Thứ tư, 04/12/2024 03:41 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/11/2023 06:50 (GMT+7)

Cam kết môi trường trong Hiệp định CPTPP: Cơ hội, thách thức đối với Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Hiệp định CPTPP là Hiệp định thương mại đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia có đưa các nội dung về môi trường thành một chương trong các cam kết.

1. Đặt vấn đề

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)[1] được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 với 11 thành viên sau 8 năm đàm phán. CPTPP chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019 và có hiệu lực với tất cả các nước thành viên vào 12/07/2023 sau khi quốc gia cuối cùng là Brunei chính thức phê chuẩn. Ngày 16/07/2023, Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP và nâng tổng số thành viên của Hiệp định lên 12 thành viên.

Hiệp định CPTPP là Hiệp định thương mại đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia có đưa các nội dung về môi trường thành một chương trong các cam kết. Nội dung của các cam kết hướng tới việc thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách thương mại với môi trường; ủng hộ các quốc gia có các biện pháp phù hợp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, hạn chế khai thác và sử dụng làm cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa tự do hóa thương mại đối với các hàng hóa và dịch vụ theo hướng chuyển dịch sang nền kinhtế xanh và nền kinh tế các bon thấp.

2. Tổng quan về cam kết môi trường trong Hiệp định CPTPP

Có tất cả 30 chương trong Hiệp định CPTPP, trong đó Chương 20 về Môi trường bao gồm 23 điều, có thể chia làm 04 nội dung chính, bao gồm:

Nhóm 1: Các điều khoản chung liên quan đến các định nghĩa, mục tiêu và các tuyên bố chung của Hiệp định, gồm 3 có điều 1, 2 và 3;

Nhóm 2: Các điều khoản liên quan đến các quy định về tính minh bạch và sự tham gia của công chúng, bao gồm 3 điều 7, 8 và 9;

Nhóm 3: Các điều khoản liên quan đến các hoạt động tổ chức bộ máy, các cơ quan chịu trách nhiệm và cơ chế phối hợp thực hiện và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan giữa các bên tham gia, gồm 6 điều 12, 19, 20, 21, 22 và 23;

Nhóm 4: Gồm các điều khoản trực tiếp về các vấn đề môi trường: (1). Hàng hóa và dịch vụ môi trường; (2). Các hiệp định môi trường đa phương; (3) Bảo vệ tầng ô zôn; (4). Bảo vệ môi trường biển từ ô nhiễm do vận tải biển; (5). Thương mại và đa dạng sinh học; (6). Thương mại và bảo tồn (động thực vật hoang dã); (7). Các loài ngoại lai xâm lấn; (8). Chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp và tự cường; (9). Ngành thủy sản đánh bắt cá trên biển; (10). Các cơ chế tự nguyện để thúc đẩy thực thi môi trường và (11). Hợp tác trách nhiệm xã hội.

Như vậy với 23 điều trong chương 20 của Hiệp định CPTPP đã đề cập khá toàn diện liên quan đến bảo vệ môi trường, nhất là những vấn đề môi trường liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường biển và bảo vệ tầng ô zôn. Những vấn đề môi trường liên quan đến toàn cầu.

3.  Những vấn đề mới

Có 04 vấn đề mới nổi bật lần đầu tiên chính thức được đưa vào trong các cam kết thương mại đa phương mà Việt Nam tham gia, gồm: (1) Các cam kết về hàng hóa và dịch vụ môi trường; (2) Các cam kết về chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp; (3) Các vấn đề liên quan đến ô nhiễm đại dương và suy giảm nguồn tài nguyên thủy sản trên biển do hoạt động đánh bắt cá và (4) Thành lập Ủy ban môi trường, những vấn đề liên quan đến liên lạc quốc gia và cơ chế giải quyết các vấn đề thương mại - môi trường giữa các quốc gia. Những vấn đề này phù hợp với thực tiễn trao đổi thương mại liên quan đến môi trường trong bối cảnh mới.

4. Các nội dung cam kết

Có thể chia nội dung của các điều khoản về môi trường thành 02 nhóm:

Nhóm cam kết mang tinh chất hợp tác: Gồm cam kết về hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa, dịch vụ có hỗ trợ, đóng góp cho việc thực hiện tăng trưởng xanh và nền kinh tế các bon thấp, được quy định tại điều 15 và điều 18 với các chủ trương về giảm thuế, rào cản thương mại và hợp tác thông qua các dự án song phương và đa phương và thúc đẩy đầu tư giữa các bên. Chưa có các cam kết sâu hơn về cắt giảm thuế hay các cam kết khác. 

Nhóm cam kết chuyên sâu: Gồm các nội dung về hạn chế ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên do các hoạt động thương mại. Nhóm này tập trung vào đa dạng sinh học, bảo tồn, cơ chế thực thi môi trường tự nguyện, bảo vệ tầng ô zôn, sinh vật ngoại lai. Nội dung chủ yếu là kêu gọi hợp tác bảo vệ, hạn chế, và một số là ngăn cấm các hoạt động thương mại đối với các hoạt động này.

4.1. Nhóm cam kết mang tính chất hợp tác

Thứ nhất, các cam kết về hàng hóa và dịch vụ môi trường (EGS) vẫn tiếp tục dừng lại ở các tuyên bố chung, chưa tạo ra bước đột phá nào so với các cam kết trước đây. Mặc dù đã được đưa vào trong các cam kết, tuy nhiên nội dung của các cam kết chưa thực sự có nhiều thay đổi, mới chỉ được dừng lại ở các tuyên bố chung về giảm thuế và hạn chế các rào cản phi thuế quan nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư đối với EGS mà chưa có những cam kết sâu hơn về các cắt giảm thuế, cũng như chỉ ra danh mục các hàng hóa và dịch vụ môi trường cho thực hiện các cam kết.  

Tuy nhiên, đây được xem là một bước tiến thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại đối với vấn đề tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường. Thực tế, quá trình tự do hóa thương mại đối với EGS diễn ra từ khá sớm trong khuôn khổ các hợp tác quốc tế và có sự khác biệt đối với hàng hóa môi trường và dịch vụ môi trường. WTO, OECD và APEC hiện nay đang là những tổ chức quốc tế dẫn đầu trong thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại đối với hàng hóa môi trường thông qua việc hình thành Hiệp định thương mại riêng trong khuôn khổ của các tổ chức. Năm 2001, hàng hóa môi trường mới được đưa vào các đàm phán chính thức tại WTO và tháng 1/2014 tại Davos, Thụy Sĩ, 17 nền kinh tế chiếm tới 86% thị trường hàng hóa môi trường toàn cầu gồm EU, US, Trung Quốc, Australia, Canada, New Zealand, Thụy Điển, Na Uy, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Costa Rica đã khởi xướng cho thúc đẩy một Hiệp định về hàng hóa môi trường (EGA) dựa vào danh mục 54 hàng hóa môi trường đã được phân loại bởi APEC, tuy nhiên đến nay, các đàm phán vẫn chưa có nhiều bước tiến. Năm 2012, tổ chức APEC trong đó Việt Nam là thành viên đã thống nhất được một cam kết tự nguyện về cắt giảm thuế quan xuống dưới 5% vào cuối năm 2015 cho danh mục 54 hàng hóa môi trường.

Thứ hai, các điều khoản về việc chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp cũng chỉ dừng ở các tuyên bố chung về phối hợp giữa các bên trọng việc thúc đẩy hợp tác về năng lượng hiệu quả, phát triển công nghệ các bon thấp và hiêu quả chi phí, các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, phát triển hạ tầng đô thị bền vững, suy thoái rừng và phá rừng, kiểm soát khí thải các bon…gây hiệu ứng nhà kính và phá hủy tầng ô zôn.

4.2. Những nội dung được tập trung chuyên sâu

Thứ nhất, nội dung cam kết về ô nhiễm đại dương do hoạt động vận tải biển và khai thác thủy sản tự nhiên được đề cập rất sâu. Các cam kết về quản lý bền vững hoạt động đánh bắt cá tự nhiên và các cam kết về cấm trợ cấp đối với khai thác thủy sản tự nhiên trên biển nhằm hạn chế khai thác quá mức nguồn tài nguyên thủy sản biển, bảo tồn các loại thủy sản có nguy cơ bị đe dọa như cá mập, rùa biển, chim biển, các loại động vật biển có vú… Các cam kết về hạn chế ô nhiễm biển do hoạt động vận tải biển gây ô nhiễm như các sự cố tàu biển, chất thải, khí thải từ hoạt động tàu biển và công nghệ tàu biển.

Thứ hai, tổ chức thực thi các cam kết, việc tổ chức bộ máy và cơ chế đã được quy định rất rõ ràng. Theo đó, Ủy ban Môi trường của hiệp định CPTPP sẽ được thành lập với thành viên là đại diện của Chính phủ các quốc gia thành viên, trong khi đó cơ quan đầu mối của mỗi quốc gia cũng sẽ phải được xây dựng để làm đầu mối liên lạc giữa các quốc gia đối với Hiệp định CPTPP trong thực hiện các cam kết của chương về Môi trường. Chủ tịch Ủy ban và địa điểm tổ chức các cuộc họp của các nước tham gia Hiệp định CPTPP sẽ được họp luân phiên và diễn ra theo thứ tự trong bảng chữ cái từ các nước thành viên theo chu kỳ 2 năm một lần.

Thứ ba, triển khai các vấn đề về tranh chấp hoặc làm rõ hơn các vấn đề khúc
mắc giữa các nước thành viên sẽ được diễn ra theo trình tự 04 bước. Bước đầu tiên là giải quyết từ Tư vấn môi trường giữa các Điểm đầu mối giữa các quốc gia với nhau, sau đó nếu không xử lý được sẽ chuyển lên cấp tư vấn là đại diện Chính phủ của các quốc gia trong Ủy ban Môi trường, nếu vẫn không giải quyết được sẽ chuyển đến Tư vấn Bộ trưởng và cuối cùng nếu vẫn không xử lý được sẽ phải thành lập Hội đồng giải quyết tranh chấp thương mai và môi trường.

5. Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định CPTPP đã mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường các nước tham gia Hiệp định CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng và luôn đạt mức thặng dư thương mại cao.

Đối với các cam kết về môi trường, mặc dù chưa có các đánh giá và số liệu đo lường tác động, tuy nhiên, một số cơ hội, thách thức tiềm năng có thể được nhận diện như sau:

5.1. Cơ hội

Thứ nhất, tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường sẽ mang đến không gian tăng trưởng cho ngành công nghiệp môi trường và hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu ô nhiễm môi trường với chi phí thấp hơn. Những lợi ích tiềm tàng của việc tự do hóa hàng hóa môi trường đối với các nước đang phát triển như Việt Nam là việc tạo ra những cơ hội xuất khẩu mới và đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa môi trường có chất lượng cao.

Hộp 1: Thương mại đối với hàng hóa môi trường

Công nghiệp môi trường là một trong những ngành năng động, đổi mới và phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế toàn cầu dưới sức ép của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Các chính sách, mục tiêu quốc gia về môi trường và biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; các sáng kiến và thỏa thuận cuối cùng về môi trường và biến đổi khí hậu quốc tế; và các điều khoản cam kết về môi trường và biến đổi khí hậu trong các hiệp định thương mại đã và đang tăng cường cơ hội phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Xuất khẩu toàn cầu của 54 hàng hóa môi trường (HHMT) theo danh mục của APEC là 607 tỷ USD năm 2021[2]. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là pin năng lượng mặt trời, máy nén và phân tách chất thải, thiết bị định lượng mặt trời, máy lọc và làm sạch khí, máy đo độ rung và kính hiển vi điện tử. Xuất khẩu tăng 10% trong giai đoạn 2012 - 2021. Đông Á, và đặc biệt Trung Quốc, chiếm tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất trong HHMT. Trong số 400 tỷ USD giá trị xuất khẩu ước tính của 54 HHMT APEC vào năm 2021, Đông Á chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu và 30% kim ngạch nhập khẩu; Bắc Mỹ (phần lớn là Hoa Kỳ) và Liên minh Châu Âu (EU) lần lượt là 13% và 24%, và 20% và 17%.

Việt Nam hiện là nước nhập khẩu ròng lớn các HHMT. Tuy nhiên, Việt Nam có một số lợi thế vốn có trong việc sản xuất và xuất khẩu HHMT có thể tận dụng để phát triển ngành và khả năng xuất khẩu, một trong số đó là sản xuất và xuất khẩu pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 54 HHMT theo danh mục của  APEC gấp đôi so với giá trị xuất khẩu (12.6 tỷ đô la so với 6.1 tỷ đô la). Nhập khẩu thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo (REP), chủ yếu là pin mặt trời, chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu HHMT và tăng từ 1,6 tỷ đô la lên 6,4 tỷ đô la trong giai đoạn 2016 đến 2019 (phần lớn trong số hàng nhập khẩu này là các bộ phận để tái xuất). Nhập khẩu thiết bị quan trắc và phân tích môi trường (EMA) chiếm 17% kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu các sản phẩm quản lý chất thải rắn (SWM) đạt 3,9 tỷ đô la vào năm 2017 và giảm dần khi chúng dần thay thế bằng sản phẩm sản xuất trong nước nhiều hơn (nhập khẩu năm 2019 là 1.8 tỷ đô la). Nhập khẩu của các HHMT khác ở mức thấp (dưới 500 triệu đô la) cho mỗi phân khúc. Nói chung, đối với xuất khẩu, có một khoảng cách lớn giữa năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng mặt trời) và phần còn lại của thương mại trong 54 HHMT của APEC.

Xuất khẩu các bộ phận và thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là những thiết bị liên quan đến năng lượng mặt trời, chiếm hơn 70% xuất khẩu HHMT của Việt Nam. Xuất khẩu của REP tăng đáng kể, từ 500 triệu đô la năm 2014 lên mức cao nhất là 5.7 tỷ đô la vào năm 2017 và hiện ở mức 4.4 tỷ đô la. Trong phân khúc này, tế bào quang điện mặt trời (tế bào PV), chiếm thị phần lớn nhất, ở mức 2.9 tỷ USD (gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của 54 nhóm HHMT trong APEC). Xuất khẩu kính định nhật mặt trời đạt 2.7 tỷ đô la vào năm 2018, nhưng giảm nhanh chóng kể từ đó (như một phần của xu hướng toàn cầu) và hiện ở mức 842 triệu đô la. Việc giảm xuất khẩu kính định nhiệt cũng làm giảm tổng xuất khẩu HHMT của Việt Nam kể từ năm 2017/2018.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu HHMT lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 50% (2.8 triệu đô la) tổng kim ngạch xuất khẩu của 54 nhóm HHMT theo danh mục của APEC (75% liên quan đến pin mặt trời), tiếp theo là Trung Quốc (19%, 1.1 tỷ đô la) năm 2020. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1.7 tỷ đô la vào năm 2018, nhưng sau đó có xu hướng giảm dần (còn 1.1 tỷ đô la vào năm 2021), sau xu hướng giảm xuất khẩu thiết bị định nhiệt năng lượng mặt trời, giảm từ 1.2 tỷ đô la năm 2017 xuống còn 241 nghìn đô la vào năm 2021. EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, chỉ chiếm 164 triệu USD (3%), làm nổi bật tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Theo khu vực, sau Bắc Mỹ (51%), Đông Á là thị trường xuất khẩu HHMT lớn nhất (26%), tiếp theo là Mỹ Latinh và Caribê (12%).

Nguồn: ITC

Thứ hai, việc chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp của Việt Nam với các hoạt động về thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy các hoạt động về hiệu quả năng lượng sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Thứ ba, các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học, buôn bán trái phép các loại động thực vật quý hiếm sẽ từng bước được ngăn chặn.

Thứ tư, cộng đồng và các tổ chức NGOs sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc tham gia vào các hoạt động ngăn chặn thương mại kém bền vững và được góp tiếng nói, được cung cấp thông tin.

Thứ năm, Việt Nam được tham gia vào các hoạt động và sẽ có tiếng nói hơn trong các hoạt động thúc đẩy thương mại bền vững do cơ chế tổ chức luân phiên về vị trí Chủ tịch của Ủy ban Môi trường, trong khi cơ chế giải quyết các xung đột thương mại - môi trường giữa các quốc gia cũng sẽ được thực hiện tốt hơn.

Thứ sáu, Việt Nam sẽ được hưởng các lợi ích và có cơ hội nhận được các tài trợ cho thực hiện các hoạt động thương mại bền vững do cơ chế trợ hợp tác và trợ giúp của các nước phát triển trong khối.

Như vậy những cơ hội tạo ra của các điều khoản quy định về BVMT liên quan đến thương mại trong Hiệp định CPTPP giúp cho Việt Nam không chỉ thực hiện những cám kết của mình mà còn thúc đẩy nhanh hơn những chủ trương, chính sách của Việt Nam về bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước ban hành.

5.2. Thách thức

Thứ nhất, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến và sản xuất các sản phẩm cho xuất khẩu sẽ ngày càng cao. Đặc biệt là đối với các ngành xuất khẩu nông sản, thủy sản và đồ gỗ. Chẳng hạn, ngành khai thác thủy sản xa bờ và các hoạt động xuất khẩu thủy sản từ đánh bắt của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại do các yêu cầu về loại bỏ các trợ cấp đối với hoạt động đánh bắt và các quy định, tiêu chuẩn về chứng chỉ sản phẩm đánh bắt đạt tiêu chuẩn bền vững, các cam kết về xử lý hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Các hoạt động vận tải biển cũng sẽ gặp nhiều thách thức đối với sự gia tăng các tiêu chuẩn xả thải và các yêu cầu đáp ứng môi trường.

Hộp 2: Tác động của thẻ vàng của EU đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam do vi phạm IUU

Thủy sản nước ta bị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo do hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và đến nay vẫn chưa gỡ bỏ được, do tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao thủy sản Việt Nam sẽ bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”.

Sau khi Việt Nam bị thẻ vàng, gần 100% hàng bị dừng tại hải quan châu Âu kiểm tra, gây phát sinh chi phí rất lớn, khách hàng mất nhiều thời gian để nhận hàng, lượng hàng hóa xuất khẩu vào EU giảm đến 20 – 30% so với năm trước…  Xuất khẩu hải sản sang EU – thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ hai, nhập khẩu mực, bạch tuộc thứ ba của Việt Nam – có chiều hướng giảm từ khi Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng IUU và do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận, xác nhận nguồn gốc khai thác.

Hiện nay, công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo độ tin cậy. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn hạn chế cũng như việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép vẫn tiếp diễn phức tạp. Hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi; cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng; nguồn nhân lực cho quản trị còn rất nhiều vấn đề.

Nguồn: Tổng hợp

Thứ hai, Việt Nam sẽ bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa đối với nhóm hàng hóa và dịch vụ môi trường và nhóm hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp do mở cửa tự do hóa thương mại. Nguyên nhân là ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam còn đang phát triển manh mún, chủ yếu nhập khẩu hàng hóa môi trường từ bên ngoài, trong khi xuất khẩu chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI và chủ yếu tập trung vào các khâu về gia công lắp ráp.

Thứ ba, việc kết nối giữa các chính sách thương mại và chính sách môi trường trong thời gian qua chưa thực sự được quan tâm, các hoạt động thương mại và môi trường chưa được gắn kết chặt chẽ. Việt Nam có thể có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại - môi trường trong thương mại quốc tế.

Với những thách thức trên là những cảnh báo cho Việt Nam, một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Hiệp định CPTPP, do vậy buộc chúng ta phải sửa đổi những chính sách đang tồn tại không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới phù hợp với những quy định môi trường trong Hiệp định CPTPP phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

6. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Các cam kết môi trường trong CPTPP đã mở ra một chương mới trong việc đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo các hoạt động thương mại quốc tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường cũng như góp phần hỗ trợ, thúc đẩy thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường. Mặc dù vậy, các cam kết môi trường cũng sẽ tạo ra những khó khăn và thách thức cho các quốc gia đang phát triển trong việc đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn môi trường đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi các cam kết cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia này, cũng như Việt Nam trong việc đảm bảo được các mục tiêu môi trường từ quá trình tăng trưởng kinh tế và tham gia vào thị trường toàn cầu.

Để khai thác có hiệu quả và thực thi tốt các cam kết môi trường trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã thông qua. Một số khuyến nghị được đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần thực hiện các đánh giá tổng thể tác động của các cam kết môi trường trong Hiệp định CPTPP, từ đó đưa ra các khuyến nghị, đề xuất cho Chính phủ trong việc xây dựng chính sách nhằm khai thác có hiệu quả các cam kết.

Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước, đặc biệt là cần phải rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy định nhằm tương thích với các cam kết môi trường mà Việt Nam đã đưa ra. Chẳng hạn các quy định về trợ cấp, hỗ trợ ưu đãi đối với ngành thủy sản cũng cần được xem xét lại đề không vi phạm cam kết về trợ cấp trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Những quy định trong Hiệp định CPTPP sẽ phải được đưa vào và sửa đổi những luật liên quan tới đây như luật đa dạng sinh học, luật tài nguyên và môi trường biển, luật doanh nghiệp, luật thương mại, luật hàng hải….

Thứ ba, cần tập trung vào một số cam kết đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ mà Việt Nam có lợi thế trong xuất khẩu để tập trung ưu tiên chính sách và giải pháp để thực thi và khai thác có hiệu quả các cam kết.

Thứ tư, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành mạng lưới, các cơ quan đầu mối tại các Bộ,ngành và xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tham gia và thực hiện các quyền và nghĩa vụ, cũng như các hoạt động có liên quan khi Hiêp định CPTPP đi vào thực hiện.

Thứ năm, cần hỗ trợ doanh nghiệp, cán bộ quản lý các ngành, lĩnh vực nâng cao nhận thức về các cam kết môi trường trong Hiệp định CPTPP nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với bối cảnh mới.

Kết luận.

Hiệp định tự do hóa thương mại thế hệ mới CPTPP là Hiệp định đa phương đầu tiên của Việt Nam có một chương quy định cụ thể về bảo vệ môi trường liên quan đến thương mại, với 23 điều của chương 20 trong Hiệp định này đã thể hiện khá toàn diện các nội dung liên quan đến BVMT. Trước khi ký kết Hiệp Định CPTPP, Việt Nam cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng trong bối cảnh những điều kiện thực thi còn gặp nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên Hiệp định CPTPP cũng tạo ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khảu Việt Nam tham gia vào thị trường mới đòi hỏi chất lượng cao và trách nhiệm với những vấn đề môi trường toàn cầu. Từ những quy định trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cần phải xem xét, rà soát và hoàn thiện những chính sách liên quan để phù hợp với những quy định về thương mại nói chung và những quy định về môi trường nói riêng trong Hiệp định CPTPP. 

Tài liệu tham khảo:

  1. David J. Brooks, (2011), Quy định về môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do. Tài liệu Hội thảo “Vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), một số quy định liên quan và công tác thực thi”.
  2. David Luff (2011), Báo cáo: Hỗ trợ Việt Nam đàm phán các Hiệp định thương mại tự do.
  3. VCCI và MUTRAP (2014), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Kiến nghị chính sách.
  4. Hoàng Xuân Huy (2012), Đánh giá và phân tích các nội dung liên quan đến môi trường trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên Minh châu Âu (EU).
  5. Phạm Văn Lợi (2014), “Xây dựng đề án tăng cường tham gia các cơ chế hợp tác giải quyết các vấn đề môi trường trong Hiệp định thương mại tự do - FTA”, Viện Khoa học môi trường.
  6. Trần Hoàn (2015), Các cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Tài liệu hội thảo “Tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụmôi trường tại Việt Nam”.
  7. Trung tâm WTO, https://trungtamwto.vn/fta/175-cptpp/1

[1] Tiền thân là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được chính thức ký ngày 4/2/2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018. Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu và sau đó 11 nước còn lại thống nhất đổi tên thành Hiệp định CPTPP.

[2] Dựa trên dữ liệu UN COMTRADE ở cấp độ 6 chữ số và phân tích ITC.

PGS TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chính sách kinh tế môi trường. Hội Kinh tế môi trường;Trần Huy Hoàn, Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Công thương

Bạn đang đọc bài viết Cam kết môi trường trong Hiệp định CPTPP: Cơ hội, thách thức đối với Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới