Hoàn thiện chính sách, giám sát các nguồn lực cho phát triển năng lượng
Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm liên tục. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng BĐKH, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.
Hoàn thiện chính sách về phát triển năng lượng
Giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI hiện nay. Với Việt Nam, biến đổi khí hậu đè nặng áp lực nhưng đồng thời cũng đem đến cơ hội tạo ra “bước nhảy vọt” về chất và lượng cho mọi mặt đời sống xã hội, để vừa củng cố khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, vừa song hành phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Theo Nghị quyết số 528/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì tham mưu giúp Đoàn giám sát về những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch, đề cương phục vụ Đoàn Giám sát về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Vì thế, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao.
Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, trong đó đáng lưu ý là ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bên cạnh đó, "Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 đã tạo tiền đề phát triển thị trường điện Việt Nam, với đóng góp ngày càng lớn của nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió, giúp đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện lưới của Việt Nam.
Việt Nam đang tích cực hiện thực hóa quá trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả. Trong đó, giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Đặc biệt, Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, mục tiêu đặt ra là cần tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra được một đầu bài đúng để cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thật sự thực chất, hiệu quả, “đúng” và “trúng”, vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng. Trong khi đó, nội dung và phạm vi giám sát rất rộng, nhiều nội dung rất chuyên sâu, tính chất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giám sát, đánh giá nguồn lực phát triển năng lượng
Mới đây, Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia phục vụ Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Ông Phan Xuân Dương, Chuyên gia nhiệt điện than cho rằng, “Báo cáo giám sát lần này nhất định phải có vấn đề về triển khai giám sát năng lượng tái tạo. Bởi từ năm 2016-2021 vấn đề năng lượng tái tạo được hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhất là từ năm 2019-2020 và nó còn phát triển trong tương lai theo Nghị quyết 55 của Trung ương. Tuy nhiên thời gian qua dòng năng lượng tái tạo này bên cạnh nhiều lợi ích nhưng cũng bộc lộ nhiều vấn đề do vậy giám sát là rất cần thiết”.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đoàn giám sát cần tập trung giám sát vào vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; hiệu quả khai thác và sử dụng năng lượng; cơ sở hạ tầng năng lượng; phát triển các thị trường năng lượng; chính sách giá năng lượng bao gồm cả giá điện; phát triển khoa học công nghệ trong phát triển năng lượng. Để thực hiện được những nội dung trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần tham mưu với Quốc hội rà soát lại các điều luật, chính sách liên quan cũng như có sự đánh giá về những bất cập về thể chế để thực hiện tốt các chính sách đó”.
Quá trình phát thải ròng về “0” sẽ thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải và có sức chống chịu cao trước tác động của biến đổi khí hậu.
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định, bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng, cần đặt ra mục tiêu để đạt được. Theo đó, cần đặt bảo vệ môi trường trước tiết kiệm năng lượng hiệu quả cũng như đưa ra quy chuẩn rác thải chứ không phải là tiêu chuẩn rác thải, quy chuẩn về môi trường xung quanh. Để bảo vệ môi trường hiệu quả, cũng cần chú trọng đến cơ chế, chính sách để thực hiện.
Theo Bộ Công Thương, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã cập nhật các cam kết của Việt Nam tại COP26 theo hướng giảm dần phụ thuộc nhiệt điện than, dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Là một trong 5 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đối với Việt Nam, chuyển dịch năng lượng vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là hướng đi để xây dựng một ngành năng lượng có tính tự chủ cao, ít phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh, tiềm năng năng lượng tái tạo sẵn có của đất nước.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, đối tượng giám sát của chuyên đề này bao gồm Chính phủ; các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phạm vi giám sát gồm: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng theo quy định của pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch).
Lan Anh