Thứ năm, 21/11/2024 23:52 (GMT+7)
Thứ hai, 27/11/2023 11:30 (GMT+7)

Bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế trước BĐKH trong quá trình thực hiện cam kết BVMT theo EVFTA

Theo dõi KTMT trên

Trong số các vấn đề môi trường thuộc nội dung cam kết, biến đổi khí hậu được xác định là một trong những nội dung trọng yếu, yêu cầu mức độ bảo đảm tuân thủ và thực thi hiệu quả của các bên.

Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương quy định các thỏa thuận giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU); trong đó Hiệp định đã dành riêng Chương 13 quy định về Thương mại và Phát triển bền vững (từ Điều 13.1 đến Điều 13.17). Mục tiêu của Chương này là thúc đẩy phát triển bền vững, ghi nhận thông qua việc thúc đẩy sự đóng góp của các lĩnh vực liên quan đến thương mại và đầu tư lên các vấn đề lao động và môi trường. Trong số các vấn đề môi trường thuộc nội dung cam kết, biến đổi khí hậu được xác định là một trong những nội dung trọng yếu, yêu cầu mức độ bảo đảm tuân thủ và thực thi hiệu quả của các bên.

Biến đổi khí hậu đã và đang làm trầm trọng hơn các vấn đề về bảo vệ môi trường tự nhiên và bảo đảm chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội của con người; trong đó đặc biệt là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu và phân tích vấn đề bảo đảm quyền của nhóm chủ thể đặc biệt này trước biến đổi khí hậu trong quá trình thực hiện các cam kết môi trường theo EVFTA.

1. Khái niệm nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương

1.1. Nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương

Ngày 19/10/2005, các quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn Thế giới về Đạo đức sinh học và Nhân quyền (Universal Declaration on Bioethics and Human Rights). Điều 8 của Bản Tuyên ngôn đề cập đến “tính dễ bị tổn thương” và “nhóm dễ bị tổn thương”. Tuyên ngôn không đưa ra định nghĩa về các thuật ngữ “tính dễ bị tổn thương” hay “nhóm dễ bị tổn thương” nhưng khẳng định rằng không chỉ các cá nhân mà cả các gia đình, các nhóm và cộng đồng đều có thể bị tổn thương; đồng thời chỉ ra một số trường hợp có thể làm cho các cá nhân và nhóm dễ bị tổn thương như: dịch bệnh, khuyết tật, các điều kiện khác của cá nhân, điều kiện môi trường, giới hạn tài nguyên…Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhóm lao động yếu thế thường tập trung tại các khu vực phi chính thức (informal sector). Đây là khu vực tập trung các đơn vị sản xuất ra sản phẩm vật chất và dịch vụ với mục tiêu chủ yếu nhằm tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Các đơn vị này thường hoạt động với tổ chức quy mô nhỏ, quan hệ lao động chủ yếu dựa trên lao động không thường xuyên, quan hệ họ hàng hoặc quan hệ cá nhân hơn là những quan hệ qua hợp đồng với những đảm bảo chính thức. Từ đó, lao động phi chính thức được xác định là nhóm người có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài; không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác. Những người lao động này thường luẩn quẩn trong đói nghèo, hạn chế về năng lực, kiến thức và điều kiện kinh tế, do đó không có nhiều cơ hội để hòa nhập xã hội.

Trong hệ thống khoa học pháp lý Việt Nam hiện hành, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, TS.Vũ Công Giao và ThS.Lã Khánh Tùng đã đưa ra khái niệm về nhóm người yếu thế. Theo đó, nhóm người yếu thế là “Những nhóm, cộng đồng có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay vi phạm các quyền con người, và bởi vậy, họ cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác”. Từ những quan điểm trên, theo tác giả, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương là người bị hạn chế một phần năng lực do tự nhiên hoặc do hoàn cảnh xã hội quy định khiến họ bị đánh giá thấp về địa vị, kinh tế, chính trị, xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện và năng lực có sẵn như nhau. Tuy nhiên, tính yếu thế của họ không phải là bất biến bởi một người có thể thuộc nhóm người yếu thế tại thời điểm này nhưng có thể tại thời điểm khác sẽ không còn là nhóm người yếu thế nữa.

Theo cách xác định của UNESCO, nhóm người yếu thế bao gồm “những người ăn xin, nạn nhân của các loại tội phạm, người tàn tật, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, nhóm giáo dục đặc biệt, người cao tuổi, người nghèo, tù nhân, người lao động tình dục, người thất nghiệp, người lang thang cơ nhỡ. Ngoài ra còn kể đến người tị nạn, người xin tị nạn, người bị xã hội loại trừ”. Cùng với đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHOcũng không đưa ra định nghĩa về “nhóm dễ bị tổn thương” mà chỉ xác định các đối tương “dễ bị tổn thương” bao gồm: “Trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người suy dinh dưỡng, và những người bị ốm hoặc suy giảm miễn dịch, đặc biệt dễ bị tổn thương khi xảy ra thiên tai…”. Thừa nhận cách tiếp cận này, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận những nhóm người yếu thế cơ bản như trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ, người dân tộc thiểu số…Đồng thời, do đặc thù về kinh tế, xã hội, Việt Nam còn ghi nhận nhóm người yếu thế sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do nghèo đói, bệnh tật và tác động của môi trường. 

1.2. Bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương

Có thể thấy, người yếu thế trước hết là con người, là công dân; do đó quyền của người yếu thế cũng mang đầy đủ những tính chất của quyền con người, quyền công dân, sau đó mới mang những tính chất riêng tương ứng với đặc điểm của từng nhóm yếu thế cụ thể. Nói cách khác, quyền của người yếu thế là các quyền tự nhiên vốn có của người yếu thế, được thực hiện hoặc không thực hiện các hoạt động một cách tự nguyện mà không chủ thể nào được phép cản trở, xâm phạm hay phân biệt đối xử chỉ vì tình trạng yếu thế của họ. Quyền của người yếu thế nói riêng là những đặc lợi mà chỉ người yếu thế mới có, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện.

Từ đó có thể hiểu, bảo đảm quyền của người yếu thế, dễ bị tổn thương là việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để người yếu thế, dễ bị tổn thương được hưởng các quyền vốn có của mình một cách phù hợp, đầy đủ và trọn vẹn nhất. Cụ thể, việc bảo đảm quyền của người yếu thế, dễ bị tổn thương cần được xem xét trên nhiều phương diện, khía cạnh, xuất phát từ những nhu cầu cơ bản của con người để tồn tại và phát triển.

2. Những khó khăn trong việc bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam trong vấn đề bảo đảm phát triển bền vững, ổn định kinh tế, duy trì các giá trị, lợi ích về môi trường và bảo đảm an sinh và an toàn xã hội. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến toàn bộ nền kinh tế, sinh kế của người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm người yếu thế trong xã hội thể hiện ở những khó khăn về lao động, việc làm, tình trạng nghèo đói và công tác giảm nghèo, gia tăng nhu cầu trợ giúp xã hội và vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Trước thực trạng trên, Việt Nam đã tiến hành kí kết với Liên minh châu Âu (EU) Hiệp định thương mại tự do (European-Vietnam Free Trade Agreement, EVFTA); trong đó dành riêng Chương 13 quy định về Thương mại và Phát triển bền vững (từ Điều 13.1 đến Điều 13.17). Cụ thể, các cam kết về nghĩa vụ của các Bên trong việc giải quyết các mối đe dọa cấp bách của biến đổi khí hậu được nêu ra tại Điều 13.6 nhằm yêu cầu các Bên thực hiện các điều ước đa phương liên quan đến Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư thuộc Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (Nghị định thư Kyoto) và Hiệp định tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc 2015 trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hiệp định Paris).

Tuy nhiên, cần nhận thức được rằng, những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra không xâm phạm trực tiếp đến quyền của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương mà chỉ xâm phạm một cách gián tiếp, được thể hiện thông qua việc các chủ thể thuộc nhóm này trong quá trình tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Quá trình nghiên cứu đã chỉ ra một số khó khăn chính trong việc bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu theo EVFTA ở Việt Nam hiện nay, cụ thể:

- Thứ nhất, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương là chủ thể có tâm lý e ngại, tự ti, trình độ dân trí và năng lực chuyên môn thấp; dẫn tới khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu bị hạn chế

Quá trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương là những chủ thể có những đặc điểm đặc thù, cụ thể:

+ Đặc điểm về tâm lý xã hội: Đây là nhóm người thường dễ tự ti, mặc cảm trước những người xung quanh về sự yếu thế của mình nên họ có xu hướng sống khu trú, co cụm và tránh giao tiếp với mọi người. Nhóm người yếu thế thường mặc định rằng mình bị người khác coi thường, thiếu tôn trọng, không được xã hội thừa nhận. Họ có xu hướng thấy mình là nạn nhân của việc không được tiếp cận các dịch vụ xã hội, bị phân biệt đối xử và ít khi được quyền quyết định vận mệnh của mình.

+ Đặc điểm về địa vị chính trị, xã hội: Nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương thường là những người có địa vị chính trị, xã hội không cao, không có “tiếng nói” hoặc “tiếng nói” yếu ớt khi vào gia vào các hoạt động xã hội. Do chỉ chiếm thiểu số và do sự yếu thế của mình nên họ thường bị bỏ qua trong các hoạt động chính trị, xã hội.

+ Đặc điểm về khả năng kinh tế: Phần lớn nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương là những người có khả năng kinh tế thấp. Điều này xuất phát bởi họ thuộc nhóm người có trình độ dân trí thấp, không có khả năng lao động hoặc khả năng lao động bị hạn chế dẫn tới việc họ bị mất cơ hội việc làm và không có thu nhập để tự trang trải và nuôi sống chính mình, không có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ xã hội cơ bản nhất như nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế…

+ Đặc điểm về nhận thức pháp luật và năng lực tự vệ pháp lý: Xuất phát từ năng lực nhận thức và trình độ dân trí còn hạn chế, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương thường là những người có nhận thức pháp luật chưa cao, năng lực tự vệ pháp lý do đó còn nhiều hạn chế. Họ không nhận thức được hoặc nhận thức không đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của  mình khi tham gia vào các quan hệ xã hội được pháp luật ghi nhận; do đó khi phát sinh tranh chấp, họ không có cơ chế pháp lý rõ ràng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Xuất phát từ những khó khăn về tâm lý, trình độ dân trí, năng lực chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương thường bị động trong việc thích ứng và giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Với nguồn vốn tích lũy còn hạn chế trong việc phục vụ cho các nhu cầu cơ bản của đời sống sinh hoạt, nhóm chủ thể này sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc phải chi trả các chi phí tăng thêm trong sản xuất, sinh hoạt, chi phí trong việc di cư tới những nơi ở mới do tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, từ đó gây nên tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, đe dọa về cuộc “khủng hoảng nhân quyền” có thể xảy ra.

- Thứ hai, quan điểm và định kiến của xã hội khiến nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương có nguy cơ bị cản trở trong việc tiếp cận và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Như đã phân tích, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương là nhóm chủ thể bị hạn chế bởi những rào cản về tâm lí, trình độ dân trí, năng lực chuyên môn và khả năng kinh tế. Do đó, họ gặp những khó khăn và trở ngại nhất định trong việc tiếp cận và được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, quyền công dân. Cùng với đó, quan điểm và định kiến xã hội về nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương đã và đang ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lí xã hội và khả năng được bảo đảm các quyền của nhóm chủ thể này – đặc biệt trong điều kiện tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Định kiến xã hội được hiểu là những thái độ tiêu cực nảy sinh trên cơ sở chắc chắn, tập hợp của các quan niệm, ý kiến, niềm tin hoặc biểu tượng có tính chất rập khuôn và đơn giản hóa quá mức về những đặc điểm bề ngoài, thái độ và hành vi ứng xử xã hội, những ấn tượng xấu…về một nhóm người nào đó tùy theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. Đó là những định kiến về khả năng lao động, trình độ dân trí, văn hóa…Định kiến xã hội về nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương tạo nên sự phân biệt xã hội, đó là: (i) tình trạng mất việc làm đối với lao động là nữ giới (đặc biệt trong các ngành nghề chịu sự tác động lớn từ môi trường tự nhiên như nông nghiệp, du lịch…). Tại Việt Nam, cũng như ở các nước đang phát triển, phụ nữ vẫn tiếp tục là lực lượng chính cấu thành nhóm lao động nghèo, có thu nhập thấp hơn, dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp hơn, và có điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới. Phụ nữ Việt Nam chủ yếu làm việc trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình không được trả lương, và trong khu vực “vô hình” của nền kinh tế phi chính thức – họ làm giúp việc gia đình, lao động tại gia, bán hàng rong và làm việc trong ngành công nghiệp giải trí. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội có định kiến về người phụ nữ sẽ có địa vị thấp hơn nam giới và đặt gánh nặng làm công việc nhà không lương lên vai người phụ nữ, nhưng vẫn mong muốn họ tham gia sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp và nền kinh tế thị trường. (ii) tình trạng di dân ồ ạt chủ yếu diễn ra ở nhóm lao động có thu nhập thấp ra các đô thị lớn, (iii) hiện trạng nghèo đói – thậm chí nghèo đói cùng cực có thể xảy ra tại những địa phương chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, (iv) trẻ em thuộc nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương có thể bị hạn chế trong việc tiếp cận với thực phẩm, nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

- Thứ ba, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, từ đó càng làm gia tăng các tác động tiêu cực tới nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương

Biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề mới xuất hiện. Tuy nhiên trong những năm gần đây – khi kỷ nguyên năng lượng đang ngày càng chứng minh được sự tiến bộ vượt trội của nó, thì đi cùng với đó, những tác động do biến đổi khí hậu đem lại cũng trở nên rõ ràng và khốc liệt hơn. Biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế xã hội của người dân, trong đó đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải, việc phát triển đô thị, các khu công nghiệp và nhà ở, vấn đề bất bình đẳng giới và tình trạng di dân ồ ạt, thiếu kiểm soát…Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến tất cả các khu vực, các quốc gia và mọi tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, đối với nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương vốn đã có những hạn chế về tâm lí xã hội, trình độ dân trí, năng lực chuyên môn và khả năng kinh tế, nay sẽ phải chi trả và chịu tổn thất nhiều hơn bởi những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, nếu Việt Nam không có các biện pháp thích ứng phù hợp, kịp thời, sẽ có khoảng một triệu (1 triệu) người dân sẽ rơi vào tình trạng nghèo khó trong năm 2050, trong đó phần lớn rơi vào nhóm chủ thể yếu thế, dễ bị tổn thương. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng họ được tiếp nhận và thụ hưởng đầy đủ các quyền con người, quyền công dân đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

  1. Một số giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm quyền của nhóm lao động yếu thế trước biến đổi khí hậu theo EVFTA

- Thứ nhất, xây dựng chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản trước biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay

Như đã khẳng định, an sinh xã hội là một trong những ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, để bảo đảm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Đảng và Nhà nước cần tiến tới xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội đối với nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay. Tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là vấn đề đặc biệt quan trọng trong chính sách an sinh xã hội nhằm hướng đến mục tiêu công bằng xã hội, bảo đảm quyền của nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Đồng thời, cần kiên quyết và nhanh chóng loại bỏ những rào cản liên quan đến các thủ tục hành chính để các nhóm yếu thế như người di cư, người nghèo, người nhận trợ giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ cơ bản một cách công bằng, hiệu quả. Tuy nhiên, trong điều kiện là một quốc gia đang phát triển, cần thiết phải cân nhắc và quyết định sáng suốt về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu về bảo đảm an sinh xã hội cho cộng đồng – trong đó có nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương. Việc bảo đảm an sinh xã hội đối với nhóm chủ thể này sẽ góp phần khắc phục triệt để những tàn dư của chế độ phân phối theo kiểu bao cấp, bình quân, cào bằng như sai lầm của thời kỳ trước đổi mới. Tuy nhiên, cũng không thể dồn phần lớn của cải làm ra để thực hiện an sinh xã hội dành cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương vượt quá khả năng mà các nguồn lực vật chất và nguồn lực con người của đất nước có thể cho phép. Do đó, cần cân nhắc và lựa chọn, quyết định giữa mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với các chính sách về bảo đảm an sinh xã hội đối với nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương một cách thận trọng, sáng suốt để những yêu cầu này không trở thành rào cản, mà là động lực để xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo, trang bị kiến thức, kĩ năng thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu đối với nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương

Bởi những hạn chế trong việc tiếp cận đến các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, biện pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với nhóm chủ thể này. Tuy nhiên, nếu không thực hiện các chính sách về trợ cấp xã hội, hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra một cách thích đáng; trong nhiều trường hợp sẽ gây ra tâm lí ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp từ Đảng, Nhà nước và xã hội của nhóm chủ thể này. Do đó, cần thiết phải xây dựng các phương án cụ thể nhằm trang bị các kiến thức và kĩ năng cơ bản về thích ứng và giảm nhẹ với biến đổi khí hậu cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương để họ có khả năng chủ động và thích ứng kịp thời, linh hoạt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cụ thể, chính quyền địa phương trên địa bàn cả nước cần định hướng và hỗ trợ người dân – trong đó bao gồm chủ thể thuộc nhóm người yếu thế trong việc phát triển và đa dạng hóa sinh kế thông qua các hoạt động như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi phạm vi và quy mô sản xuất, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật công nghệ,… nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó trọng tâm phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng theo hướng các bon thấp như: phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng; nông nghiệp xanh ít phát thải; liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái; làng thông minh với khí hậu; làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng; cộng đồng làng xã các-bon thấp; sản xuất tích hợp theo hướng sinh thái khép kín cho các làng nghề…Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe để chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu như xây dựng, ban hành các hướng dẫn cho cán bộ y tế và người dân về chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng, mùa lạnh, hướng dẫn xử lý nước.

Thứ ba, đầu tư và đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới cộng đồng, trong đó bao gồm nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương

Để kịp thời theo dõi, thông báo, từ đó đưa ra các cảnh báo và biện pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm quan trắc môi trường, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp; các công nghệ dự báo khí tượng thủy văn dần tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực. Tuy nhiên, để các thông tin được dự báo kịp thời và chính xác hơn, cần thiết phải nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực dự báo, quan trắc, giám sát khí hậu, từ đó xây dựng các phương án chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu tới cộng đồng – bao gồm nhóm chủ thể yếu thế, dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, các thành tựu khoa học công nghệ về giống cây trồng, vật nuôi và các quy trình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, các giải pháp, mô hình tích hợp thích ứng được chuyển giao, áp dụng tại nhiều địa phương cần được nhân rộng trong thời gian tới nhằm tạo nguồn sinh kế ổn định cho cộng đồng nói chung và nhóm người yếu thế nói riêng.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm nhóm chủ thể yếu thế, dễ bị tổn thương.

Việt Nam đã và đang là quốc gia tham gia tích cực và chủ động trong nỗ lực bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về ứng phó với biến đổi khí hậu năm 1992 (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto năm 1997, Thỏa thuận Paris năm 2016 và đóng vai trò ngày càng tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã đệ trình lên Ban thư ký của UNFCCC: Thông báo quốc gia 3; Báo cáo cập nhật 2 năm 1 lần (BUR) gồm 3 báo cáo (BUR1 năm 2014, BUR2 năm 2017 và BUR3 năm 2020); Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC, năm 2015) và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC, năm 2020). Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam đã huy động được nguồn lực đáng kể cho thích ứng với biến đổi khí hậu, điển hình là Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã huy động được khoảng 1,5 tỷ USD . Tại Hội nghị COP26 tổ chức tháng 11/2021 tại Anh, Việt Nam đã tham gia Sáng kiến về Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu; Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Việc tiếp tục chủ động và tích cực trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và bảo đảm quyền con người trước biến đổi khí hậu nói riêng – bao gồm nhóm chủ thể yếu thế, dễ bị tổn thương là minh chứng rõ ràng nhất với cộng đồng quốc tế về nỗ lực của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện quyết tâm và lộ trình rõ ràng của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Thứ năm, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu theo EVFTA tại Việt Nam hiện nay

Dự án Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM) ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2000. Đây là phương pháp quản lý rủi ro do thiên tai gây ra – trong đó bao gồm các hoạt động về ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào sức mạnh và sự liên kết của cộng đồng. Cần nhận thức được rằng, yêu cầu nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động của cộng đồng để cùng chung tay với thế giới trong việc giảm phát thải khí nhà kính, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo phát triển nền kinh tế bền vững là mục tiêu của các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Đối với nhóm chủ thể yếu thế, dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu, do đó hơn hết đây là nhóm chủ thể cần nhận được sự chia sẻ và trợ giúp thích đáng, hiệu quả từ cộng đồng nói chung trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người, quyền công dân. Mô hình trợ giúp xã hội dành cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu cần thiết phải dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên, tăng cường tái chế, tái sử dụng.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992;
  2. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR);
  3. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (ICESCR)
  4. Công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990
  5. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội (ICESCR)
  6. Nghị định thư Kyoto năm 1997;
  7. Thỏa thuận Paris năm 2016;
  8. Tuyên ngôn Thế giới về Đạo đức sinh học và Nhân quyền năm 2005;
  9. Hiến pháp năm 2013;
  10. Bộ luật Hình sự năm 2015;
  11. Bộ luật Dân sự năm 2015;
  12. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
  13. Luật Tài nguyên nước năm 2012;
  14. Luật Khoáng sản năm 2010;
  15. Luật Lâm nghiệp năm 2017;
  16. Luật Thủy sản năm 2017;
  17. Luật Trẻ em năm 2016;
  18. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
  19. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015;
  20. Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007;
  21. Luật Quốc tịch năm 2008;
  22. Nghị định 06/2022/NĐ – CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô – dôn;
  23. Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu;
  24. http://lib.ussh.vnu.edu.vn;
  25. https://www.congluan.vn;
  26. https://moit.gov.vn;
  27. https://ncov.vnanet.vn;
  28. http://www.molisa.gov.vn;
  29. https://tapchicongsan.org.

Luật sư Vũ Tuyết Hạnh, Công ty Luật TNHH Inteco

Bạn đang đọc bài viết Bảo đảm quyền của nhóm người yếu thế trước BĐKH trong quá trình thực hiện cam kết BVMT theo EVFTA. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.