, chỉ đại diện cho các tín chỉ sinh ra từ các cơ chế trao đổi, bù trừ carbon.
4. Điều 139 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định: Thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường carbon trong nước.
5. Căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính bao gồm: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và chiến lược, quy hoạch phát triển khác có liên quan; Kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, lĩnh vực và cơ sở thuộc danh mục quy định; Lộ trình, phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của đất nước và cam kết quốc tế. Cơ sở phát thải khí nhà kính chỉ được phát thải khí nhà kính trong hạn ngạch đã được phân bổ; trường hợp có nhu cầu phát thải vượt hạn ngạch được phân bổ thì mua hạn ngạch của đối tượng khác thông qua thị trường carbon trong nước. Cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính hoặc không sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ thì được bán lại cho đối tượng khác có nhu cầu thông qua thị trường carbon trong nước.Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên được phép trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong nước. Cơ sở phát thải khí nhà kính tham gia thị trường carbon trong nước thực hiện trao đổi, đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch, tín chỉ carbon; thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 đã có những quy định cụ thể về tổ chức và phát triển thị trường tín chỉ các bon trong nước với lộ trình cụ thể:
6. Giai đoạn đến hết năm 2027: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025;Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
7. Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
8. Luật BVMT 2020 đã có những quy định về nhiệm vụ cụ thể tương ứng với từng chức năng của các cơ quan đóng vai trò trong vấn đề tổ chức và phát triển thị trường carbon. So với chức năng trước đây liên quan đến việc quản lý khí nhà kính trong Luật BVMT 2014 khi Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm kê, xây dựng báo cáo quốc gia về quản lý phát thải nhà kính, Luật BVMT 2020 có những sự ghi nhận cụ thể hơn đối với trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức và phát triển các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và thị trường carbon trong nước nói riêng. Ngoài chức năng kiểm kê, báo cáo lượng phát thải khí nhà kính quốc gia thì Bộ Tài nguyên và Môi trường còn có thêm các chức năng quan trọng như: trình Thủ tướng phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo thời gian; phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải khí nhà kính đạt đủ điều kiện; thành lập, vận hành, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai thị trường carbon trong và ngoài nước. Đồng thời, việc lần đầu tiên ghi nhận vai trò chính thức của Bộ Tài chính trong chế định tổ chức và phát triển thị trường carbon sẽ giúp cho các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường có thêm nhiều chất liệu kinh tế trong việc xây dựng các quy định hướng dẫn việc thực thi thị trường carbon trên thực tế. Với cơ chế chuyên trách, được phân công cụ thể sẽ tạo ra môi trường pháp lý tương xứng giúp cho thị trường carbon nội địa tại Việt Nam sớm có thể đi vào thực tiễn.
9. Nghị định 06/2022/NĐ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan theo đó: Bộ Tài chính chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tổ chức vận hành thí điểm và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon phục vụ quản lý và theo dõi, giám sát thị trường carbon; quy định các hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới; quy định thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; xây dựng tài liệu tuyên truyền, thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực cho các đối tượng tham gia thị trường carbon.Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính thực hiện quy định và các hoạt động thúc đẩy việc phát triển thị trường carbon; tổ chức phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của cộng đồng về thị trường carbon.
10. Tại bản đóng góp do quốc gia tự quyết định(NDC)cập nhật vào tháng 9/2020, phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã gửi Ban Thư ký của UNFCCC nhấn mạnh tới nhiệm vụ thúc đẩy sớm thị trường tín chỉ carbon, coi đây là công cụ mới mẻ và hữu hiệu góp phần tiến tới mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam không chỉ phù hợp với xu thế của thế giới, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tại Việt Nam đã có một số dự án thí điểm tín chỉ carbon, chủ yếu là thông qua chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kí kết với Quỹ Đối tác cácbon trong Lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân Hàng Thế Giới vào năm 2020. Hiện nay, dự án đã được triển khai tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và qua đó nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ FCPF. Những lợi ích chủ yếu mang lại từ chương trình này là việc khuyến khích quản lý đất đai bền vững và tạo ra nguồn tài chính bổ sung quan trọng cho hoạt động giảm mất rừng và giảm suy thoái rừng. Ở Quảng Nam đã đề xuất thành lập “Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+)”. Hiện nay, dự án này đã được Phó Thủ Tướng Lê Văn Thành phê duyệt và đang trong quá trình thực hiện, với thời gian thí điểm dự án trong 5 năm (2021-2025). Tuy nhiên, nhìn chung, những dự án nêu trên được triển khai trên thị trường phi tập trung, mang ý nghĩa về mặt bảo vệ rừng và đem lại một số lợi ích kinh tế phục vụ cho cộng đồng dân cư của từng địa phương, nên hầu như không có nhiều giá trị về mặt kinh nghiệm quản lí cho việc thiết lập các thị trường tập trung như sàn giao dịch cácbon trong tương lai. Ngày 28 tháng 12 năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng bắc trung Bộ theo đó ERPA là Thỏa thuậnchi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ,được ký ngày 22 tháng 10 năm 2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD); Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế chuyển giao lại cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Chuyển nhượng kết quả giảm phát thải là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế theo ERPA (gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO2 và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có). Như vậy có thể thấy quá trình thực hiện các quy định về thúc đẩy thị trường tín chỉ các bon ở Việt Nam đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể có liên quan nhằm xây dựng và vận hành thị trường đặc biệt này đem lại nhiều lợi ích và đảm bảo thực hiện các cam kết của nước ta trong các EVFTA về ứng phó với biến đổi khí hậu, các quy định pháp luật đã tạo tiền đề để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này trong thời gian tới. Phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam không chỉ phù hợp với xu thế của thế giới, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cũng phù hợp với tiềm năng về giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong NDC, trong đó, việc ước tính tiềm năng giảm phát thải nhằm vào các lĩnh vực như: lĩnh vực năng lượng tiềm năng giảm phát thải từ các phương án (khoảng 76 triệu tấn CO2 tương đương); lĩnh vực nông nghiệp (khoảng 45 triệu tấn CO2 tương đương); lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (khoảng 66 triệu tấn CO2tđ); đối với lĩnh vực chất thải (khoảng 24 triệu tấn CO2 tương đương). Bên cạnh các dự án về trồng rừng, các dự án CDM hay các các hành động giảm nhẹ BĐKH phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMAs) khi được thực hiện cũng sẽ tạo một nguồn tín chỉ carbon để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo các chuyên gia, nếu dán nhãn hàng hóa cho CO2 thành công thì Việt Nam hoàn toàn có thể bán tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Nếu tính trung bình 5 USD mua 1 tấn CO2 như mức giá vừa qua với Ngân hàng Thế giới, thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng chục triệu USD từ việc bán tín chỉ carbon . Ở Việt Nam, trong quá trình phát triển, các ngành kinh tế vẫn chủ yếu sử dụng các công nghệ tương đối lạc hậu so với thế giới nên khả năng cải tiến công nghệ để giảm thiểu phát thải khí nhà kính cũng rất lớn (chi phí giảm 1 tấn khí nhà kính sẽ thấp), đặc điểm này vừa tạo điều kiện cho thị trường carbon vừa thúc đẩy hoạt động đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ đang có chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, có chú ý đến việc phát triển năng lượng tái tạo, các ngành kinh tế ít carbon cũng là yếu tố có lợi cho việc tham gia thị trường carbon của Việt Nam.
11. Về nguyên tắc thực hiện hoạt động trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường, Nghị định đã quy định những nguyên tắc mang tính chủ đạo, căn bản, là định hướng chính cho việc thực thi thị trường carbon trên thực tế. Khoản 3 Điều 4 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định: “Hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các bon đảm bảo công khai, hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường các bon. Các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường các bon trên cơ sở tự nguyện”. Về vấn đề “đảm bảo công khai”, đây là nguyên tắc có vai trò vô cùng quan trọng đối với thị trường carbon. Bởi lẽ, việc công khai, minh bạch sẽ gây dựng được niềm tin cho các chủ thể và khuyến khích họ tham gia vào một thị trường còn khá mới mẻ ở nước ta hiện nay.
12. Tóm lại, các quy định pháp luật về phát triển thị trường tín chỉ các bon ở Việt Nam trong thời gian qua đã không ngừng được hoàn thiện, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu góp phần quan trọng trong việc thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta trong các EVFTA.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
- Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày25/9/2012 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Quyết định 2139/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH
- Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật BVMT 2020
- Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn
- https://vntr.moit.gov.vn/vi/fta/31/2
- https://vupc.monre.gov.vn/quan-ly-hoa-chat/1658/cac-cam-ket-ve-moi-truong-bat-buoc-thuc-hien-trong-cptpp-va-evfta
- https://trungtamwto.vn/chuyen-de/24266-xay-dung-thi-truong-tin-chi-carbon-ba-rao-can-lon
- https://baotainguyenmoitruong.vn/lo-trinh-xay-dung-thi-truong-cac-bon-trong-nuoc-322747.html
Ths. Nguyễn Thị Hằng