Thứ sáu, 29/03/2024 15:17 (GMT+7)
Thứ năm, 15/09/2022 18:05 (GMT+7)

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII cần đáp ứng những nội dung gì?

Theo dõi KTMT trên

Quy hoạch điện VIII phải bám sát chủ trương, định hướng theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, phải hướng đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt và phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân.

Đến nay, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII đã trải qua nhiều bước, đảm bảo tính toán một cách thận trọng, cân nhắc mọi yếu tố. Tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII .

Tuy nhiên, bản dự thảo Quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện.

Thứ nhất, Dự thảo trình chưa đánh giá đầy đủ các tồn tại, vướng mắc, hạn chế của Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là các vấn đề bất cập đang diễn ra trong thực tiễn. Đây là nội dung rất quan trọng để có biện pháp, giải pháp khắc phục cho được các tồn tại, yếu kém, nhằm phát triển bền vững và minh bạch ngành điện, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII cần đáp ứng những nội dung gì? - Ảnh 1
Quy hoạch điện VIII bám sát chủ trương, định hướng theo Nghị quyết 55 và hướng đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ hai, quy mô phát triển nguồn điện theo danh mục nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 là rất lớn (khoảng 181.000 MW), gấp khoảng 1,94 lần nhu cầu công suất cực đại (Pmax khoảng 93.300 MW); đặc biệt, không có sự thống nhất giữa quy mô danh mục nguồn điện dự kiến phát triển và dự kiến cơ cấu công suất nguồn theo phương án cao trong Tờ trình (167.000 MW).

Thứ ba, cơ cấu nguồn điện còn chưa hợp lý; nguồn nhiệt điện than dự kiến phát triển quá lớn (năm 2030 khoảng 47.000 MW, năm 2045 khoảng 54.000 MW); nguồn điện khí LNG dự kiến phát triển cũng rất lớn (năm 2030 khoảng 41.000 MW và đến năm 2045 khoảng 83.000 MW).

Thứ tư, cân đối vùng miền còn bất hợp lý dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng là rất lớn. Giai đoạn 2021-2030, đầu tư khoảng 14.000 km đường dây 500 kV, 73.000 MVA công suất trạm biến áp 500 kV, 17.500 km đường dây 220kV và khoảng 72.000 MVA công suất trạm biến áp 220 kV. Nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 33 tỷ USD.

Thứ năm, về các cơ chế chính sách và giải pháp quản lý tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VIII còn chưa rõ, mối quan hệ với các quy hoạch liên quan trong hệ thống quy hoạch quốc gia cũng chưa được làm rõ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng. Ngày 8/10/2021, Bộ Công Thương đã có Tờ trình 6277/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII .

Với phiên bản này, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, trên cơ sở cập nhật những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26. Đây là vấn đề mới đặt ra mà Quy hoạch điện VIII phải đóng góp quan trọng vào thực hiện cam kết này, cũng như yêu cầu đặt ra về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tại Đề án Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình lại (tại Tờ trình 4778/TTr-BCT ngày 11/8/2022). Trong đó có 6 nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ: (1) Rà soát các dự án điện than, điện khí, (2) Các dự án điện mặt trời, (3) Các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, (4) Cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII , (5) Cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và (6) Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Trong bối cảnh có nhiều biến động về năng lượng, chuyển đổi năng lượng trên thế giới do các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế, sự thay đổi, phát triển rất nhanh của công nghệ trong ngành năng lượng và yêu cầu thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.

Theo đó, Quy hoạch điện VIII bám sát chủ trương, định hướng theo Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, phải hướng đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Ngoài ra, cần xem xét quy hoạch tối ưu tổng thể và cho 5 khâu cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: Nguồn điện; Truyền tải điện; Phân phối điện; Sử dụng hiệu quả điện; Giá điện. Phải bảo đảm quy hoạch tối ưu nhất, hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện xa, giảm tổn thất điện năng, nhất là giải pháp góp phần tính giá điện phải hợp lý nhất, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và theo cơ chế thị trường.

An ninh năng lượng là mối quan tâm của rất nhiều quốc gia, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng như hiện nay, tất cả các quốc gia đều đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu năng lượng để duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của người dân. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tư nhân rất quan tâm đến việc đầu tư vào các chuỗi cung ứng mới, các nhà máy sản xuất và chế tạo mới tại Việt Nam, trong đó cân nhắc việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Nhận định đây là tín hiệu tốt trong việc chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch, Chủ tịch COP26 Alok Sharm mong muốn Việt Nam xây dựng và ban hành Quy hoạch điện VIII một cách hợp lý nhất và xem xét sửa đổi, cập nhật các văn bản pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia các lĩnh vực này cũng như có thể tiếp cận được các nguồn tài chính xanh với lãi suất ưu đãi.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII cần đáp ứng những nội dung gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.