Thứ hai, 07/10/2024 05:08 (GMT+7)
Thứ ba, 28/11/2023 07:00 (GMT+7)

Hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn khi thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường trong EVFTA

Theo dõi KTMT trên

Định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiết kiệm nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu phát thải ra ngoài môi trường...

Hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn khi thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường trong EVFTA - Ảnh 1
  1. Khái quát về kinh tế tuần hoàn theo EVFTA

Khái niệm kinh tế tuần hoàn được xây dựng dựa trên nguyên lí cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Mối quan hệ giữa kinh tế tài nguyên và kinh tế chất thải đã chỉ ra rằng, hoạt động phát triển kinh tế xã hội tất yếu sẽ khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên – chủ yếu là các nguồn tài nguyên thiên nhiên để lấy nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh; đồng thời, xả thải các chất thải ra ngoài môi trường. Quá trình này diễn ra liên tục và thường xuyên để phục vụ nhu cầu phát triển của con người và quá trình tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Có thể nói, tăng trưởng và phát triển kinh tế là mục tiêu mà mọi quốc gia, vùng và khu vực trên thế giới muốn hướng tới. Trọng tâm của sự tăng  trưởng là gia tăng giá trị mà một nền kinh tế tạo ra trong một giai đoạn nhất định. Theo lý thuyết kinh tế, tăng trưởng kinh tế là kết quả của quá trình tăng năng suất lao động của nền kinh tế, được thể hiện thông qua kết quả của việc thực thi các chính sách liên quan đến quản lý và tích lũy tài sản vật chất, nguồn nhân lực, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng[1]. Như vậy, có thể thấy về bản chất kinh tế, môi trường được xem xét với tư cách là một hệ thống cung cấp các nguồn lực đầu vào cho hệ thống kinh tế và hấp thụ các chất thải đầu ra từ chính quá trình thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế xã hội đó. Bởi vậy, cần kiểm soát hiệu quả sự tác động của các hoạt động phát triển vào môi trường theo hướng định hướng phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của nền kinh tế truyền thống chú trọng khai thác tài nguyên thông qua đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn.

Trong số các cam kết về môi trường được quy định tại Chương 13 Hiệp định EVFTA, Điều 13.6 Hiệp định đã quy định các Bên phải bảo đảm thực hiện điều ước đa phương liên quan đến biến đổi khí hậu bao gồm: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992 (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto liên quan đến Công ước UNFCCC năm 1997, Hiệp định Paris năm 2015 và tích cực hợp tác để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải, thích ứng với khí hậu, phù hợp với Hiệp định Paris. Đồng thời, các Bên cam kết thúc đẩy thị trường các-bon trong nước và quốc tế, bao gồm qua các cơ chế như Chương trình mua bán khí thải và Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo.

Để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững theo EVFTA, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính (mô hình kinh tế khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên làm yếu tố nguyên liệu sản xuất đầu vào cho hệ thống kinh tế, tiếp đó là sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ) sang nền kinh tế tuần hoàn bởi nguy cơ cạn kiệt, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang diễn biến ngày càng trầm trọng hơn. Định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiết kiệm nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu phát thải ra ngoài môi trường đi cùng với thay đổi bền vững và thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là điều kiện cơ bản và quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tiến tới đạt được những cam kết về môi trường theo EVFTA, gia tăng giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp trong việc thụ hưởng các lợi ích kinh tế do EVFTA mang lại.

  1. Thực trạng pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay

            2.1. Khái niệm kinh tế tuần hoàn

Khoản 1 Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Tại Việt Nam, xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Do đó, việc luật hóa mô hình kinh tế này trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là sự thể chế hóa đồng bộ và thống nhất quan điểm của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

2.2. Nội dung quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về kinh tế tuần hoàn

Trước Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn hầu như không được ghi nhận chính thức trong các văn kiện đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, các nội dung của kinh tế tuần hoàn về khai thác, sử dụng hợp lí, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên; giảm phát thải ra ngoài môi trường tiến tới bảo đảm phát triển bền vững đã được xác định trong hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cụ thể: Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với quan điểm “Bảo vệ môi trường phải theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên…”. Đồng thời, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) đưa ra những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch. Coi trọng nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Quản lý, bảo vệ, tái tạo và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia”. Đặc biệt, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu khẳng định mục tiêu “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Định hướng phát triển này tiếp tục được khẳng định tại Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm chỉ đạo “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước”, “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường”.

Để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm phát triển bền vững, Nhà nước đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Mặc dù không trực tiếp sử dụng định nghĩa về kinh tế tuần hoàn; tuy nhiên các nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trực tiếp trong các Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành về bảo vệ môi trường thông qua các chế định về đánh giá môi trường, quản lí chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Để phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới cũng như bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đó là “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045 khẳng định “Phải phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả mục tiêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức luật hóa khái niệm kinh tế tuần hoàn tại Điều 5, khẳng định Nhà nước thúc đẩy “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định cụ thể nghĩa vụ của các chủ thể trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Điều 142. Các tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn được quy định cụ thể tại Điều 138 Nghị định 08/2022/NĐ – CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định khái quát về trách nhiệm của các chủ thể - bao gồm các cơ quan quản lí nhà nước cấp trung ương và địa phương cùng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc xây dựng và bảo đảm thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn. Nói cách khác, trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện nền kinh tế tuần hoàn vận hành thống nhất, hiệu quả là trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung trong việc tiến tới xây dựng một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Theo đó, các cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch, xác định các mục tiêu cụ thể về xây dựng và thực hiện kinh tế tuần hoàn trong quá trình thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Đối với các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế xã hội cần thực hiện tốt công tác “tiền kiểm” – kiểm soát ô nhiễm nguồn tài nguyên thiên nhiên ngay từ giai đoạn cung cấp nguồn nguyên liệu cho quá trình phát triển kinh tế xã hội nhằm bảo đảm hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, kiểm soát và xử lí ô nhiễm tại giai đoạn “hậu kiểm” do hoạt động phát sinh chất thải gây ra. Quy định này hoàn toàn phù hợp với quy định mang tính nguyên tắc được Hiến định tại Điều 43 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Theo đó, cùng với việc được bảo đảm các quyền con người – trong đó có quyền con người được sống trong một môi trường trong lành, “mọi người” (bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư) phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm môi trường sống trong lành của chính mình và chủ thể khác thông qua việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ về bảo vệ môi trường nhằm tiến tới xây dựng nền kinh tế xanh, giảm thiểu vấn đề phát thải, bảo đảm phát triển bền vững.

2.3. Hạn chế trong quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về kinh tế tuần hoàn

Mặc dù đã chính thức được ghi nhận trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và được luật hóa trong hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; tuy nhiên các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn hiện nay còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể:

- Thứ nhất, quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn phân tán, thiếu đồng bộ

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức ghi nhận về kinh tế tuần hoàn và khẳng định đây là chính sách phát triển quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Việc quy định về kinh tế tuần hoàn trực tiếp trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cho thấy tầm quan trọng của định hướng xây dựng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là một chính sách xuyên suốt thống nhất và đồng bộ. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung thêm các quy định về công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường, các chính sách ưu đãi của Nhà nước về bảo vệ môi trường…Tuy nhiên kinh tế tuần hoàn là một chính sách phát triển kinh tế mới, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, thách thức nên cần có hệ thống chính sách và công cụ thúc đẩy mang tính toàn diện, đồng bộ, với lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần thiết phải được quy định chi tiết và đầy đủ. Trong khi đó, các quy định về kinh tế tuần hoàn cũng mới dừng lại ở mức độ khung, chưa có dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đó để tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển mô hình kinh tế này ở Việt Nam hiện nay.

- Thứ hai, quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn chưa thống nhất và phù hợp, thiếu tính khả thi

Hệ thống chính sách, pháp luật môi trường Việt Nam hiện hành được kết cấu tương đối theo 02 (hai) mảng là pháp luật môi trường màu xanh và pháp luật môi trường màu nâu. Trong đó, mảng pháp luật môi trường màu xanh chú trọng tới bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên; mảng pháp luật môi trường màu nâu quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề về quản lí chất thải và khắc phục ô nhiễm môi trường. Theo đó, để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần chú trọng tới việc gia tăng lợi ích và kéo dài chu kì sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm lượng phát thải đầu ra từ quá trình phát triển.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường thuộc mảng xanh và mảng nâu còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, bất cập, thiếu tính khả thi và hiệu quả áp dụng không cao trên thực tế, cụ thể một vài ví dụ:

+ Quy định về thuế tài nguyên (Luật Thuế Tài nguyên năm 2009) chưa chú trọng tới vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho các ngành sản xuất mang tính “độc quyền”. Do đó, ý nghĩa về việc đánh thuế tài nguyên thiên nhiên đối với chủ thể khai thác tài nguyên nhằm khuyến khích chủ thể khai thác tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả thường không đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, việc áp dụng mức thuế suất của Luật Thuế Tài nguyên năm 2009 mới chỉ ưu tiên cho mục tiêu điều tiết tài nguyên có giá trị cao thể hiện ở mức thuế suất áp dụng đối với khoáng sản không kim loại và dầu thô, mà chưa hướng đến việc hạn chế khai thác tài nguyên làm nguyên liệu hay bảo tồn thiên nhiên.

+ Quy định về thuế bảo vệ môi trường (Luật Thuế Bảo vệ môi trường năm 2010) chưa có căn cứ xác định cụ thể đối tượng chịu thuế là túi ni long không thân thiện môi trường; do đó mức thuế suất Luật quy định đối với túi nilong thuộc đối tượng này hầu như không áp dụng được trên thực tế. Trong bối cảnh túi nilong được sử dụng phổ biến với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như hiện nay, lượng túi nilong phát thải lớn ra ngoài môi trường sẽ làm gia tăng nguồn chất thải, trong đó có chất thải nguy hại và các chi phí về quản lí chất thải nói chung.

            + Quy định về quản lí chất thải: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hệ thống pháp luật chuyên ngành chưa có quy định cụ thể về về quy chuẩn kĩ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường về tái chế sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm nhựa, bao bì có giá trị tái chế. Cần nhận thức được rằng, quy chuẩn kĩ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường là các thông số kĩ thuật môi trường nhằm xác định cụ thể các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Do đó, việc thiếu sót trong quá trình xây dựng và ban hành quy chuẩn kĩ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường trong lĩnh vực này có thể gây cản trở trong việc áp dụng công cụ mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) một cách hiệu quả và thống nhất.

+ Quy định về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên còn nhiều bất cập, chồng chéo về nội dung liên quan tới giấy phép các loại tài nguyên thiên nhiên, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng các loại tài nguyên thiên nhiên. Ví dụ đối với tài nguyên rừng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, mức chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng còn thấp, chưa tương xứng với giá trị công sức và nhu cầu bảo đảm sinh kế của người cung ứng dịch vụ môi trường rừng; từ đó dẫn tới trách nhiệm của chủ rừng không cao, chất lượng tài nguyên rừng không được cải thiện hiệu quả.

- Thứ ba, quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn thiếu cơ chế bảo đảm áp dụng và thực thi hiệu quả trên thực tế

Phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang là một xu hướng phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới – trong đó có Việt Nam bởi chính những lợi ích về cả kinh tế, môi trường và xã hội được kỳ vọng sẽ mang lại như: tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay còn chưa đầy đủ và hiệu quả như: thiếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường; thiếu quy định bảo đảm áp dụng thống nhất chính sách quản lí chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; chưa có quy định về các thiết chế bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn trên thực tế…

  1. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường theo EVFTA

- Thứ nhất, định hướng xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn cần được thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo đảm phát triển bền vững.

Sau khi Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc được thông qua từ năm 2015 thì việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia – trong đó có Việt Nam thực hiện và dần trở thành xu hướng phổ biến ở phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, việc kí kết Hiệp định EVFTA đi cùng với những cam kết môi trường về ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp đã và đang ngày càng đặt ra những nhiệm vụ trọng yếu cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong việc nỗ lực chuyển đổi từ nền “kinh tế nâu” – nền kinh tế truyền thống tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và phát thải lớn ra ngoài môi trường sang nền “kinh tế xanh” thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Từ lý thuyết đến thực tiễn chuyển đổi mô hình kinh tế ở các nước cho thấy, thể chế, trọng tâm là pháp luật có vai trò, ảnh hưởng lớn và bao trùm tới tiến trình và kết quả thực hiện kinh tế tuần hoàn ở phạm vi quốc gia. Do đó, để tạo cơ sở thực hiện thống nhất và hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn, các thiết chế - trọng tâm là pháp luật về kinh tế tuần hoàn cần được thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo đảm phát triển bền vững; chú trọng bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế, vấn đề bảo đảm an toàn, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính tới nền kinh tế tuần hoàn với nhiều mô hình kinh doanh mới dựa trên sự ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới về chính sách, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

- Thứ hai, rà soát, hệ thống hóa hệ thống pháp luật chuyên ngành về kinh tế tuần hoàn nói chung, bảo vệ môi trường nói riêng nhằm tạo sự thống nhất, khả thi, áp dụng hiệu quả trên thực tế

Thực hiện kinh tế tuần hoàn đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới – trong đó có Việt Nam xác định là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, việc chuyển đổi xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn còn đang được xem xét như là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu Covid 19. Tuy nhiên, với tính chất là mô hình kinh tế mới, quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế tuần hoàn cần thiết phải được bảo đảm thực hiện bằng hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ, chi tiết, minh bạch, tạo cơ sở để áp dụng và thực thi có hiệu quả trên thực tế. Do đó, trong thời gian tới, cần thiết phải thực hiện rà soát và hệ thống hóa hệ thống pháp luật môi trường và hệ thống pháp luật có liên quan về kinh tế tuần hoàn do đây là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề để tạo cơ sở chuyển đổi và thực hiện hiệu quả. Theo quan điểm của tác giả, để tạo cơ sở áp dụng thống nhất, cần sớm xây dựng, ban hành một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, quy định tập trung, toàn diện các vấn đề về phát triển kinh tế tuần hoàn do đây là mô hình kinh tế mới, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn, thách thức nên cần có hệ thống chính sách và công cụ thúc đẩy mang tính toàn diện, đồng bộ, với lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

- Thứ ba, xây dựng đồng bộ cơ chế thúc đẩy thực thi pháp luật về kinh tế tuần hoàn hiệu quả, phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển của quốc gia trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn là mục tiêu phát triển chung của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, pháp luật có vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn; do đó, cần thiết phải xây dựng đồng bộ cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật về kinh tế tuần hoàn minh bạch, hiệu quả. Các cơ chế này bao gồm các chính sách bảo đảm áp dụng pháp luật cũng như hệ thống cơ quan quản lí Nhà nước và các thiết chế xã hội khác trong quá trình thực thi pháp luật về kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật về kinh tế tuần hoàn cần được xây dựng và bảo đảm thực hiện trên cơ sở phù hợp với định hướng, mục tiêu, tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kì, bảo đảm phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Bên cạnh đó, cần tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) khái quát các chính sách và công cụ để thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn[2] bao gồm:

Mệnh lệnh và kiểm traKinh tếĐối tác công - tư

- Các tiêu chuẩn chôn lấp và trao đổi chất thải.

- Các yêu cầu tái chế tối thiểu.

- Hệ thống hoàn trả đặt cọc, vd: đối với chai lọ nhựa.

- Các quy định tuần hoàn công cộng.

- Các đảm bảo pháp lý mở rộng.

- Các quy định cho thuê và chia sẻ tuần hoàn.

- Thuế chôn lấp và/hoặc đốt chất thải.

- Các mức thuế đối với các sản phẩm tái sử dụng hay tái chế.

- Giảm thuế VAT đối với dịch vụ sửa chữa và tái sử dụng.

- Tăng thuế đối với các sản phẩm không thể sửa chữa.

- Chuyển thuế từ đánh vào lao động sang vào tiêu dùng.

- Các khuyến khích ngoài sở hữu.

- Tăng cường hạ tầng và logistics.

- Các hệ thống gắn nhãn và công nhận tuần hoàn.

- Mở rộng trách nhiệm của người sản xuất.

- Chiết khấu đối với hiệu quả tuần hoàn.

- Sản phẩm được thiết kế cho tái chế.

- Nền tảng số cho tài sản chia sẻ.

- Thứ tư, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về kinh tế tuần hoàn đối với các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm bảo đảm thực thi pháp luật về kinh tế tuần hoàn thống nhất, hiệu quả.

Như trên đã phân tích, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để chuyển đổi và phát triển nền kinh tế một cách bền vững hơn, đóng góp cho các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải ra môi trường trong khi vẫn tạo cơ hội việc làm mới cho cộng đồng, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Thực tế chỉ ra rằng, đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn về tái chế, tái sử dụng chất thải được các doanh nghiệp triển khai áp dụng thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích, giá trị lớn về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng. Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một mô hình kinh doanh mới được nhiều doanh nghiệp hướng tới chú trọng đầu tư và phát triển. Do đó, cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh tế tuần hoàn tới doanh nghiệp và cộng đồng để bảo đảm quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, nhận được sự đồng thuận cao từ doanh nghiệp và cộng đồng, thúc đẩy việc bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển bền vững.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực từng bước phục hồi sau đại dịch Covid 19, đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết về môi trường theo EVFTA trong xu thế bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn là một chính sách kinh tế quan trọng và cần thiết nhằm tiến tới bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường. Đồng thời, kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần nâng cao các giá trị chất lượng cuộc sống của cộng đồng, bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện về an toàn và an sinh xã hội. Đây là sự chuyển đổi mang tính tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghiệp 4.0 như hiện nay cùng với những thách thức ngày càng nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hiến pháp năm 2013;
  2. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
  3. Luật Thuế Tài nguyên năm 2009;
  4. Luật Thuế Bảo vệ môi trường năm 2010;
  5. Luật Lâm nghiệp năm 2017;
  6. Nghị định 08/2022/NĐ – CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
  7. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
  8. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;
  9. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  10. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011);
  11. Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
  12. Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045;
  13. Đinh Đức Trường, Lê Hà Thanh, “Quan hệ giữa chất lượng tăng trưởng kinh tế và quản lí sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học xã hội và nhân văn 28 (2012), 266-274;
  14. UNCTAC, 2018, Circular Economy, Policy Brief, No 61.

[1] Đinh Đức Trường, Lê Hà Thanh, “Quan hệ giữa chất lượng tăng trưởng kinh tế và quản lí sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Hàm ý chính sách cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học xã hội và nhân văn 28 (2012), 266-274.

[2] UNCTAC, 2018, Circular Economy, Policy Brief, No 61.

TS. Lại Văn Mạnh

Viện Chiến Lược Chính Sách Tài Nguyên & Môi Trường

H.A

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn khi thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường trong EVFTA. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Bài toán bảo tồn rừng ở Hang Kia – Pà Cò
Thiếu nguồn lực tài chính, kèm theo sức ép từ việc đảm bảo đời sống kinh tế cho cộng đồng sinh sống và “điểm nóng” tội phạm là những trở ngại đối với nỗ lực bảo vệ và bảo tồn rừng tại Khu bảo tồn thiên nhân Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình).

Tin mới